Từ sự hiếu khách dân đảo Malta dành cho thánh Phaolô và những người đồng hành cùng bị đắm tàu với ngài, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu có lòng hiếu khách với các anh chị em Kitô hữu thuộc các hệ phái khác, vì tất cả chúng ta đều là con cái Chúa, và đó là chứng tá về tình yêu Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Kitô hữu cùng nhau làm việc, đón tiếp những người di dân để cho họ thấy được họ quý giá đối với Thiên Chúa.

 

Chúng ta đang ở trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu nên Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 22/01 để nói về đề tài của Tuần lễ năm nay, đó là sự hiếu khách. 

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Đề tài của Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu: lòng hiếu khách

Bài Giáo lý hôm nay cùng ý tưởng với Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất các Kitô hữu. Chủ đề của năm nay là lòng hiếu khách, được cộng đoàn Malta và Gozo triển khai, dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ thuật lại sự hiếu khách của người dân trên đảo Malta dành cho thánh Phaolô và những người đồng hành với ngài, những người bị đắm tàu cùng với ngài. Đó chính là sự kiện mà tôi đã đề cập đến trong bài giáo lý cách đây hai tuần.

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu từ kinh nghiệm bi thương của vụ đắm tàu đó. Con tàu mà thánh Phaolô đi trong cuộc hành trình bị trôi dạt theo sóng gió. Trong mười bốn ngày họ lênh đênh, trôi dạt trên biển và vì không thể nhìn thấy mặt trời hay các vì sao, những người trên tàu cảm thấy bị mất phương hướng, lạc lối. Bên dưới họ, biển gầm dữ dội, đập mạnh vào con tàu khiến họ sợ rằng nó sẽ bị vỡ toang dưới sức mạnh của các cơn sóng. Từ trên cao họ lại bị gió thổi và mưa quật. Sức mạnh của biển và giông bão cực kỳ mạnh mẽ và thờ ơ với số phận của những người đi biển: hơn 260 người!

Nhưng thánh Phaolô biết nó không phải như vậy. Đức tin nói với ngài rằng cuộc sống của ngài ở trong tay của Thiên Chúa, Đấng đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, và là Đấng đã gọi ngài, Phaolô, để đưa Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Đức tin của thánh nhân cũng nói với ngài rằng Thiên Chúa, theo những gì Chúa Giêsu mặc khải, là một người Cha yêu thương. Do đó, thánh Phaolô, được truyền cảm hứng từ đức tin, hướng về những người bạn đồng hành của mình và tuyên bố với họ rằng Chúa sẽ không để cho một sợi tóc nào trên đầu họ bị rơi mất.

Lòng hiếu khách bộc phát truyền thông tình yêu Thiên Chúa

Lời tiên tri này trở thành sự thật khi con tàu mắc cạn trên bờ biển Malta và tất cả hành khách đều đến được vùng đất chắc chắn an toàn và sống sót. Và ở đó họ đã có một trải nghiệm mới. Trái ngược với bạo lực tàn khốc của biển cả trong giông bão, họ nhận được chứng tá về “sự nhân đạo hiếm thấy” của cư dân trên đảo. Những người này tỏ sự quan tâm đến nhu cầu của những người ngoại quốc như họ. Những người dân đốt lửa cho họ sưởi ấm, cung cấp cho họ nơi trú ẩn để tránh mưa và thức ăn. Ngay cả khi những người dân này chưa nhận được Tin mừng của Chúa Kitô, họ vẫn biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa bằng những hành động tử tế cụ thể. Trên thực tế, lòng hiếu khách bộc phát và cử chỉ quan tâm truyền đạt một điều gì đó về tình yêu của Chúa. Và lòng hiếu khách của người dân đảo Malta được đền đáp bằng những phép lạ chữa lành mà Chúa thực hiện thông qua thánh Phaolô ở trên đảo. Vì vậy, nếu người dân Malta là một dấu hiệu về sự Quan phòng của Thiên Chúa dành cho thánh Tông đồ, thì chính thánh nhân cũng là một nhân chứng của tình yêu thương xót của Chúa dành cho họ.

