10/10/2024

Ngày 03/9, tại Nhà trọ Thánh Marta, dự kiến Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp kiến riêng một phái đoàn đặc biệt đến từ Pháp, gồm các diễn viên, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động. Mục đích cuộc gặp gỡ: thảo luận các vấn đề về môi trường.

 
 
 Hội nghị Thường Niên của Hội đồng Giám mục Pháp tại Lộ Đức 11/2019
 

Phái đoàn được hướng dẫn bởi Đức cha Eric de Moulins Beaufort, Tổng Giám mục Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. Tổng cộng có 13 người thuộc những thế giới rất khác nhau nhưng cùng chung mối quan tâm về việc chăm sóc “ngôi nhà chung”. Trong số này, có nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Juliette Binoch, và Pablo Servigne, nhà nghiên cứu và lý luận về “sự sụp đổ”, một lý thuyết đang thịnh hành ở Pháp khi nhân loại đang phải đối phó với biến đổi khí hậu và lý thuyết về sự sụp đổ sắp xảy ra của nền văn minh nhân loại. Cùng tham dự buổi tiếp kiến sẽ có Valérie Cabanes, chuyên gia về luật quốc tế và đồng sáng lập phong trào “End Ecocide on Earth”, một phong trào nâng cao nhận thức và hướng tới chấm dứt bất công về môi trường, đồng thời nhìn nhận ecocide là chất hủy diệt sinh thái, tội ác chống lại hòa bình và các thế hệ tương lai.

Cuộc gặp với Đức Thánh Cha là một phần của dự án lớn được khởi động vào tháng 11 năm ngoái tại Hội nghị thường niên của Giáo hội Pháp ở Lộ Đức. Một hành trình kéo dài trong 3 năm và được hình thành dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato Sì của Đức Thánh Cha Phanxicô, và nhằm mục đích đưa cái nhìn về một “hệ sinh thái toàn diện” vào chính trung tâm của đời sống Kitô hữu, từ giáo phận đến các cộng đoàn và các phong trào.

Mong muốn của các Giám mục, trước hết là lắng nghe các cá nhân đã dấn thân mạnh mẽ cho sinh thái, thành viên của các hiệp hội, nhóm và mạng lưới hoạt động về môi trường.

Theo cha Thierry Magnin, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Pháp, thực sự vấn đề sinh thái không phải là một chủ đề “Giáo hội”. Cha giải thích: “Những người dấn thân bảo vệ môi trường, động lực thường nảy sinh trong họ chính là từ niềm tin của con người và đôi khi sự dấn thân này được đức tin Kitô nuôi dưỡng. Đặc biệt, chúng ta nhận thấy rằng ngày nay có những giả thuyết về thảm họa và về sự sụp đổ cuối cùng của hành tinh đang lưu hành. Điều khiến chúng tôi lo lắng là cái nhìn hoàn toàn bi quan không có hy vọng này cũng có nguy cơ tạo ra các hình thức bạo lực. Vì vậy, thái độ của chúng ta là cởi mở đối với những gì đến với chúng ta từ xã hội, nhưng với tinh thần Tin Mừng chúng ta tham gia vào các phong trào bảo vệ môi trường để mang lại dấu hiệu hy vọng cho cuộc tìm kiếm chung này”. (Sir. 26/8/2020)

Ngọc Yến – Vatican News