Ở khu vực biên giới giáp Myanmar, hoạt động của Giáo hội mang Tin Mừng và chống nghèo đói đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi không dừng lại. Do đại dịch, các trại tị nạn phải đóng cửa, các hoạt động cứu trợ bị giảm nhiều. Cần phải can thiệp ngay lập tức.

 

Hoạt động truyền giáo ở Thái Lan  (AFP or licensors)

 

Trên đây là những lời xin giúp đỡ của cha Alessio Crippa, linh mục dòng Phanxicô đang hoạt động truyền giáo tại khu vực rộng lớn huyện Umphang thuộc tỉnh Tak của Thái Lan, giáp biên giới với Myanmar. Tại khu vực này có một cộng đoàn Công giáo nhỏ gồm bốn gia đình, trong đó có một gia đình sống ở bên kia biên giới.

Niềm vui vì trên khắp đất nước các nhà thờ được mở cửa

Cha Alessio Crippa được giao phó chăm sóc mục vụ và tinh thần cho cộng đoàn Công giáo bé nhỏ này. Cha rất vui vì các nhà thờ đã được mở cửa trở lại. Cha nói: “Mọi thứ đang dần dần trở lại bình thường, giờ đây các tín hữu có thể cùng nhau cử hành Thánh lễ, có thể tiếp tục cảm nhận sự sống động của cộng đoàn. Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ lâu. Đối với 4 gia đình của chúng tôi thì khác: chúng tôi thường cử hành Thánh lễ trong các gia đình; và ngay cả trong thời gian cách ly, chúng tôi, các nhà truyền giáo di chuyển từ nhà này sang nhà khác. Chúng tôi không bao giờ ngừng cử hành Thánh lễ”.

Các dự án giáo dục chống nghèo đói

Từ ba năm qua, dọc theo biên giới huyện Umphang, các dự án giáo dục và văn hóa dành cho các sắc tộc và các tôn giáo do các cha dòng Phanxicô hướng dẫn cũng đã hoạt động. Các hoạt động này không chỉ giới hạn ở Thái Lan nhưng đang vượt qua biên giới đến Myanmar. Cha Crippa giải thích: “Ở khu vực này có nhiều người nghèo. Khi biên giới giữa hai quốc gia không còn nữa và nhiều người trong cùng một gia đình còn bị chia cách thì hoạt động tông đồ càng trở nên khó khăn hơn. Để đến được một ngôi làng phải mất ba tiếng rưỡi bằng ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi không nản lòng. Tháng tới, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng một căn nhà để đón tiếp các trẻ em và giáo dục chúng”.

Hoạt động truyền giáo bị suy yếu do khủng hoảng virus

Đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với mọi hoạt động của cha Crippa và các cha dòng Phanxicô, nhưng các nhà truyền giáo không dừng lại. Thực tế, đại dịch đã sinh ra những khó khăn, như không thể đến gặp gỡ và nói chuyện với các gia đình, không thể cộng tác với trại tị nạn, nơi đón tiếp hàng ngàn người. Trong trại tị nạn này, có một vấn đề về không gian: mọi người tìm cách ra ngoài làm việc, trong một hoàn cảnh bất hợp pháp, nhưng virus cũng đã ngăn chặn điều này. Và viện trợ trong trại đang giảm sút. Số người nghèo gia tăng. Vì thế, các vị truyền giáo đang kêu gọi Cộng đồng quốc tế trợ giúp càng sớm càng tốt.

Ngọc Yến – Vatican News