Trưa 07/02/2020, trong buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên hội thảo về đề tài “Giáo dục: Hiệp ước toàn cầu”, do Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học xã hội tổ chức, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ là truyền đạt các ý niệm nhưng là một công việc đòi có sự tham gia liên đới giữa những người có trách nhiệm như gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội, văn hóa, tôn giáo…, để đào tạo những người trưởng thành, có khả năng tái xây dựng kết cấu của các mối quan hệ và tạo ra một nhân loại huynh đệ hơn.
Thách đố toàn cầu: giáo dục toàn diện và chất lượng
Trước hết, Đức Thánh Cha nhắc với các tham dự viên rằng một nền giáo dục toàn diện và chất lượng vẫn là một thách đố toàn cầu, vì dẫu có nhiều nỗ lực từ các tổ chức và quốc gia, giáo dục vẫn tiếp tục không bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới. Đối với nhiều người, tình trạng nghèo đói, phân biệt đối xử, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa sự thờ ơ và xem con người như đồ vật làm ngăn cản sự phát triển của hàng triệu sinh linh; chúng là những bức tường gần như không thể vượt qua và chúng ngăn chặn việc đạt được các mục tiêu và mục đích phát triển bền vững.
Tích hợp ngôn ngữ của cái đầu với ngôn ngữ của con tim và đôi tay
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhận định: “Để giáo dục, cần cố gắng tích hợp cả ngôn ngữ của cái đầu với ngôn ngữ của con tim và ngôn ngữ của đôi tay. Một học sinh cần nghĩ điều em cảm và điều em làm, cần cảm điều em nghĩ và điều em làm, và làm điều em cảm và điều em nghĩ.” Và ngài nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, trường học và các tổ chức “trong việc thúc đẩy sự học hỏi của cái đầu, của trái tim và bàn tay, trong việc giáo dục trí tuệ và cảm xúc xã hội, việc truyền tải các giá trị và đạo đức cá nhân và xã hội, việc giảng dạy một công dân dấn thân và liên đới với công lý, và trong việc truyền đạt các kỹ năng và kiến thức để giáo dục giới trẻ cho thế giới công việc và xã hội.”
Cần hiệp ước giáo dục
Đức Thánh Cha cảnh giác về sự đổ vỡ của “hiệp ước giáo dục” giữa gia đình và nhà trường, giữa quốc gia và thế giới, giữa một nền văn hóa và các nền văn hóa. Sự đổ vỡ này dẫn đến sự thoái thác nhiệm vụ giáo dục của những người, những tổ chức có trách nhiệm. Ngài kêu gọi tất cả mọi người và tổ chức canh tân và tái dấn thân vào công việc giáo dục để thực hiện một hiệp ước giáo dục mới và chỉ như thế giáo dục mới có thể thay đổi.
Vai trò của gia đình trong giáo dục
Giá trị của gia đình trong hiệp ước giáo dục mới được Đức Thánh Cha đề cao, “bởi vì trách nhiệm của nó đã bắt đầu từ trong lòng mẹ, vào lúc chào đời. Các bậc cha mẹ, ông bà và gia đình, với vai trò giáo dục đầu tiên, cần được giúp đỡ để hiểu, trong bối cảnh mới của sự toàn cầu, tầm quan trọng của giai đoạn khởi đầu cuộc sống và do đó cần được chuẩn bị cách hành động. Ngài nhận định: “Một trong những cách cơ bản để cải thiện chất lượng giáo dục ở cấp độ học đường là thu hút sự tham gia của các gia đình và cộng đồng địa phương vào các dự án giáo dục. Đây là một phần của giáo dục toàn diện, đúng lúc và phổ quát này.” (REI 07/02/2020)
Hồng Thủy – Vatican