Coronarivus đã ảnh hưởng mạnh đến chương trình hoạt động của ĐTC từ thượng tuần tháng 3 năm nay và còn kéo dài suốt năm, đặc biệt ảnh hưởng đến các dự án tông du của ngài tại nước ngoài.

 

 

 

 Chúa nhật 3-5-2020 là gần 2 tháng Quảng trường Thánh Phêrô bị đóng lại, biểu tượng tình trạng đau thương của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican vì đại dịch Covid-19. Ngày 4-5-2020, nước Ý chính thức bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến chống đại dịch này, giai đoạn quen được gọi là ”sống với virus”. Một số hoạt động được mở lại, 4 triệu rưỡi người dân Ý đi làm việc lại ở các công sở, xí nghiệp và các dịch vụ khác, nhưng các buổi lễ tôn giáo có giáo dân tham dự vẫn chưa được giải tỏa và chưa ai có thể nói bao giờ nước Ý sẽ tiến sang giai đoạn 3 với nhiều tự do hơn.

 Ảnh hưởng của Covid-19 đối với chương trình ĐTC và Tòa Thánh

 Tình trạng trên đây cũng ảnh hưởng lớn đến chương trình hoạt động của Tòa Thánh nói chung và của ĐTC nói riêng. Thực vậy, các buổi lễ lớn do ĐTC chủ sự có giáo dân tham dự đều bị hủy bỏ, hoặc được cử hành trực tuyến, như các lễ nghi Tuần Thánh, hoặc lẽ ra thánh lễ truyền chức Linh Mục Chúa Nhật hôm nay, Chúa nhật Chúa Chiên Lành cũng là ngày thế giới cầu cho ơn gọi. Cả những sinh hoạt lớn cũng bị hoãn lại như Đại Hội các gia đình Công Giáo thế giới lần thứ 10 lẽ ra tiến hành tại Roma từ ngày 23 đến 27-6 năm nay (2020), với chủ đề ”Tình yêu gia đình: ơn gọi và con đường nên thánh” nhân dịp kỷ niệm 5 năm Tông Huấn ”Amoris Laetitia” (Niềm vui Yêu thương), nay được dời lại đến tháng 6 năm tới 2021.

 Cả Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52 tại Budapest, thủ đô Hungari, dự kiến từ ngày 13 đến 20-9 năm nay, cũng bị dời lại 1 năm, tới tháng 9 năm tới, 2021, vì đại dịch Covid-19. Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Hungari có chủ đề là ”Tất cả các nguồn mạch của Ta ở nơi con” (Tv 87,7).

 Ảnh hưởng tiêu cực về tài chánh

 Từ 2 tháng qua, Covid-19 đã và tiếp tục gây thiệt hại rất nhiều cho Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican về phương diện tài chánh. Chỉ cần nghĩ đến Bảo tàng viện Vatican, với 6 triệu khách thăm mỗi năm, 20 ngàn người mỗi ngày, bị đóng cửa khiến cho một nguồn thu nhập lớn của Tòa Thánh bị mất đi. Cả hoạt động bác ái của ĐTC cũng bị giới hạn giữa lúc nhu cầu trợ giúp người nghèo gia tăng. Vì thế ĐHY Krajewski, Chánh sở từ thiện của ĐTC phải viết thư kêu gọi khoảng 250 HY, GM và các chức sắc thuộc gia đình Giáo Hoàng, đóng góp mỗi người một tháng lương, để hỗ trợ hoạt động bác ái của ĐTC. Trong số các hoạt động từ thiện của ngài có việc trao tặng 10 máy thở – giá mỗi máy khoảng 30 ngàn Euro – cho 3 nhà thương ở Rumani, Madrid Tây Ban Nha và Lecce nam Italia.

 Lần đầu tiên từ 42 năm không có cuộc tông du hải ngoại?

 Đặc biệt nếu không có thay đổi bất ngờ, có thể nói năm nay, lần đầu tiên từ 42 năm nay, tức là từ thời ĐGH Gioan Phaolô 2 năm 1978, không có cuộc viêng thăm của ĐGH ở nước ngoài.

 Dự án thăm Malta bị hoãn

 Thực vậy, lẽ ra cuối tháng 5 này, ĐTC Phanxicô đến viếng thăm tại Malta từ sáng tới chiều, quốc gia chỉ cách Roma 1 giờ 20 phút bay. Ngài muốn cám ơn quốc gia này đã đón tiếp và giúp đỡ những người di dân từ Bắc Phi đi tàu tới đây. Nhưng rồi Coronavirus đã làm cho chuyến đi này bị dời lại đến một thời điểm chưa được xác định.

