Lễ kỷ niệm là một dịp để ta có cơ hội tìm hiểu lí do của việc cử hành mà rất thường khi ta cho là đương nhiên: đời sống của một bạn trẻ nhân dịp sinh nhật thứ 18, một đôi hôn phối nhân dịp ngân khánh, một tổ chức nhân dịp kim khánh thành lập. Lễ kỷ niệm mà ta cử hành được nhắc đến trong loạt bài này[2] là việc kỷ niệm một sứ mạng, sứ mạng tôn kính và quảng bá Bức Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có rất nhiều khía cạnh trong sứ mạng này khiến ta cần tìm hiểu và quan tâm chú ý cách kỹ lưỡng. Mục đích của chúng tôi trong bài viết này chỉ giới hạn ở một khía cạnh: vai trò của Bức Linh Ảnh trong việc cứu ta thoát khỏi các ngẫu tượng (idol) của mình. Để hiểu vai trò này, thật cần thiết phải nắm rõ sự lan tràn và sức công phá của việc thờ ngẫu tượng trong tâm hồn ta và trên thế giới. Chỉ khi đặt vào hậu cảnh tiêu cực này ta mới có thể thấu hiểu sức mạnh giải thoát đầy quyền năng của ơn Chúa mà việc chiêm ngắm Bức Linh Ảnh có thể mang lại.

Điều Gì Khiến Cho Một Ngẫu Tượng Trở Thành Ngẫu Tượng?

Để hiểu về các ngẫu tượng, ta nên bắt đầu từ đâu? Câu hỏi này quan trọng có tính sống còn. Điều chắc chắn là điểm khởi đầu không phải nơi chính các ngẫu tượng. Hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì để bắt đầu suy nghĩ về các ngẫu tượng nếu không nghĩ trước hết đến những gì cần phải xảy ra để nơi đó có một ngẫu tượng. Chẳng hạn, sẽ không bao giờ có một ngẫu tượng (idol) nếu không có một người-tôn-thờ-ngẫu-tượng (idolater). Cách thế mà một ngẫu tượng được nhìn đến, hay chính xác hơn là được tin cậy vào, là do có người-tôn-thờ-ngẫu-tượng tạo ra ngẫu tượng đó. Vậy, điều gì thực sự cấu thành một người-tôn-thờ-ngẫu-tượng? Để trả lời câu hỏi này, ta cần phải trở lại với suy tư của ta và bắt đầu với việc nói về Thiên Chúa và việc thờ phượng. Sắc thái tiêu cực của hạn từ “idol” (theo nghĩa là một vị thần giả) hoàn toàn phụ thuộc vào một số ý niệm: vị Thiên Chúa thật, một tín hữu và khả năng (đặc biệt) mà người tín hữu có thể nối kết với Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Ở điểm này, tất nhiên ta cần đặt vấn đề “Thiên Chúa là ai”, “người tín hữu là gì”, “sự thờ phượng nghĩa là gì?”. Để trở lại với địa hạt suy tư của ta trong các vấn đề này, cần phải làm thần học để có thể đưa ta vượt ra khỏi phạm vi hiện tại. Đến đây, cũng là tạm đủ để biết rằng việc tôn thờ ngẫu tượng không phải là một tập tục mang tính cổ xưa, kỳ lạ, kỳ quặc mà là một mối nguy có thật thường ngày gắn liền với thực tế mà ta có thể rơi vào. Như người ta thường nói: “Hãy cho tôi biết bạn tôn thờ ai/ điều gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai…”.

