Các Mối phúc là 8 cánh cửa để chúng ta gặp được sức mạnh tình yêu của Chúa hoán cải cuộc sống và lịch sử của chúng ta. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học thuộc các Mối Phúc thật và lập đi lập lại để luật mới của Chúa thấm nhuần tâm trí chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi đến hạnh phúc.

 

Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 29/01, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về các Mối Phúc được trình bày trong Tin Mừng thánh Mátthêu 5,1-11, mở đầu “diễn từ trên núi”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng Chúa Giêsu không áp đặt các Mối Phúc như một thứ luật lệ, nhưng Người đề nghị con đường đi đến hạnh phúc đích thật trong tương lai mà Thiên Chúa đã hứa với những người trung thành với Người. 

Các Mối Phúc – thẻ căn cước của Kitô hữu

Xem Video

Bắt đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định: “Các Mối Phúc chiếu sáng cuộc đời của các tín hữu cũng như của nhiều người không có đức tin. Thật là khó mà không bị đánh động bởi những lời này của Chúa Giêsu, và mong ước hiểu và đón nhận những lời này cách trọn vẹn luôn là điều đúng đắn. Các Mối Phúc chứa đựng ‘thẻ căn cước’ của người Kitô hữu, là thẻ căn cước của chúng ta, bởi vì nó phác thảo gương mặt của chính Chúa Giêsu, lối sống của Người.”

Các Mối Phúc – sứ điệp dành cho toàn nhân loại

Đi vào trọng tâm của bài giáo lý, Đức Thánh Cha trình bày khung cảnh tổng quát của những lời của Chúa Giêsu. Trước hết, Đức Thánh Cha trình bày bối cảnh của lời loan báo của Chúa Giêsu về sứ điệp này: “Nhìn thấy đám đông đi theo mình, Chúa Giêsu đi lên một sườn đồi bao quanh hồ Galilê, rồi ngồi xuống, Người hướng về các môn đệ và loan báo các Mối Phúc thật. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Do đó, thông điệp được nói với các môn đệ, nhưng ở chân trời có các đám đông, nghĩa là toàn nhân loại. Đây là sứ điệp dành cho toàn nhân loại.”

Các Mối Phúc – Luật mới

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Hơn nữa, ‘núi’ gợi nhớ đến núi Sinai, nơi Thiên Chúa đã trao cho ông Môsê các Điều răn. Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy một luật mới: hãy nghèo khó, hãy hiền lành, hãy có lòng thương xót… Những ‘giới răn mới’ này không đơn giản chỉ là những luật lệ. Thật ra, Chúa Giêsu không áp đặt điều gì, nhưng mặc khải con đường hạnh phúc – con đường của Người – bằng cách lập lại từ ‘phúc’ 8 lần: ‘phúc cho những ai, phúc cho những ai,…”.

Các Mối Phúc – ơn Chúa ban

Đức Thánh Cha phân tích: “Mỗi Mối Phúc gồm có 3 phần. Trước hết, mỗi Mối Phúc luôn có từ ‘phúc’; tiếp đến là hoàn cảnh của những người được chúc phúc: đó là tinh thần nghèo khó, bị áp bức, đói khát điều công chính ,…; cuối cùng là lý do của Mối Phúc, bắt đầu với từ ‘bởi vì’: ‘Phúc cho những người này bởi vì, phúc cho họ bởi vì…’ Tám Mối Phúc được trình bày như thế.” Đức Thánh Cha khuyến khích: “Thật là hay nếu học thuộc lòng và nhắc đi nhắc lại, để luật mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta ở trong tâm trí chúng ta.”

Lý do của mối phúc không phải là hoàn cảnh hiện tại; Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “nhưng là điều kiện mới để những người được chúc phúc đón nhận ơn Chúa ban là: ‘bởi vì nước trời là của họ’, ‘bởi vì họ sẽ được an ủi’.”

Tình trạng ân sủng

Một điểm được Đức Thánh Cha lưu ý, đó là “trong yếu tố thứ ba, chính xác là lý do của hạnh phúc, Chúa Giêsu thường sử dụng một thì tương lai ở thể thụ động: ‘họ sẽ được an ủi’, ‘họ sẽ được đất là sản nghiệp’. Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều này.”

Nhưng “phúc” có nghĩa là gì? Tại sao mỗi Mối Phúc bắt đầu với từ “phúc”. Đức Thánh Cha giải thích: “Theo nguyên ngữ, hạnh phúc không có nghĩa là được ăn no đầy bụng hay mọi sự yên ổn, nhưng là một người ở trong tình trạng ân sủng, tiến triển trong ơn Chúa và tiến triển trên con đường của Chúa: sự kiên nhẫn, sự nghèo khó, phục vụ tha nhân, sự an ủi… Những người này là những người hạnh phúc, những người này sẽ được chúc phúc.”

Các Mối Phúc – con đường đến niềm vui

Đức Thánh Cha nhận xét: “Để ban chính mình cho chúng ta, Thiên Chúa thường chọn những con đường chúng ta không thể nghĩ đến, có thể là những con đường giới hạn của chúng ta, của nước mắt của chúng ta, của những thất bại của chúng ta. Đó là niềm vui phục sinh mà các anh em Đông phương nói về, niềm vui mang dấu thánh nhưng sống động, niềm vui đi qua sự chết và kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa. Các Mối Phúc luôn luôn đưa chúng ta đến niềm vui. Nó là con đường để đi đến vui mừng.”

Đọc các Mối Phúc

Đức Thánh Cha kết thúc bài giáo lý với một lời mời gọi: Sẽ là điều tốt khi chúng ta cầm lấy Tin Mừng thánh Mátthêu, chương 5, từ câu 1 đến câu 11 và đọc các Mối Phúc thật – có thể là thêm một vài lần nữa trong tuần này – để hiểu con đường hạnh phúc này thật đẹp, thật chắc chắn mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta.

Hồng Thủy – Vatican