Thánh Giá không phải là một đối tượng để đặt ở đây hay treo một chỗ nào đó. Thánh Giá chính là sự biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa. Biết bao Kitô hữu khi nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh đã tìm thấy mọi sự ở đó: tất cả tình yêu Thiên Chúa và sự Khôn ngoan Thiên Chúa.

 

 

“Tại thời điểm này chúng ta rất cần sự hiệp nhất, hiệp nhất giữa các quốc gia. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho sự hiệp nhất của châu Âu, một sự hiệp nhất của tình huynh đệ mà những người cha sáng lập của Liên minh châu Âu đã mơ ước”. Với những lời mời gọi trên, Đức Thánh Cha bắt đầu Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta vào sáng thứ Tư 22/4/2020.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha tập trung vào Tin Mừng thánh Gioan (Ga 3, 16-21). Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

Đức Thánh Cha nói: “Đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô là một luận đề về thần học. Trong đoạn Tin Mừng này có tất cả: Kerygma-rao giảng, giáo lý, suy tư thần học, giáo huấn. Mỗi lần chúng ta đọc chương thứ ba Tin Mừng Gioan chúng ta gặp được nhiều điều phong phú, nhiều sự giải thích, nhiều điều giúp chúng ta hiểu mạc khải của Thiên Chúa. Để đến gần hơn mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta hãy đọc đoạn Tin Mừng này nhiều lần. Hôm nay, trong những điểm trên tôi chỉ lấy hai điểm để suy niệm”.

Điểm thứ nhất: Thiên Chúa mạc khải tình yêu. Đức Thánh Cha giải thích: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta và yêu như một người điên. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để chết trên Thánh Giá. Thánh Giá không phải là một đối tượng để đặt ở đây hay treo một chỗ nào đó. Thánh Giá chính là sự biểu lộ của tình yêu Thiên Chúa. Biết bao Kitô hữu khi nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh đã tìm thấy mọi sự ở đó: tất cả tình yêu Thiên Chúa và sự Khôn ngoan Thiên Chúa. Trong thinh lặng, chúng ta nhìn lên Thánh Giá cùng với những vết thương, chúng ta thấy Con Thiên Chúa đã bị hủy diệt vì tình yêu”.

Điểm thứ hai: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Có những người, và cả chúng ta, không thể sống trong ánh sáng, bởi vì họ đã quen với bóng tối, họ giống như những con dơi, chỉ di chuyển trong bóng đêm. Chúng ta không muốn ánh sáng bởi vì chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi sống trong bóng tối. Đôi mắt tâm hồn đã quen với điều này, điều này thật là tệ hại. Rất nhiều gương xấu, sự thoái hóa chỉ cho chúng ta thấy điều này. Người xấu, kẻ hư hỏng không biết ánh sáng là gì. Chúng ta hãy để cho Tình Yêu đã sai Chúa Giêsu đến cứu độ chúng ta bước vào trong chúng ta và giúp chúng ta nhìn mọi sự với ánh sáng của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng lời khuyên: “Hôm nay, anh chị em hãy tự hỏi mình: Tôi đang bước đi trong ánh sáng hay trong bóng tối”.

 

 

Ngọc Yến – Vatican