Nhưng chúng ta hãy quay lại câu hỏi: “Điều gì khiến một ngẫu tượng trở thành ngẫu tượng?” Để cố nắm được những đặc điểm chính yếu của ngẫu tượng, ta sẽ xem xét câu chuyện điển hình về việc thờ ngẫu tượng trong Kinh Thánh, đó là câu chuyện Con Bê Vàng:

1Khi dân thấy ông Mô-sê lâu quá không xuống núi, bèn tụ họp bên ông Aharon và nói với ông: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập.” 2 Ông Aharon nói với họ: “Hãy gỡ các khuyên vàng mà vợ và con trai con gái anh em đeo ở tai, rồi đem đến cho tôi.” 3 Toàn dân gỡ các khuyên vàng đeo tai và đem đến cho ông Aharon. 4 Ông lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập.” 5 Thấy vậy, ông Aharon dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to: “Mai có lễ kính Ðức Chúa!” 6Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi. (Xh 32,1-6).

Điều đầu tiên ta cần chú ý về bản văn này đó là tình tiết được thuật lại là một phần của một câu chuyện lớn hơn, câu chuyện về lịch sử cứu độ, trong đó Đức Chúa Giavê giải thoát dân Người ra khỏi Ai Cập. Thần tính và ơn cứu độ[3] là hai yếu tố căn bản để hiểu về việc thờ ngẫu tượng. Trước hết, ơn cứu độ trong trường hợp của dân Israel là sự cứu khỏi tình trạng nô lệ và khỏi việc lao động khổ sai. Rồi tại sa mạc, trong khi chờ ông Mô-sê, dân Israel lại cảm thấy nhu cầu cứu thoát này, bây giờ trong hình dạng của một ai đó dẫn dắt họ băng qua sa mạc. Có một bầu khí tuyệt vọng, đau đớn, hoảng loạn trong dân Israel trước khi họ xin ông Aharon làm cho họ một ngẫu tượng. Ngẫu tượng là một phương thế để đối phó với sự trống vắng này.

Điểm thứ hai mà câu chuyện này nói cho ta về các ngẫu tượng là chúng được làm ra bởi những bàn tay con người, Man-made (Nhân tạo). Trong sách Sáng Thế, Con Người, theo nghĩa nhân loại, là God-made (Thiên tạo). Con-người-thiên-tạo (God-made man) được Thiên Chúa kêu gọi để sống trong thế gian không phải cách thụ động nhưng là trong sự tương tác với tất cả các thụ tạo để tiếp tục công việc sáng tạo, và trong nghĩa này họ đang sống theo hình ảnh của Thiên Chúa. Đoạn văn Xuất Hành trên đây nhắc ta rằng con-người-thiên-tạo có khả thể đáng sợ trong việc làm ra các vị thần nhân tạo (Man-made gods). Việc làm ra hình tượng bằng vàng là một hành vi phản bội lại tương quan giữa Israel và Thiên Chúa, Đấng cứu độ. Trong hành vi này, dân đã tiếm quyền của Thiên Chúa và đặt vào hình tượng đó những kỳ vọng mà chỉ Thiên Chúa mới có thể đáp ứng được.

Điểm căn bản thứ ba của một ngẫu tượng trong câu chuyện này (khá gần với điểm thứ hai), là tính hữu hình. Thiên Chúa không thể được nhìn thấy vì Ngài vô hình; ông Mô-sê không thể được nhìn thấy vì ông không có ở đó. Dân chúng cảm nhận sâu sắc nhu cầu về một vị Thiên Chúa mà người ta có thể nhìn thấy được hình ảnh của Ngài. Hành vi nhìn vào Con Bê Vàng không phải là tôn thờ ngẫu tượng bởi vì con bê được làm bằng vàng, hoặc bằng bất kỳ một chất liệu có giá trị về mặt nghệ thuật hay tính thẩm mỹ nào đó. Nhìn vào, hoặc tin cậy vào Con Bê Vàng là tôn thờ ngẫu tượng vì khi làm như thế, người ta gán cho Con Bê điều mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm được: dẫn dắt họ vượt qua sa mạc. Một lần nữa, ta thấy rằng việc thờ ngẫu tượng có liên quan chặt chẽ đến ơn cứu độ, theo một nghĩa nào đó, nó là một hình thức của sự báng bổ, sự phủ nhận Thiên Chúa.

