Ai ngờ rằng có một ngày vùng đất được chúc phúc của Đồng Bằng Sông Cửu Long lại lên tiếng kêu khát. Đất mẹ thiếu nước, trở nên khô cằn nứt nẻ. Những đồng lúa úa màu héo khô vì không đủ nước. Những vườn cây trái còi cọc ủ rũ vì ngập mặn. Những con người sinh ra, lớn lên, vùng vẫy trên sông nước, giờ phải đi bòn nhặt từng thùng từng xô nước ngọt. Nguyên nhân vì đâu?
Chuyện kể rằng, giữa một trưa đầy nắng, có một người lữ khách đường xa mỏi mệt dừng chân bên bờ giếng. Ấy là giếng nước đã có từ lâu đời, do chính tay tổ phụ Gia-cóp để lại cho con cháu mình. Giếng nước mát lành, nằm giữa vùng Samari cằn khô sỏi đá, vừa là dấu chỉ của một nguồn sống dạt dào tuôn trào từ mẹ đất, v ừa là biểu tượng của một ân huệ truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có một người thiếu phụ đến lấy nước giữa trưa đầy nắng. Người lữ khách lên tiếng trước: “Chị ơi, cho tôi xin chút nước” (Ga 4,7). Lời ngỏ của người lữ khách được đón nhận. Họ bước vào một cuộc nói chuyện kỳ lạ. Cuộc nói chuyện ấy khiến người nghe ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng: thật ra, chính người thiếu phụ mới là kẻ đang khát cháy lòng. Chị khát một thứ nước khác. Đức Giê-su, trong dáng vẻ của một người lữ khách đường xa, bỗng dưng chạm đến cơn khát sâu thẳm của người thiếu phụ Samari. Thế là vận mệnh của cuộc đời chị được hoàn toàn thay đổi. Chị trở thành người ngỏ lời xin để được thoả cơn khát của đời mình: “Thưa ông, xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát…” (Ga 4,15).
Bài Tin Mừng của Chúa nhật thứ III Mùa Chay đụng chạm trực tiếp đến những cơn khát của con người, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong hoàn cảnh của Việt Nam những ngày này, lời của Bài Tin Mừng vang lên đồng điệu với lời kêu cứu của bà con dân nghèo ở khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Họ khát nguồn nước sạch. Họ khát một thứ nước khác, thứ nước có thể làm cho cuộc đời của họ trở nên ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Khi đất mẹ cháy khát
Đồng Bằng Sông Cửu Long là quê hương của những con người miền Tây hồn hậu chân chất. Cứ về đây mà nghe nỗi lòng của họ trang trải qua những bài dân ca mộc mạc, những câu vọng cổ ngọt như mía lùi, những vở cải lương da diết và thấm đến tận tâm can. Vốn nhận được nhiều phóng khoáng ưu đãi từ mẹ thiên nhiên, người dân Miền Tây cứ tự nhiên mà thành những con người giàu tình cảm và phóng khoáng bạt ngàn như đồng ruộng, không cần phải phân chia ngăn cách, không cần phải câu nệ rào trước đón sau. Con người và thiên nhiên cứ hiền hoà mà sống quyện vào nhau. Có cây rau trên cạn, có con cá dưới đìa, cứ vậy an nhiên mà sống.
Thế nên không lạ khi đã một thời, nơi đây từng được xem như miền đất hứa thu hút vô vàn những bước chân khai hoang lập nghiệp. Vùng đồng bằng nơi đây được nuôi dưỡng bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Nhờ vậy, nước sông được dẫn về đến ruộng đồng và làng xóm. Chín nhánh sông dào dạt nguồn nước là sức sống của toàn bộ vùng đất mênh mông và phì nhiêu này. Sông mang về no ấm theo cách của sông. Mỗi mùa mưa đến mang lũ về, người dân cực khổ trăm bề khi con nước dâng cao. Nhưng bù lại, con nước mang theo nguồn phù sa tươi tốt. Phù sa bồi đắp cho ruộng nương. Phù sa mang lại ấm no và sung túc cho xóm làng. Được phù sa nuôi dưỡng, cả vùng đồng bằng mênh mông ngợp xanh sắc lúa. Toàn bộ sản lượng lúa gạo làm ra từ cả nước gom lại cũng chưa bằng nơi này…
Vậy mà ai ngờ, có một ngày vùng đất được chúc phúc này lên tiếng kêu khát. Đất mẹ thiếu nước, trở nên khô cằn nứt nẻ. Những đồng lúa úa màu héo khô vì không đủ nước. Những vườn cây trái còi cọc ủ rũ vì ngập mặn. Những con người sinh ra, lớn lên, vùng vẫy trên sông nước, giờ phải đi bòn nhặt từng thùng từng xô nước ngọt.