Lòng hiếu khách đại kết

Anh chị em thân mến, lòng hiếu khách rất quan trọng; đó là một đức tính đại kết rất quan trọng. Trước hết, điều đó có nghĩa là nhận ra rằng các Kitô hữu khác thực sự là anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô. Chúng ta là anh em. Ai đó sẽ nói với bạn: “Nhưng người đó là Tin Lành, Chính Thống …” Vâng, nhưng chúng ta là anh em trong Chúa Kitô. Đó không phải là một hành động quảng đại một chiều, bởi vì khi chúng ta tiếp đón các Kitô hữu khác, chúng ta chào đón họ như một món quà được trao cho chúng ta. Giống như người dân Malta – những người Malta tốt lành này – chúng ta được đền đáp, bởi vì chúng ta nhận được những gì Chúa Thánh Thần đã gieo trong anh chị em của chúng ta, và điều này cũng trở thành một món quà cho chúng ta, bởi vì Chúa Thánh Thần cũng gieo những ân sủng của Người ở khắp mọi nơi.

Đón tiếp một người là thể hiện tình yêu Thiên Chúa dành cho họ

Đón tiếp các Kitô hữu từ một truyền thống khác trước hết có nghĩa là thể hiện tình yêu của Chúa dành cho họ, bởi vì họ là con cái của Thiên Chúa – anh em của chúng ta – và cũng có nghĩa là chào đón những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của họ. Sự hiếu khách đại kết đòi hỏi sự sẵn lòng lắng nghe các Kitô hữu khác, chú ý đến những câu chuyện riêng về đức tin và lịch sử cộng đồng của họ, cộng đồng đức tin với truyền thống khác khác biệt với truyền thống của chúng ta. Sự hiếu khách đại kết liên quan đến mong muốn biết kinh nghiệm mà các Kitô hữu khác có về Thiên Chúa và mong muốn nhận được những ân sủng thiêng liêng xuất phát từ đó. Và đây là một ân sủng; khám phá điều này là một ân sủng. Ví dụ, tôi nghĩ về quá khứ, về miền đất của tôi. Khi một số nhà truyền giáo Tin Lành đến, một nhóm nhỏ người Công giáo đã đi đốt lều của họ. Điều này không phải là Kitô hữu. Chúng ta là anh em, chúng ta đều là anh em và chúng ta phải tỏ lòng hiếu khách với nhau.

Sự dửng dưng trước những cảnh đời đau khổ

Ngày nay, vùng biển mà thánh Phaolô và những người bạn đồng hành bị đắm tàu lại một lần nữa là một nơi nguy hiểm đối với cuộc sống của những người đi trên các chiếc thuyền khác. Những người đàn ông và phụ nữ di cư trên toàn thế giới phải đối mặt với những hành trình đầy rủi ro để thoát khỏi bạo lực, thoát khỏi chiến tranh, nghèo khổ. Như thánh Phaolô và các bạn đồng hành của ngài, họ cũng gặp phải sự thờ ơ, sự thù địch của sa mạc, sông, biển … Nhiều lần những thứ này không để họ có thể cập vào các bến cảng. Nhưng, thật không may, đôi khi họ còn gặp phải sự thù địch tồi tệ hơn nhiều từ con người. Họ bị khai thác bởi những tội phạm buôn người. Ngày nay! Họ bị coi như những con số và là mối đe dọa của một số chính quyền. Ngày nay! Đôi khi sự thiếu hiếu khách đẩy họ đi như một cơn sóng, đưa tới sự nghèo đói hoặc những nguy hiểm mà họ đang trốn chạy.

Kitô hữu: không dửng dưng trước những cảnh đời đau khổ

Chúng ta, các Kitô hữu, phải cùng nhau làm việc để tỏ cho những người di dân thấy tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải qua Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có thể và phải làm chứng rằng không chỉ có sự thù địch và dửng dưng, nhưng mỗi con người đều quý giá đối với Thiên Chúa và được Người yêu thương. Những chia cách đang tồn tại giữa chúng ta ngăn cản chúng ta là dấu chỉ trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa. Khi cùng nhau làm việc để sống sự hiếu khách đại kết, đặc biệt đối với những người có cuộc sống dễ tổn thương nhất, nó làm cho tất cả chúng ta, tất cả Kitô hữu – Tin Lành, Chính Thống, Công Giáo, trở thành những con người tốt hơn, các môn đệ tốt hơn và một dân Kitô giáo hiệp nhất hơn. Chúng ta sẽ gần với sự hiệp nhất, là ý muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

 

 

Hồng Thủy – Vatican