Một điểm khác mà chúng ta có thể nói về ngẫu tượng trong câu chuyện này là nó trở thành trung tâm điểm của sự cúng tế và cuối cùng là của một văn hóa. Ở đây, chúng ta đang phải đối diện, không phải với hành vi thờ ngẫu tượng của một cá nhân mà là hành vi thờ ngẫu tượng của một tập thể diễn ra theo hình thức cúng tế trong một buổi lễ do Aharon công bố. Các nền văn hóa được xây dựng xoay ý nghĩa được chung chia và một yếu tố mà có thể trao ban ý nghĩa cho một dân tộc đó là sự cúng tế mà ngang qua đó người ta kết nối với Thiên Chúa. Một văn hóa thờ ngẫu tượng thay cho mối tương quan trong đức tin với Thiên Chúa, Đấng không thể được nhìn thấy thông qua một việc cúng tế dành cho một hình tượng có thể nhìn thấy được.

Điểm cuối cùng và quan trọng nhất về ngẫu tượng đó là sự bất lực trong việc cứu độ. Trong câu chuyện chúng ta đã đọc, và trong những phần tiếp sau đó, ngẫu tượng [Bò Vàng] hoàn toàn không làm gì cả. Như đã đề cập ở trên, việc thờ ngẫu tượng không nhắm đến một đối tượng nhưng nhắm đến cách thức một đối tượng được nhìn vào và được tin vào. Điều này tạo nên cái cốt lõi của những nỗi ô nhục trong việc thờ ngẫu tượng: dùng một con Bê, dẫu bằng vàng, thay cho Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng đã từng cứu độ và có thể cứu độ. Có một thứ gì đó thật lố bịch, thật vô lý khi thực hiện một sự thay thế như vậy. Trong sự đồng cảm với các hình dạng của Đức Chúa Giavê và Môsê, người đọc được dẫn đến với một một câu hỏi quan trọng được đặt ra: làm thế nào họ [dân Israel] có thể làm được điều đó?

Những bình luận ngắn gọn này hẳn là đủ cho những chỉ dẫn căn bản mà câu chuyện này đưa ra cũng như cho câu hỏi về điều gì khiến một ngẫu tượng trở thành ngẫu tượng. Hậu cảnh của việc thờ ngẫu tượng là có một nhu cầu nhân sinh mãnh liệt để đạt đến sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa. Trong hành vi thờ ngẫu tượng, dân chúng từ chối sáng kiến này và biến một ngẫu tượng hữu hình của chính họ thành trung tâm của việc thờ phượng của mình. Vì đối tượng của việc thờ phượng của họ [Con Bê Vàng] bất lực trong việc cứu độ nên không thể nối kết dân chúng và dẫn đưa họ đến với ơn cứu độ.

Các Ngẫu Tượng của Ta

 Bản văn mà ta vừa xem xét đến được với ta qua nhiều thế kỷ, thông qua các trình thuật, các bản dịch và các bản giải thích rất đa dạng. Ta đọc bản văn này trong một thế giới thực sự rất khác so với thế giới mà nó được viết ra. Điều nguy hiểm với tất cả những điều này là ta không thấy được mối liên hệ giữa ngẫu tượng trong câu chuyện này và các ngẫu tượng trong đời sống của ta hôm nay. Trong nỗ lực khắc phục vấn đề này, ta có thể lấy các đặc tính của ngẫu tượng được nhận diện trên đây và tìm cách nhìn ra những điểm tương đồng của chúng trong thời đại và trong nền văn hóa của ta.

