06/10/2024

Trong thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta hôm thứ ba, 08/10/2019, Đức Thánh Cha than thở rằng Ki-tô hữu hay phán xét và đánh giá mọi sự bằng “con tim nhỏ nhen” của mình. Ngược lại, Thiên Chúa đến với mọi cảnh huống của con người bằng lòng thương xót bởi Người đến để cứu chữa, chứ không phải để lên án.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha suy ngẫm về hình ảnh của một nhân vật trong Cựu Ước – ngôn sứ Giô-na – người đã trốn tránh Thiên Chúa và sứ mạng mà Người muốn dành cho ông. Ông không muốn trở thành ngôn sứ của Người để rao giảng cho dân thành Ninive sám hối ăn năn. Giô-na đã trốn tránh và bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa vì đối với ông, nhiệm vụ ấy quá khó. Ông đã lên tàu đến Tác-sít. Rồi Thiên Chúa cho một cơn bão nổi lên và người ta phải ném ông xuống biển. Rồi một con cá voi đã nuốt lấy ông, và sau ba ngày ba đêm, nó mửa ông ra trên đất liền. Hình ảnh này của Giô-na nhắc nhớ chúng ta về việc Chúa Ki-tô phục sinh sau ngày thứ ba.

Con người hoán cải và Thiên Chúa dủ lòng xót thương

Bài đọc hôm nay là lần thứ hai Chúa kêu gọi Giô-na và lần này ông đã vâng lời đến Ninive. Dân thành ấy đã tin vào lời ông nói và ăn năn sám hối. Họ ăn năn thiết tha đến nỗi Thiên Chúa dủ lòng thương và hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ. Và Người đã không giáng tai hoạ xuống nữa. Giô-na bướng bỉnh nhưng cuối cùng ông đã hoàn thành công việc của mình.

Giô-na giận dỗi vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót

Trong phụng vụ Lời Chúa ngày mai, chúng ta sẽ thấy câu chuyện giữa Thiên Chúa và Giô-na kết thúc thế nào. Giô-na đã nổi giận với Thiên Chúa vì Ngài quá giàu lòng thương xót, và cũng bởi Ngài làm ngược lại với những gì Ngài đã đe doạ giáng xuống dân qua những lời tiên tri. Giô-na đã quở trách Thiên Chúa:

“Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận, giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi. Con không còn muốn làm việc với Ngài nữa, vì thà con chết còn hơn là sống!” Thà chết còn hơn là tiếp tục công việc làm một ngôn sứ của Ngài thế này, vì sau cùng, Ngài đã làm ngược lại với những gì Ngài sai con thực hiện.”

Nói thế rồi Giô-na đi ra khỏi thành, làm một cái lều và chờ xem Thiên Chúa sẽ làm gì với thành ấy. Giô-na hy vọng Thiên Chúa sẽ phá huỷ nó. Rồi Thiên Chúa cho một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông. Nhưng chẳng bao lâu sau, Người làm cho cây ấy khô và chết. Giô-na một lần nữa buồn bực với Thiên Chúa vì cây thầu dầu ấy. Thiên Chúa nói với ông: “ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, một thành phố lớn như thế hay sao? Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Đây quả là một cuộc đối thoại giữa hai nhân vị ‘cứng đầu’”.

Giô-na bướng bỉnh và cứng đầu với những lý lẽ về đức tin của mình, còn Thiên Chúa “cứng đầu” với lòng thương xót của mình. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài gõ cửa con tim chúng ta không ngừng nghỉ, và Ngài luôn có đó. Giô-na cứng đầu và bướng bỉnh vì ông đặt điều kiện cho đức tin của mình. Ông là mẫu Ki-tô hữu luôn đặt điều kiện. Những người này thường nói: “Tôi là một Ki-tô hữu với điều kiện những việc này được thực hiện theo cách này.” Họ tố cáo những thay đổi này khác không mang tính Ki-tô Giáo, là dị giáo, là không đúng. Họ là những Ki-tô hữu ra điều kiện cho Thiên Chúa, cho đức tin và cho cả những việc Thiên Chúa phải làm.

Những Ki-tô hữu “đặt điều kiện” sợ phải lớn lên

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: chính những điều kiện này khoá chặt nhiều Ki-tô hữu lại trong những lý tưởng của chính họ. Và rồi, họ đi theo một ý thức hệ tồi tệ, đi ngược lại với con đường của đức tin. Ngày hôm nay, có rất nhiều Ki-tô hữu như thế, họ có nhiều nỗi sợ hãi: sợ lớn lên, sợ thách đố của cuộc sống, sợ thách đố của Thiên Chúa, sợ thách đố của lịch sử. Họ bị gắn chặt và dính bén với những ý thức hệ và lý lẽ ban đầu của mình. Họ là những Ki-tô hữu thích ý thức hệ hơn là đức tin. Họ rời bỏ cộng đoàn, sợ đặt mình trong tay Thiên Chúa, thích đánh giá và phán xét mọi sự bằng con tim nhỏ nhen của mình. Đức Thánh Cha kết luận:

Câu chuyện của Giô-na trình bày cho chúng ta hai khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay. Một khuôn mặt gắn chặt với ý thức hệ của chính mình, một khuôn mặt khác cho thấy Thiên Chúa đến với mọi cảnh huống của con người bằng lòng xót thương. Tội lỗi của chúng ta không làm Thiên Chúa phẫn nộ hay chán ghét. Ngài đến gần, chạm vào những người phong cùi, những kẻ bệnh hoạn tật nguyền bởi Ngài đến để chữa lành và cứu sống, chứ không phải để lên án.

Trần Đỉnh, SJ – Vatican