Nguyên nhân vì đâu?
Nhiều lắm. Người ta có thể đổ thừa vì Ông Trời không thương, cho mưa ít quá nên đất đai phải oằn mình cháy khát. Vì bầu không khí cứ nóng lên mỗi ngày làm băng chảy tuyết tan khiến mực nước biển cứ dâng cao, xâm lăng vào những nhánh sông và làm cho ruộng đồng bị ngập mặn. Vì nguồn nước thật ra đã bị xem như một thứ hàng hoá, phải chịu phân phối theo quy luật thị trường và nằm trong tầm điểu khiển của những kẻ có quyền (Cf. Laudato Sì, 27).
Nhưng có nguyên nhân nào đến từ con người không? Con người có trách nhiệm gì trong cơn khát của Mẹ đất và của những người dân nghèo trên vùng đất này không?
Con người hiện đại mang não trạng “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Não trạng ấy đẩy người ta lập ra những kế hoạch vĩ mô để khai thác tối đa nguồn lợi kinh tế của vùng đất đai phì nhiêu này, bất chấp những hậu quả lâu dài. Hệ thống đê bao khép kín được dựng lên. Nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê-kông đổ về được hướng thẳng ra biển. Vậy là người ta vừa tự hào trong việc ngăn lũ, vừa tạo điều kiện để có thể làm thêm một vụ lúa nữa ngay giữa mùa nước nổi. Ba mùa lúa một năm thay vì chỉ làm hai mùa lúa như trước đây. Hiệu quả trước mắt là năng suất lúa tăng cao. Toàn vùng đồng bằng được hiển hách mang danh là “vựa lúa của cả nước”. Hiển hách đến độ sản lượng lúa gạo được sản xuất ở đây có năm ê hề đến độ phải cần đến những kế hoạch vĩ mô khác nhằm “giải cứu lúa gạo miền Tây”. Nhưng hậu quả lâu dài là vô cùng tai hại. Rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ ra rằng: đẩy nguồn nước lũ đổ thẳng ra biển đồng nghĩa với việc từ chối lượng tôm cá và phù sa mà dòng nước lũ mang về. Những cánh đồng không được nuôi bằng phù sa ngày trở nên bạc màu và kiệt quệ. Vậy là canh tác nông nghiệp phải dựa vào phân bón và hoá chất. Dòng nước bị chặn bởi hệ thống đê bao khép kín trở thành con nước tù đọng mỗi ngày một ô nhiễm. Không được ngâm trong mùa nước lũ, mặt đất cằn khô và nứt toát chỉ sau một vài con nắng… Tai hại hơn, khi không còn được bảo vệ bởi dòng nước ngọt, cả đồng bằng phải gồng mình lên gánh chịu kiếp nạn nước mặn xâm thực nội đồng. Cả một vùng đồng bằng mênh mông có nguy cơ bị bức tử. Tiếng kêu cứu vang lên, cả từ phía thiên nhiên đang bị khai thác cách sai lầm lẫn từ phía những con người dân quê áo vải bị đẩy vào một cuộc sống bấp bênh kỳ lạ.
…và những cháy khát của con người
Việc thiếu nước trên Đồng Bằng Sông Cửu Long, nghe ra cũng vô lý như chuyện thiếu cát trên sa mạc. Như chuyện vô lý ấy đã xảy ra.
Kinh Thánh kể rằng chính Thiên Chúa đã ban cho con người một miền đất hứa xanh tươi, đặt bào tay con người để mọi hoa trái để họ được hưởng dùng. Thế nhưng chính con người lại làm cho đất ấy ra ô uế và làm cho quà tặng đặt vào đời mình bị biến chất (cf. Gr 2,7). Thế giới thụ tạo xinh đẹp được ban cho con người, nhưng con người lại biến thế giới ấy thành vùng đất chết. Thế nên thực trạng biến chất và hư hoại của đất đai là lời chất vấn khôn nguôi dành cho con người, nhất là những đầu óc luôn vỗ ngực tự hào mình là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại. Thực trạng đau buồn về sự xuống cấp của thiên nhiên vạch trần não trạng thống trị và lạm dụng khoa học kỹ thuật chỉ vì những mục tiêu kinh tế ngắn hạn (LS 104.116). Thiên nhiên không phải là điều gì đó tách biệt khỏi con người, cho nên khi nguồn tài nguyên thiên nhiên bị lạm dụng quá mức, trước sau gì con người cũng phải trả giá (LS 139).