Có lẽ nơi tốt nhất để bắt đầu là sa mạc. Trong sách Xuất Hành, đây là một sa mạc thật. Đối với chúng ta, sa mạc là một phép ẩn dụ mạnh mẽ cho chiều kích căn cốt trong trải nghiệm nhân sinh của ta. Những nguy hiểm chính trong sa mạc thật gồm hai điều: dễ mất phương hướng và nhu cầu về ăn uống. Nếu ta muốn tìm điểm tương đương với sa mạc trong cuộc sống hôm nay của ta thì đây là hai câu hỏi quan trọng: làm thế nào để tôi biết mình đang đi đâu? Và làm thế nào để tôi nuôi sống được bản thân trong khi đến được nơi đó? Không dễ để ta nhận ra những nhu cầu thâm căn cố đế này của con người do cách thức mà văn hóa của ta sắp đặt. [Văn hoá ngày nay cho rằng] ta biết mình đang đi đâu và ta có đầy tràn [thực phẩm] để nuôi sống mình. Nhưng có thật sự là như vậy không? Thật đáng để nhắc lại sự thật hiển nhiên rằng nếu ta biết mình đang đi đâu và nếu ta có tất cả những gì ta cần để đi đến đó, thì ta không cần ơn cứu độ nữa. Bước đầu tiên để đón nhận và ở lại trong việc mở ra với ơn cứu độ của Thiên Chúa là việc chấp nhận sự nghèo nàn tột bậc và tình cảnh khốn cùng của ta. Trong những bối cảnh văn hóa rất khác biệt, ngày nay vở kịch thờ ngẫu tượng đang được diễn ra cách chính xác theo cách mà ta đối phó với sự cần thiết này: bằng cách chấp nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hoặc tìm kiếm các ngẫu tượng thay thế.

Đối diện với tình cảnh khốn cùng này, như dân Israel, có phải ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm khi thờ các vị thần nhân-tạo không? Có lẽ ta không có nguy cơ bị vấp ngã trước Con Bê Vàng. Vậy sự tương tự [với Con Bê Vàng] hôm nay là gì? Câu trả lời phổ biến là “tiền bạc, tình dục và quyền lực” như những ngẫu tượng phổ biến trong thế giới của ta. Có nhiều sự thật trong ý kiến ​​này, nhưng có lẽ cần phải nhấn mạnh vào điều làm cho những thứ này trở thành ngẫu tượng. Tiền bạc, tình dục và quyền lực tự nó là tốt và cần thiết trong hiện hữu của con người. Chúng đều là Thiên-tạo. Để hiểu về việc tôn thờ ngẫu tượng, ta cần nhìn vào tiền bạc, tình dục và quyền lực, không phải trong chính bản thân chúng mà trong cách thế mà những thứ này được chú ý với một tầm quan trọng và một vai trò không phải của chúng. Chỉ khi đối diện với một số ý niệm về Thiên Chúa thật, Đấng cứu thoát thì ta mới có thể nắm vững được tính phù phiếm và đồi bại của những thứ này khi chúng được coi như những vị thần. Hơn nữa, nếu ta may mắn gắn bó cách lành mạnh với tiền bạc, tình dục hay quyền lực, thì vì lẽ đó ta cũng sẽ mau chóng kết luận rằng ta tự do đối với ngẫu tượng. Tiêu chuẩn để nhận diện các ngẫu tượng cần được ghi nhớ: một thứ gì đó do con người làm ra được gán cho vai trò cứu độ mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thực hiện được.

