“Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối” , từ con người đến con người”. “Nghề làm người” của con cái phải được học cách thủ công, cách trực tiếp từ ông bà cha mẹ, từ đời nọ qua đời kia chứ không thể qua một trung gian nào.

 

 

 

WHĐ (9.7.2020) – Mỗi nghề nghiệp là một ơn gọi dựa trên quá trình đào luyện mang tính chuyên biệt, nhằm mục đích đáp ứng những nhu cầu khách quan và phục vụ cho người khác, đổi lại được đền đáp cách tương xứng mà nghề khác không có được.[1] Giáo dục là việc đào luyện “nghề làm người”[2], “nhằm dạy dỗ có hệ thống nhằm phát triển trí tuệ, tinh thần và thể chất của con người”[3]. Với các cha mẹ Công giáo, họ còn có bổn phận đào luyện con cái nên con cái Thiên Chúa và Hội Thánh. “Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối”[4] , từ con người đến con người”. Công việc có tính cách “thủ công”, “gia truyền” này được thực hiện trực tiếp theo trật tự từ thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau. Trong phạm vi gia đình, cha mẹ có bổn phận đào luyện nghề làm người và làm con Chúa cho con cái của mình. Tay nghề của cha mẹ càng cao thì hoa trái càng dồi dào. Đương nhiên cha mẹ có nhiệm vụ đồng hành cùng con cái suốt hành trình làm người nhưng những năm tháng đầu đời của con cái thật quan trọng để cha mẹ chu toàn phận sự quan trọng hàng đầu và không một ai hay một cái gì có thể thay thế được. Bài viết này muốn lưu ý một số điểm quan trọng trong việc giáo dục con cái dành riêng cho các cha mẹ trẻ.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC GIA ĐÌNH

Giáo dục là quá trình làm cho nhân cách được trưởng thành, mở rộng văn hóa và làm cho giá trị của con người được bồi bổ. Giáo dục gia đình là nền tảng cho mọi nền giáo dục và đào tạo con người. Bản chất và sứ mệnh giáo dục của gia đình, cách riêng vai trò của người mẹ không có gì có thể thay thế. Sứ mạng của cha mẹ bắt nguồn từ ơn gọi nguyên thủy khi tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là một nơi giáo dục các giá trị cơ bản. Nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của gia đình diễn ra chủ yếu qua việc giáo dục con em.[5]

Nhiệm vụ của giáo dục của cha mẹ Kitô giáo đến từ Bí Tích Hôn Phối và cách riêng từ chính quyền bính và tình yêu của Chúa Ba Ngôi.[6] Tự bản chất, cha mẹ thật sự là những nhà giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất cho con cái họ về chiều kích đạo đức, và do đó trở thành cộng tác viên không thể thiếu của mọi lãnh vực giáo dục khác.[7] Thông qua giáo dục, các bậc cha mẹ giúp con cái của họ bước vào thế giới và gặp gỡ những người khác trong chân thiện mỹ.

Gia đình là không gian tự nhiên và văn hóa cho việc giáo dục con trẻ. Từ không gian này, con cái nhận được các quyền lợi, phẩm giá, ngôn ngữ, sự tôn trọng, cảm xúc, ý tưởng, óc phán đoán, năng khiếu, và nhiều loại kỹ năng sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đối với các gia đình Công giáo, chiều kích thiết yếu của giáo dục là giáo dục đức tin vì nó là điều làm nên tất cả. Cha mẹ là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên cho con cái[8], cách riêng là giáo dục cầu nguyện. Thật vậy, cầu nguyện vừa là sự biểu lộ đức tin, vừa là trường học đức tin. Thông qua lời cầu nguyện, đức tin được sống và truyền từ cha mẹ đến con cái. Điều quan trọng nhất là con cái thấy cha mẹ cầu nguyện.[9]

Khi nói về đức tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một nhận định đáng lưu tâm: “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ”[10].

