24/11/2024

Hôm thứ Tư 12/5 tại Lisbon, phái đoàn đại kết của Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE) và Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu (Cec) đã có buổi họp với đại diện của Bồ Đào Nha, quốc gia đang trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch Liên minh châu Âu. Nội dung của buổi gặp gỡ bàn về: Hội nghị về tương lai của châu Âu, phục hồi sau đại dịch Covid-19, các chính sách di cư và tị nạn của châu Âu.

 

 

Phái đoàn được hướng dẫn bởi Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu, và mục sư Christian Krieger, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu, đã thảo luận với ông Augusto Santos Silva, Bộ trưởng Ngoại giao Bồ Đào Nha để “đối thoại về các ưu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Bồ Đào Nha”.

Trong cuộc họp, hai bên đã trao đổi quan điểm của Hội nghị về tương lai châu Âu. Các Giáo hội Kitô bày tỏ “hy vọng rằng hội nghị sẽ có sự tham gia của tất cả công dân châu Âu, xã hội dân sự, cũng như các Giáo hội và cộng đồng tôn giáo, đồng thời nó sẽ làm mới lòng tin và củng cố cam kết với Liên minh châu Âu như một cộng đồng các giá trị thực sự”. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô châu Âu nhắc lại rằng “tiếng nói của các Giáo hội phải được lắng nghe. Bởi vì các Giáo hội đại diện cho hàng triệu công dân ở tất cả các nước thành viên châu Âu và có mặt ở mọi cấp độ của xã hội châu Âu”.

Một phần của cuộc họp được dành cho chủ đề phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đại diện phái đoàn nhấn mạnh “cần phải hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, thực hiện Trụ cột của châu Âu về quyền xã hội và thúc đẩy phục hồi công bằng trong bối cảnh chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, không loại trừ ai”.

Một trong những điểm nổi bật của cuộc thảo luận cũng bao gồm các chính sách di cư và tị nạn của châu Âu, các biện pháp cần thực hiện cho một châu Âu bao gồm hơn, Thỏa thuận Xanh châu Âu và chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta, quan hệ đối tác châu Âu-châu Phi và việc bàn giao nhiệm kỳ chủ tịch Liên minh châu Âu cho Slovenia vào tháng 7/2021.

Phái đoàn cũng đã chia sẻ với quốc gia Chủ tịch một số tài liệu lập trường về chính sách hồi hương và hợp tác với các nước thứ ba trong khuôn khổ Hiệp ước châu Âu về Di cư và Tị nạn do Ủy ban châu Âu đề xuất gần đây. Về vấn đề này, Đức Hồng y Hollerich nhấn mạnh rằng “Châu Âu có trách nhiệm chia sẻ hòa bình và thịnh vượng với các nước láng giềng và chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập người di cư bằng cách phát triển các chính sách dựa trên sự tôn trọng nhân quyền và phẩm giá con người”.

Ngọc Yến – Vatican News