10/09/2024

WHĐ, 14-05-2020 — Theo lời mời gọi của Công đồng Vatican II (Inter Mirifica số 18), các Giáo phận của chúng ta sẽ cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội vào Chúa nhật Chúa Thăng Thiên 24-5-2020.

 

 

Trước đó, vào lễ Thánh Phanxicô Salêsiô 25-1-2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đi toàn văn Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2020 để các tín hữu suy nghĩ, học hỏi và thực hiện. Sứ điệp mang tựa đề: “Để ngươi thuật lại cho con cháu” (Xh 10,2) – Cuộc sống trở thành câu chuyện.

Và trong dịp này, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm cũng gửi đến những người làm truyền thông một bài nhắn nhủ mang tựa đề: NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG 2020 – Những bài học từ đại dịch COVID-19.

Ngày thế giới truyền thông năm 2020 được cử hành trong khung cảnh đặc biệt là đại dịch Covid-19 và sự tàn phá khủng khiếp của nó trên toàn thế giới, không chỉ về số người tử vong nhưng còn là những hậu quả lâu dài về mọi mặt: kinh tế, xã hội, tâm lý, tôn giáo.

  1. Trong khung cảnh đó, khi suy nghĩ về truyền thông, tôi tự hỏi có thứ virus nào đang tàn phá truyền thông như Covid-19 tàn phá sự sống con người không.

Nếu hiểu mục đích của truyền thông là để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, gắn kết với nhau hơn, cùng nhau làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn và xây dựng thế giới tốt đẹp hơn, thì phải nói gian dối và bạo lực là loại virus đang tàn phá truyền thông nguy hiểm nhất. Fake news là một minh họa cụ thể: tràn ngập trên mạng xã hội không chỉ ở Việt Nam nhưng là khắp thế giới; kèm theo là những ngôn từ đầy bạo lực. Nếu nhìn rộng ra thế giới, vấn đề không chỉ là fake news theo nghĩa một vài cá nhân tung tin thất thiệt nhưng còn là sự gian dối có tính hệ thống và đầy quyền lực do những thế lực đen tối điều hành từ phía sau để lèo lái dư luận theo tính toán của họ.

Đối diện với sự gian dối và bạo lực có tính hệ thống và đầy quyền lực đó, truyền thông Công giáo xem ra giống như Đavít đứng trước tên khổng lồ Goliat ngạo mạn nói với Đavít, “Tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú” (1Sam 17,44); và như Chúa Giêsu đứng trước Philatô, người dám nói với Chúa: “Ông không biết tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” (Ga 19,10). Nhưng Đavít đã không gục ngã và Chúa Giêsu cũng không bị khuất phục! Đơn giản là vì như Đavít nói, “Tôi bước vào cuộc chiến này nhân danh Chúa các đạo binh” (1Sam 17,45), và Chúa Giêsu khẳng định, “Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Thế nên cho dù thiếu thốn về tài lực và vật lực, người làm truyền thông Công giáo vẫn vững tâm vì xác tín vào chính nghĩa của Chúa và chân lý Tin Mừng.

  1. Trong bối cảnh virus gian dối và bạo lực tàn phá truyền thông chân chính như thế, chúng ta có thể làm gì để ngăn cản và chống trả?

Để phòng chống đại dịch Covid-19, biện pháp đầu tiên được tất cả các quốc gia áp dụng là giãn cách xã hội. Giãn cách xã hội được dịch từ social distancing, nghĩa là tạo khoảng cách. Vậy trong hoạt động truyền thông, có nên tạo khoảng cách không? Thiết nghĩ là rất nên vì nhiều lý do.

Internet và mạng xã hội ngày nay tràn ngập thông tin và hình ảnh. Vì quá nhiều thông tin và hình ảnh nên người ta chỉ “lướt web” như lướt sóng (surfing), cũng có nghĩa là hời hợt, chỉ tiếp cận bề mặt (superficial), thiếu chiều sâu. Đồng thời, khi để mình bị lôi ra bên ngoài quá nhiều và quá thường xuyên, “nội giới” có nguy cơ bị xói mòn, đang khi chính nội giới đó mới là nguồn của phán đoán đúng đắn, suy tư độc lập, và tính sáng tạo. Thế nên cần tạo khoảng cách.

Thế rồi, trong biển cả thông tin và hình ảnh đó, thật giả chen lẫn khó lường, bên cạnh những thông tin hữu ích làm gia tăng kiến thức và phong phú tâm hồn, cũng không ít tin giả, tin vịt, thuyết âm mưu… Để nhìn một sự vật, cần có khoảng cách giữa mắt và sự vật; cũng thế, người làm công tác truyền thông cần phải biết tạo khoảng cách với các nguồn thông tin, để có thể tiếp nhận cách chủ động, tích cực, và hữu ích.