Như đã nói ở phần mở đầu, nguyên tắc giáo dục đức tin được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh như sau: “Gia đình là nơi cha mẹ trở thành những thầy dạy đầu tiên về đức tin cho con cái. Đó là một bổn phận “cha truyền con nối” , từ con người đến con người”. “Nghề làm người” của con cái phải được học cách thủ công, cách trực tiếp từ ông bà cha mẹ, từ đời nọ qua đời kia chứ không thể qua một trung gian nào. Cách thức ông bố Do thái dạy cho con mình về biến cố Vượt Qua là một bài học về cách giáo dục đức tin trong gia đình.[11]

Tông huấn giải thích bổn phận giáo dục đức tin của cha mẹ như sau: “Gia đình vẫn phải tiếp tục là nơi học biết những lí lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân. Bắt đầu với Bí Tích Thánh Tẩy, việc nuôi dạy con cái của các bà mẹ là để “cộng tác vào sự sinh hạ thánh thiêng” … Cha mẹ là phương thế Thiên Chúa dùng để giúp cho đức tin của con cái được trưởng thành và phát triển”[12].

Thông truyền đức tin giả định rằng cha mẹ thực sự sống kinh nghiệm đức tin, tin tưởng vào Chúa, tìm kiếm Ngài, cần đến Ngài. Điều này đòi hỏi cha mẹ kêu xin Chúa hành động trong tâm hồn của con cái. Tuy không phải là chủ nhân của các tâm hồn nhưng nỗ lực sáng tạo của cha mẹ góp phần cộng tác với kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. “Điều căn bản là con cái nhìn thấy tận mắt việc cầu nguyện thật sự quan trọng với cha mẹ của chúng. Vì thế, khi gia đình sum họp cầu nguyện và có những diễn tả lòng đạo đức bình dân có sức loan báo Tin mừng mạnh hơn bất kì việc dạy giáo lý và bài giảng đạo nào”. “Thực hành việc thông truyền đức tin cho con cái cho phép gia đình trở thành nhà rao giảng Tin mừng thông truyền đức tin cho mọi người xung quanh”, “loan báo Tin mừng cách minh nhiên, can đảm và liên tục qua các việc như: liên đới bằng cả tinh thần và vật chất với người nghèo và gia đình nghèo túng nhất, đón nhận những con người khác biệt, bảo vệ thiên nhiên, dấn thân cho công ích.”.[13]

Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý: “Nhiều lần chính ông bà đảm bảo việc truyền đạt các giá trị lớn lao cho các con cháu mình và nhiều người có thể nhận thấy chính ông bà đã khai tâm đời sống đức tin cho mình. Lời lẽ của các ngài, những sự âu yếm của các ngài hay chỉ với sự hiện diện của các ngài cũng đã giúp các em nhận ra rằng lịch sử không bắt đầu từ nơi chúng, và chúng là những người thừa kế của một cuộc hành trình dài và cần phải tôn trọng hậu cảnh là những gì đến trước chúng ta”.[14]

Tông huấn đưa ra một số thực hành trong việc giáo dục đức tin cho con cái: dạy con nhỏ hôn Chúa Giêsu hay Đức Mẹ, không ngừng cầu nguyện cho những người con đang lạc xa Chúa Kitô, đưa lịch sử đời mình vào cầu nguyện, cần biết chấp nhận chính mình, biết cách sống chung với những hạn chế của mình, biết tha thứ cho chính mình, cầu nguyện trong gia đình, lòng đạo đức bình dân. “Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ, nhất là trong khung cảnh ngày nghỉ lễ Chúa Nhật”. “Các đôi vợ chồng Kitô hữu là những cộng tác viên của ân sủng và là những chứng nhân đức tin cho nhau, cho con cái và cho các thành viên khác trong gia đình” . Thiên Chúa mời gọi họ thông truyền và chăm sóc sự sống. Đó là lí do tại sao gia đình “bao giờ cũng là ‘bệnh viện’ gần nhất”. “Chiêm ngắm từng người thân trong gia đình bằng đôi mắt của Thiên Chúa và nhận ra Đức Kitô nơi họ là một kinh nghiệm tâm linh sâu xa”.[15]

Việc giáo dục con cái của cha mẹ là nguồn gốc của sự thiện và sự ác trong gia đình và xã hội.[16] Không một ai có thể đạt được sự giáo dục luân lý cách tinh tế và hợp lý hơn cha mẹ, đặc biệt trong lãnh vực luân lý tính dục cho con cái mình. Sự sút kém về luân lý đạo đức nơi con trẻ có nguyên do sự sút kém trong việc giáo dục luân lý đạo đức của cha mẹ trong những năm đầu đời của trẻ.[17] Con cái phản ánh bộ mặt tốt hay xấu của cha mẹ một cách trung thực. Vì vậy, việc giáo dục lương tâm con cái là nhiệm vụ cha mẹ phải làm từ thời thơ ấu và đồng hành với con suốt đời.[18]