Như vậy, căn cội của cuộc khủng hoảng thiên nhiên thật ra bắt nguồn từ những khủng hoảng về giá trị luân lý trong con người (LS 123). Cơn cháy khát của những người nghèo phải đi tìm nước uống trên chính lòng sông quê mình là một bản cáo trạng dành cho những người đã ra tay khai thác kiệt quệ vùng đất này chỉ vì những lợi ích cá nhân và phe nhóm. Đây cũng là một lời mời gọi dành cho tất cả mọi người, trong việc xét lại thái độ sống và trách nhiệm của mình trước môi trường và thiên nhiên.
“Chúng ta muốn chuyển giao cho những thế hệ đến sau chúng ta loại thế giới nào?” Ấy là lời chất vấn xuyên suốt thông điệp Laudato Sì của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi bàn về việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Thật bất công khi thế hệ tiền nhân được sống trên vùng sông nước ngập tràn và đất đai trù phú, nhưng di sản để lại cho con cái chỉ còn là những tiếng kêu cháy khát.
Khát một thứ nước khác
Bài Tin Mừng khởi đầu bằng cơn khát nước của Đức Giê-su, hiểu theo nghĩa đen, để sau đó hướng đến cơn khát của người phụ nữ, hiểu theo nghĩa bóng. Người thiếu phụ Samaria khát một thứ nước khác, thứ nước có thể làm cho cuộc đời của chị trở nên ý nghĩa hơn, có thể lấp đầy những khát khao sâu thẳm để chị được sống trọn vẹn và hạnh phúc kiếp người.
Trong cơn khát của người thiếu phụ Samaria, có bóng dáng rất nhiều cơn khát của con người ngày nay. Những con người dân quê chân chất của Đồng Bằng Sông Cửu Long đang khát nước theo nghĩa đen. Nhưng sâu xa hơn, họ đang khát một thứ nước khác, thứ nước có thể làm cho cuộc mưu sinh của họ bớt bấp bênh, cuộc sống của họ được bình an và ấm no, cuộc đời của họ mang đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Thứ nước ấy chỉ có thể đến từ sự liên đới của tình người, vượt lên trên mọi rào cản và kỳ thị.
Để gặp gỡ được người thiếu phụ Samaria, Đức Giê-su đã là người đi bước trước và vượt qua rất nhiều rào cản. Lớn nhất là rào cản về sự kỳ thị và phân biệt vùng miền, người Bắc với người Nam. “Ông là người Giu-đa (phương Nam) mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria (Phương Bắc) cho ông nước uống sao?” Mối kỳ thị Bắc – Nam đã từ lâu tiềm hữu trong tâm thức của người dân Ít-ra-en. Sự kỳ thị và chia rẽ ấy là một trong những nguyên do làm cho cả dân tộc ấy suy yếu và sụp đổ. Đức Giê-su đi bước trước, vượt qua chướng ngại ấy để nối lại sự liên đới và tình người. Đức Chúa là Thiên Chúa của mọi người. Những người thờ phượng Thiên Chúa là những người không còn vị chia rẽ bởi phân biệt Giêrusalem phương Nam hay Samari Phương Bắc.
Đức Giê-su ngày nay vẫn tiếp tục làm một người lữ khách. Người vẫn mang thân phận của những con dân nghèo khổ. Trên môi miệng họ, Người vẫn tiếp tục lặp lại lời đề nghị: “cho tôi xin chút nước”. Ước gì con người ngày nay, nhất là giới hữu trách và những người có chuyên môn, còn có đôi tai biết nghe và con tim biết rung động. Khi lời kêu cứu của bần dân cơ khổ được lắng nghe, khi giá trị của sự liên đới và tình người được đặt lên trên tất cả mọi quyền lợi khác, biết đâu con người có thể khơi dậy những mạch nước không bao giờ vơi cạn. Mạch nước dẫn đưa con người đến sự sống đời đời (cf. Ga 4,14).
Gia An, SJ – CTV Vatican News