23/11/2024

Nhân Ngày Thế giới Đánh bắt thủy sản 21/11, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã gửi sứ điệp, kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ tăng cường cải thiện điều kiện sống và làm việc cho khoảng 60 triệu người làm việc trong lĩnh vực này đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch.

 

Ngư dân 

 

Đức Hồng y giải thích trong sứ điệp: “Tác động của Covid-19 đối với ngành đánh bắt cá về cơ bản liên quan đến lĩnh vực phản ứng chiến lược của các chính phủ đối với đại dịch, như giãn cách xã hội, đóng cửa thị trường đánh cá, giảm lượng khách trong các khách sạn và nhà hàng. Điều này đã tạo ra những vấn đề lớn đối với việc bán cá tươi và các sản phẩm liên quan. Các hoạt động đánh bắt cá, chế biến, tiêu thụ và kinh doanh tiếp tục bị giảm. Chưa kể đến những điều tiêu cực vẫn chưa giải quyết được của ngành này, như đánh bắt cá bất hợp pháp, không có kiểm soát vẫn tiếp tục diễn ra trên khắp thế giới dưới, bởi các nhóm quyền lực có phương tiện hiện đại. Tình trạng này gây bất lợi cho ngư dân và cộng đồng đánh cá, khoảng 60 triệu người một sự cạnh tranh thiếu công bằng và làm cạn kiệt nguồn cá với tốc độ không cho phép các loài phục hồi”.

Đức Hồng y Turkson cảnh báo về “một thực tế không bền vững, liên quan đến việc giảm quần thể cá và giảm sản lượng trong tương lai”. Trên thực tế, thiệt hại do khai thác không theo luật và đánh bắt quá mức “không chỉ liên quan đến người dân sống ven biển, nguồn sinh kế chính của hàng triệu người trên thế giới, nhưng còn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp đạm cho hàng tỷ người”.

Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện kêu gọi mọi người cần phải sống tình liên đới hơn nữa đối với những người đang phải chịu nhiều thiệt thòi, và đặc biệt hướng tới làn sóng của những người tuyệt vọng, những người bị mất việc, như ngư dân của các vùng nông thôn. “Những người di tản này dễ bị lừa gạt và bị ép buộc bởi các công ty môi giới và tuyển dụng làm việc trên tàu dưới sự đe dọa của vũ lực hoặc thông qua hình thức nô lệ nợ”, Đức Hồng y cảnh báo và kêu gọi các tổ chức quốc tế và chính phủ tăng cường cam kết “thông qua luật pháp để cải thiện điều kiện sống và làm việc của ngư dân và gia đình của họ, đồng thời tăng cường cuộc chiến chống lao động cưỡng bức và buôn  người”.

“Tôi nghĩ đến tất cả ngư dân ở khắp nơi trên thế giới, những người đang phải sống khó khăn và gian khổ”, Đức Hồng y Turkson tiếp tục, đặc biệt đề cập đến “18 ngư dân thuộc nhiều quốc tịch đến từ Mazara del Vallo ở Sicily đang bị giam giữ ở Libya từ ngày 02/9, không được giao tiếp với gia đình của họ. Gia đình họ tiếp tục mong đợi thông tin về những người thân yêu và cơ hội để nói chuyện với họ, và đặc biệt rất nóng lòng gặp lại họ”. Đức Hồng y viết: “Vì lý do nhân đạo đơn giản này, tôi kêu gọi chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tình trạng đau thương này qua đối thoại cởi mở và chân thành”.

Ngọc Yến – Vatican News