Là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu, gia đình là một cộng đoàn giáo dục để giúp mỗi thành viên phát triển trong tình yêu.[19] Sự hiệp thông nhân vị là nhiệm vụ của việc giáo dục thường xuyên để có sự hiệp thông giữa những con người, điều mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề xuất như là “nhiệm vụ đầu tiên”.[20]

Bổn phận giáo dục đã được đóng ấn trong ơn gọi làm cha và làm mẹ.[21] Đó là một ơn gọi cộng tác trực tiếp với Thiên Chúa sáng tạo.[22] Vì vậy, ơn gọi giáo dục của cha mẹ Kitô giáo, vừa là một đặc ân vừa là một trách nhiệm lớn lao, đã được Thiên Chúa trao ban. Tuy nhiên, khi cha mẹ dấn thân trong việc giáo dục con cái, họ luôn được Giáo Hội hỗ trợ và khuyến khích để họ thực hiện chức năng.[23]

Sự hiện diện của người cha trong việc giáo dục con cái thì thật quan trọng. Người cha vừa người bảo vệ, nhưng đồng thời hướng dẫn con cái đối diện với thực tại khắc nghiệt để tiến tới đời sống trưởng thành. Thiếu vắng người cha làm cho trẻ thiếu đi tính sáng tạo và lo sợ khi phải đối diện với sóng gió cuộc đời. Sự hiện diện của người cha giúp cân bằng tâm lý cho cả hai phái nam và nữ nơi con trẻ.

Vai trò của người mẹ thì rất quan trọng trong việc giáo dục con trẻ. Thông qua giao tiếp giữa mẹ và con, con trẻ có kinh nghiệm tình yêu và sự an toàn. Quan hệ giáo dục giữa mẹ và con có nguồn gốc của nó ngay cả trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Sau khi chào đời, trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc mẹ. Thông qua người mẹ, đứa trẻ khám phá thế giới xung quanh.

Vai trò của ông bà trong việc giáo dục bổ sung cho vai trò đó của cha mẹ khi họ ở gần gũi với cháu chắt của mình. Họ giúp cháu mình phát triển về mặt tình cảm và cảm xúc. Họ được coi là những người kể chuyện, bảo vệ và người nói về Thiên Chúa. Qua ông bà con trẻ cũng học được bài học của sự vâng phục.

Tóm lại, gia đình là nơi mà ơn cứu độ của Thiên Chúa ở cùng và đến lượt mình, qua giáo dục gia đình thực thi sứ mạng đem ơn cứu độ cho gia đình mình và cho thế giới.

 

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh và
Tu sĩ Carôlô Nguyễn Đình Thiện, OP.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 105

————————————————————

[1] Xem từ “profession” trên trang https://en.wikipedia.org/wiki/Profession

[2] Jean-Louis Bruguès, mục “Tương đối”.

[3] Từ điển Công Giáo, mục “Giáo dục”, tr. 336.

[4] Nguyên văn tiếng Ý Tông Huấn Amoris Laetitia số 16 viết: “La famiglia è il luogo dove i genitori diventano i primi maestri della fede per i loro figli. È un compito “artigianale”, da persona a persona”. Danh từ compito = phần việc, nhiệm vụ, phận sự, bổn phận. Tính từ artigianale = thủ công, truyền thống, theo truyền thống, gia truyền.

[5] Evangelium vitae số 92

[6] x. FC 38

[7] Gratissimam sane, số 6.

[8] FC 50 – 52; 39.

[9] FC 60.

[10] AL 43.

[11] AL 16.

[12] AL số 287

[13] 2 x. AL các số 11, 77, 287, 288, 289, 290.

[14] AL 192.

[15] x. AL các số 287, 288, 107, 318, 321, 323.

[16] FC 81.

[17] Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, Toàn cầu hóa, kinh tế và gia đình, cfr. EDF, n. 3178, p. 1172.

[18] SGLC số 1784.

[19] Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình, “Gia đình và các quyền con người” n. 16, in EDF, n. 3450, p. 1317.

[20] FC 18.

[21] Gratissimam sane, s 7

[22] FC 36.

[23] Sự thật và ý nghĩa về tính dục con người, các số 37-40, 29-30.