  1. 3. Để phòng chống coronavirus, cùng với yêu cầu giãn cách xã hội, các chuyên viên còn khuyến khích mọi người tăng cường sức đề kháng. Đây cũng là lời khuyên hữu ích cho công tác truyền thông. Trong thời đại mà gian dối và bạo lực đang tàn phá truyền thông chân chính, người làm truyền thông không những cần tạo khoảng cách (distancing) mà còn cần tăng cường sức đề kháng.

Trên bình diện cá nhân, để chống lại virus gian dối và bạo lực, cách tốt nhất là tăng cường kháng thể chân lý và tình yêu. Nếu cho rằng người này nhóm nọ loan tin sai sự thật, nhưng chính chúng ta cũng vội vã đưa tin chưa kiểm chứng thì có hơn gì? Nếu bị người khác chỉ trích bằng những lời lẽ bạo lực, mà chính chúng ta cũng dùng thứ ngôn ngữ đó để đáp trả thì có khác chi? Thay vào đó, người Công giáo cần phải bước vào thế giới mạng với tâm thế của Kinh Hòa Bình : “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Trên bình diện cộng đồng, người làm truyền thông Công giáo cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Trong đại dịch Covid-19, giữa những đau khổ và sợ hãi, bệnh tật và chết chóc, vẫn xuất hiện nhiều hình ảnh rất đẹp về tình liên đới nhân loại. Một trong những hình ảnh đẹp đó là buổi hòa nhạc One World: together at home quy tụ hơn 100 ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu thế giới, thu hút 18 triệu khán giả xem trực tuyến, quyên góp ngay trong ngày 19/4/2020 được 180 triệu USD, để giúp vào việc phòng chống Covid-19 trên toàn thế giới.

Buổi hòa nhạc đó chỉ có thể thực hiện được nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại: các ca sĩ đều ở nhà mình, và nhờ phương tiện truyền thông, họ kết nối với nhau và thực hiện chương trình vĩ đại. Thế nhưng phương tiện truyền thông hiện đại cũng chỉ là “phương tiện kỹ thuật, vật chất’’. Điều làm cho những phương tiện đó trở thành hữu dụng là tầm nhìn (vision) được diễn tả qua bài hát kết thúc The Prayer của David Foster, với tiếng hát của Andrea Bocelli, Celine Dion, Lady Gaga, và tiếng đàn của Lang Lang: “một thế giới không còn bạo lực, một thế giới công bằng và hi vọng, nơi đó mỗi người là bàn tay của người hàng xóm, biểu tượng của huynh đệ và hòa bình”. Chính tầm nhìn, lý tưởng đó đã lôi kéo, liên kết các nghệ sĩ lại với nhau để làm nên chương trình hòa nhạc trên.

Bài học lớn nhất ở đây là sự hợp tác. Người làm truyền thông Công giáo ý thức rõ sứ mạng của mình là vận dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng Nước Trời đến mọi người. Sứ mạng đó hết sức cao cả và cũng đầy thách thức, chúng ta chỉ có thể thành công nếu biết hợp tác với nhau : hợp tác giữa các Giáo phận, hợp tác giữa Giáo phận và các dòng tu, hợp tác giữa các giáo xứ.

Hợp tác được thể hiện qua sự đồng lòng đồng hướng. Việt Nam thành công trong việc phòng chống Covid-19 chủ yếu là nhờ sự đồng lòng của mọi thành phần trong xã hội. Công tác truyền thông Công giáo sẽ thành công nếu mọi người làm truyền thông đồng lòng với nhau trong sứ mạng chung, thay vì mỗi người chỉ làm theo sở thích riêng của mình.

Hợp tác cũng được thể hiện qua việc chia sẻ: chia sẻ ý tưởng, chia sẻ sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó những ý tưởng hay được phát huy, những sáng kiến đẹp được nhân rộng, những kinh nghiệm tốt được học hỏi và đem lại hiệu quả lớn cho sứ mệnh chung của Hội Thánh.

Ủy ban Truyền thông trực thuộc Hội đồng giám mục được thiết lập là để thúc đẩy, cổ võ, và phát huy sự hợp tác này. Cầu chúc Ủy ban cũng như tất cả anh chị em đang làm việc trong lãnh vực truyền thông đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong sứ mạng đã được trao phó.

Cuối cùng, thiết nghĩ nên ghi lòng tạc dạ lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô : “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những kẻ thống trị thế giới tối tăm, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Eph 6,10-13). 

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Truyền Thông HĐGMVN – Thực hiện