Tính vô hình của Thiên Chúa có phải là một vấn đề đối với ta trong nền văn hóa đương đại không? Như dân Israel, ta có bị cám dỗ tạo ra những hình tượng hữu hình về Thiên Chúa theo ý mình và dưới sự kiểm soát của ta không? Ở đây, tất cả phụ thuộc vào những gì ta hiểu về ý niệm “Thiên Chúa”. Thực tế, nếu Thiên Chúa là Đấng Hiện Diện với tính chất mơ hồ, mờ ảo, xa cách; và ta có tương quan với Ngài cách hời hợt và không thường xuyên, thì tính hữu hình và vô hình của Thiên Chúa không có nhiều khác biệt. Mặt khác, nếu ta xác tín rằng Thiên Chúa là cội nguồn, là sức mạnh đỡ nâng và là vận mệnh của ta, thì tính vô hình của Thiên Chúa có thể mau chóng trở thành một vấn đề. Một minh chứng cho điều này là điều gì sẽ xảy ra khi ta cố gắng dành 30 phút ở trong bóng tối với vị Thiên Chúa vô hình, không có hình dạng, ý niệm hay lời nói. Trong cảnh tượng đó, ta phải chịu đựng cách đau đớn sự vô hình của Thiên Chúa và thường thường có thể dẫn đến hoảng loạn khiến ta phải vội nắm chặt lấy một thứ gì khả dĩ nhìn thấy được hoặc khả dĩ nghe được.

Có ý nghĩa không khi coi nền văn hóa đương đại, tân tiến, tự do là tôn thờ ngẫu tượng? Ở đây, một lần nữa, chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa việc cúng tế và văn hóa như những khía cạnh cần thiết và tích cực của đời sống con người có tính tập thể và những hình thức sùng bái ngẫu tượng của những thực tại này. Câu hỏi đặt ra là: những hình thức cúng tế và văn hóa này có vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta so với sự thờ phượng Thiên Chúa Hằng Sống và văn hóa của sự giải thoát? Có lẽ cách tốt nhất để hiểu vấn đề này trong thời đại chúng ta là về phương diện ý nghĩa của các hạn từ. Vấn đề văn hoá thờ ngẫu tượng có thể được diễn tả như sau: tôi /chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở đâu? Ta tìm thấy một số hình thức có ý nghĩa trong các hoạt động của con người (giao tiếp, làm việc, tương quan với người khác, v.v.) là hiển nhiên và cần thiết, nhưng những hình thức cụ thể có ý nghĩa này có tạo nên ý nghĩa tối hậu cho hiện hữu của tôi / chúng ta không? Một cách khác để nói về điều tương tự này là suy tư về các tầng nhận thức. Sống trong thế giới là sống trong và di chuyển giữa các tầng nhận thức của tất cả các phạm trù (nội tâm, liên chủ thể, xã hội, chính trị, văn hóa, toàn cầu, vũ trụ, v.v.). Câu hỏi về văn hoá thờ ngẫu tượng liên quan đến nơi chúng ta đặt nhận thức tối hậu có tính ngoại tại của đời ta.

Câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến việc thờ ngẫu tượng trong đời sống và văn hóa của ta là câu hỏi về sự bất lực của ngẫu tượng trong việc cứu độ. Trình thuật mà ta đã xem xét trong sách Xuất Hành được tiếp nối với những đau khổ, sự sụp đổ, sự hủy diệt cách thảm hại hơn, tất cả đều được mô tả chính xác như là những hậu quả của việc thờ ngẫu tượng. Với tư cách cá nhân, và với tư cách văn hóa, ta đang trong tình trạng chuyển động. Chúng ta chuyển động hướng tới cuộc sống sung mãn do Thiên Chúa ban tặng hoặc hướng tới một số hình thức sống thấp kém hơn được tìm thấy trong việc tôn thờ các ngẫu tượng. Theo nghĩa này, tình cảnh của ta xét về phương diện cá nhân cũng như tập thể không kém phần bi đát so với dân Israel: giống như họ, ơn cứu độ của ta tùy thuộc vào nơi ta đặt niềm tin tối hậu của mình.

Nối kết những suy tư trên lại với nhau, ta đi đến một kết luận có tính cảnh báo: thờ ngẫu tượng không chỉ là một vấn đề trong số các vấn đề khác, một tội trong số các tội khác, mà là vấn đề và tội mà đã từng đe dọa dân Israel và đang đe dọa ta hôm nay. Là con người, chúng ta dính dự vào một cuộc chiến lâu dài giữa Thiên Chúa thật và rất nhiều các ngẫu tượng tự cho mình là những chọn lựa thay thế đầy hấp lực.

Bức Linh Ảnh (Icon)

Bức Linh Ảnh giúp gì cho ta để vượt thắng các ngẫu tượng? Giống như ngẫu tượng, Bức Linh Ảnh xuất hiện trong bối cảnh của nhu cầu nhân sinh mãnh liệt, một bức ảnh vật chất nhân-tạo, hữu hình, có thể được coi là trung tâm của lòng sùng kính Đức Maria và bản thân nó không phải là nguồn ơn cứu độ. Vì vậy, có những yếu tố xác định mà các ngẫu tượng và các ảnh thánh cùng chung chia – điều này phần nào giải thích sức mạnh của ngẫu tượng. Như đã đề cập ở trên, ta thấy rằng chính cách mà ngẫu tượng được nhìn vào và được tin cậy vào đã khiến nó trở thành một ngẫu tượng. Một cách tương tự, cách mà ảnh thánh được nhìn vào và được tin cậy vào làm cho nó trở thành một ảnh thánh. Vậy, làm thế nào ta có thể nhìn vào và tin cậy vào Bức Linh Ảnh để thoát khỏi ngẫu tượng của ta?

Một cách thú vị để trả lời cho câu hỏi này là nghĩ về Bức Linh Ảnh như là Tin Mừng. Ta đã quen thuộc với các sách Tin Mừng được viết ra, chẳng hạn như Tin Mừng của Máccô. Tin Mừng của Máccô là cuốn Tin Mừng vì nó kể bằng các ngôn từ và tường thuật câu chuyện về ơn cứu độ của ta trong Đức Kitô. Nó không phải là một bài tường thuật mang tính báo chí nhưng là một lời công bố trong niềm tin ơn cứu độ đã được kinh nghiệm và ơn cứu độ vẫn khả dĩ trong Đức Giêsu Kitô. Nếu Tin Mừng Máccô làm điều này bằng ngôn từ, thì Bức Linh Ảnh cũng làm điều tương tự bằng màu sắc, hình dạng, ngôn ngữ hình thể và nét mặt. Điều làm cho Bức Linh Ảnh trở thành một ảnh thánh chứ không phải một ngẫu tượng là mối liên hệ của tất cả những yếu tố này với Thiên-Chúa-đấng-cứu-độ. Để làm rõ ý tưởng này, thật hữu ích khi suy nghĩ về một số khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử cứu độ này.

Ta hãy bắt đầu với thời điểm mà Bức Linh Ảnh được tạo ra. Chúng ta hầu như không biết gì về các chi tiết lịch sử, nhưng ta biết chắc rằng vào một thời điểm nào đó, một người nào đó, ở đâu đó đã lấy các vật liệu và công cụ cần thiết để tạo ra Bức Linh Ảnh. Nhằm mục đích gì? Chắc chắn không phải như trong trường hợp của các ngẫu tượng để làm vật thay thế cho sự vắng mặt của Thiên Chúa. Bức Linh Ảnh được chế tác nhằm thể hiện niềm tin của người chế tác vào vị Thiên Chúa vô hình. Từ các nguồn tham chiếu khác, ta biết rằng chế tác một ảnh thánh không giống như chế tác một bức tranh hay một bức chân dung. Chế tác một ảnh thánh là một hành vi của đức tin, của cầu nguyện và của việc thờ phượng. Trước hết, chiêm ngắm Bức Linh Ảnh là tham gia vào hành vi của đức tin, của cầu nguyện và của việc thờ phượng đó. Như khi ta cầu nguyện với tác giả thánh vịnh để tìm ra những gì người đó thể hiện qua ngôn từ của mình thì ta cũng tôn thờ cùng với tác giả ảnh thánh bằng cách tìm ra những gì người đó diễn tả qua màu sắc, hình dạng, ngôn ngữ hình thể và nét mặt: không chỉ là đau buồn, sợ hãi, kinh khiếp, mà còn là niềm tin, hi vọng, yêu mến, vinh quang và ca ngợi. Những màu sắc sống động và những dáng vẻ ấn tượng của Bức Ảnh Thánh tập trung vào một hình ảnh trực quan giống như những gì được kể bằng ngôn từ trong sách Tin Mừng. Theo nghĩa này, Bức Linh Ảnh là cuốn Tin Mừng được làm cho hữu hình, một Tin Mừng bằng màu sắc.

Sức hữu dụng của việc chung chia lòng sùng kính [Đức Mẹ] của người kitô hữu, tác giả của Bức Linh Ảnh phụ thuộc hoàn toàn vào những khoảnh khắc trước đó trong lịch sử. Hai khoảnh khắc được thể hiện bằng hình ảnh rõ nét nhất trong Bức Linh Ảnh là khoảnh khắc Nhập thể và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Một lần nữa, sự Nhập thể và Cuộc khổ Nạn được ta biết đến qua những lời tường thuật của các sách Tin Mừng đã viết ra. Cả sách Tin Mừng và Bức Linh Ảnh đều lấy sức mạnh và tính xác thực của chúng từ việc Nhập Thể và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong lịch sử. Sự kiện đầu không được viết hoặc vẽ ra nhưng được sống trong máu thịt của Chúa Giêsu. Trong khi Tin Mừng bằng chữ viết trình bày những chân lý này qua ngôn từ, thì Bức Linh Ảnh khám phá các chân trời của thời gian, không gian và mô tả ơn cứu độ trong một bức ảnh duy nhất. Bức ảnh vượt thời gian ở chỗ nó gợi lên đồng thời sự giáng sinh và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cũng như gợi lên (tuy ít trực tiếp hơn) sự hiện diện của Thiên Chúa vượt thời gian qua sự hiện diện của các thiên thần. Sự kinh hãi và vinh quang của những gì đang được mô tả thể hiện cách mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hình thể và nét mặt của Đức Maria. Bằng sự đồng cảm với cảm xúc của Đức Mẹ khi Chúa Giêsu nắm chặt tay Mẹ, ta được kéo vào trong mối tương quan giữa Đức Maria và Chúa Giêsu như đã từng được sống trong lịch sử.

Nhưng cái nhìn của Đức Maria không hướng đến Chúa Giêsu mà hướng đến tôi. Vậy là nhắm đến ai? Đây chính là câu hỏi mà Bức Linh Ảnh đặt ra. Có phải là cho tôi chăng, một người tôn thờ ngẫu tượng, lang thang vẩn vơ nơi hoang dã, tự an ủi mình bằng những trò giải trí vô bổ? Hoặc dành cho tôi chăng, một tín hữu đang nhận ra sự nghèo nàn của mình và mở lòng ra cho sáng kiến cứu độ lạ lùng của Thiên Chúa? Nhiều lúc, hầu hết chúng ta là một thứ trộn lẫn của hai lối sống này. Bằng cách chiêm niệm Tin Mừng được công bố trong Bức Linh Ảnh, cũng như qua cách diễn đạt hữu hình của Tin Mừng được công bố bằng Lời, ta có thể được trợ giúp để từ bỏ các ngẫu tượng của ta và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.

Martin McKeever C.Ss.R

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Vượng, C.Ss.R

26 tháng 06 năm 2021

—————————-

[1] Đây là bài viết của cha Martin McKeever C.Ss.R. lấy từ trang mạng “cssr. news” của Trung Ương Dòng. Tác giả thuộc DCCT Ireland, hiện đang là giáo sư của Phân Khoa Thần Học Luân Lý Thánh Aphongsô tại Rôma.

[2] Đây là bài số 31 trong loạt bài viết về đề tài Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đăng ngày 18/6/2021.

[3][3] Trong Kinh Thánh, hai ý niệm này có liên hệ mật thiết với nhau.