 Dự án thăm Indonesia, Đông Timor và Papua tân Guinea, Irak, Nam Sudan bị bỏ

 Rồi đến tháng 9, ĐTC dự tính thực hiện một chuyến đi lớn tại Indonesia và Đông Timor thuộc Á châu, rồi sang Papua tân Guinea thuộc Úc châu nhưng rồi dự án này cũng bị ngưng lại. ĐTC cũng đã nhận lời trên nguyên tắc đến thăm hai nước gặp khó khăn và Irak và Nam Sudan nhưng dự tính này cũng không thành, không những vì Coronavirus, nhưng còn vì tình trạng vẫn còn bất an tại hai nước liên hệ. Cuộc viếng thăm Nam Sudan sẽ là chuyến viếng thăm đại kết, vì cùng đến nước này với ĐTC còn có Đức TGM Justin Welby, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo và vị thủ lãnh của Giáo Hội Tin Lành trưởng lão xứ Ecosse.

 Tầm quan trọng của các cuộc tông du

  Các cuộc tông du của ĐTC tại nước ngoài là một phương tiện rất ý nghĩa và quan trọng của Tòa Thánh. Đây là một sự phối hợp đặc biệt giữa cuộc viếng thăm quốc gia và đồng thời cũng là một biến cố tôn giáo đông đảo tín hữu tham dự. Trong tư cách là Quốc trưởng Quốc gia thành Vatican, ĐTC chỉ có thể viếng thăm một nước khác nếu có lời mời chính thức của các vị quốc trưởng của nước liên hệ, và đồng thời trong tư cách là chủ chăn của Giáo Hội, cuộc viếng thăm động viên toàn thể Giáo Hội địa phương. Dù người ta muốn giới hạn số tín hữu tham dự, một cuộc viếng thăm của ĐTC vẫn thu hút hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người đích thân tham dự hoặc theo dõi qua các phương tiện truyền thông.

 Trong tư cách là quốc khách, ĐGH cũng có thể biểu lộ những mong ước của ngài, nơi mà người ta không sẵn lòng nghe nói về đạo lý của Giáo Hội Công Giáo; những cuộc tập trung đông đảo các tín hữu như thế là một cuộc biểu dương sức sinh động của Giáo Hội địa phương.

 Các chuyến tông du của các các vị Tiền Nhiệm

 Nhìn lại quá khứ, ĐTC Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng các cuộc tông du như thế. Trong hơn 26 năm làm giáo hoàng, ngài đã dùng hình thức tông du như thế trong sứ mạng chính trị, tôn giáo và mục vụ. Ngài đã thực hiện 104 chuyến tông du tại 129 quốc gia, đi gần 1 triệu 200 ngàn cây số. Thánh lễ ngài cử hành trong Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Manila Philippine hồi năm 1995 trước số người đông đảo chưa từng có. Và vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1979, trước hàng trăm ngàn tín hữu tại thủ đô Varsava, ngài đã cầu nguyện cho sự đổi mới trái đất, biến cố đó được coi như khởi đầu phong trào đưa tới sự chấm dứt khối cộng sản Đông Âu.

 ĐGH Biển Đức 16

 Trước sức mạnh và ảnh hưởng của các cuộc tông du như thế, người kế nhiệm ngài là ĐGH Biển Đức 16, tuy đã lớn tuổi và không có sức khỏe nhiều như Đức Gioan Phaolô 2, nhưng bình quân ngài vẫn thực hiện 3 cuộc viếng thăm rưỡi mỗi năm trong hơn 7 năm làm giáo hoàng. Cả trong những lãnh vực khó khăn về ngoại giao, cuộc viếng thăm như thế vẫn hữu ích. Ví dụ Anh quốc vốn là nước có phần lạnh nhạt với Công Giáo, nhưng nhờ cuộc viếng thăm của Đức Biển Đức 16, quan hệ giữa hai Giáo Hội Công Giáo và Anh giáo, cũng như giữa Vatican và Anh quốc trở nên đậm đà hơn.

 ĐTC Phanxicô

 ĐTC Phanxicô đương kim cho đến nay trung bình ngài thực hiện 4 chuyến tông du rưỡi mỗi năm. Trong số những cuộc viếng thăm của ngài gây ấn tượng mạnh nhất phải kể đấn cuộc gặp gỡ của ngài với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill ở phi trường thủ đô La Habana của Cuba, làm tan băng giá giữa Chính Thống Nga và Công Giáo. Hoặc chuyến đi của ngài tại Abu Dhabi đã cải tiếng rấtnhiều quan hệ giữa Công Giáo và Hồi giáo, với tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại ký kết giữa ngài và vị đại Iman Đền thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo Ai Cập, thẩm quyền cao nhất của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit. Cuộc viếng thăm đó cũng góp phần mở đường cho cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô dự kiến vào tháng 9 năm nay tại Indonesia, quốc gia đông tín hữu Hồi giáo nhất với 227 triệu tín đồ. Hy vọng dự án viếng thăm này sẽ diễn ra khi tình hình cho phép.

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican News