Trước những căng thẳng trong xã hội, sau khi luật mới về Công dân được Nghị viện thông qua ngày 12 tháng 12 năm ngoái (2019), ngoài lời kêu gọi “thúc đẩy tình liên đới và tôn trọng trên khắp đất nước”, Giáo hội Ấn Độ đã thiết lập một văn phòng giám mục mới với tên gọi “Ngôi nhà Hòa bình”, nhằm trợ giúp những người bị ảnh hưởng vì luật mới này.

 

Tôn giáo không phải là điều kiện để quy định quyền công dân  (Vatican Media)

Trong những ngày vừa qua, tại Ấn Độ, đã xảy ra những vụ việc nghiêm trọng do ảnh hưởng của luật mới. Và một trong số đó là vụ những người trẻ gốc Ấn giáo, thành viên đảng cầm quyền Bharatiya Janata tấn công Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi. Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ (CBCI) khẳng định: “Luật mới về công dân gây lo lắng cho mọi người. Tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các công dân với nhau, thực sự gây nguy hiểm cho đất nước. Trách nhiệm của mọi người là thúc đẩy tình liên đới và tôn trọng mọi người ở đất nước chúng ta”.

Nhằm liên đới với hoàn cảnh đất nước, Giáo hội đã thiết lập một văn phòng giám mục mới ở Benaulim, bang Goa, với tên gọi “Ngôi nhà hòa bình”. Vị trí của văn phòng không được chọn ngẫu nhiên, Benaulim là nơi sinh của thánh Giuse Vaz, Tông đồ của Sri Lanka, một mẫu gương thúc đẩy hòa bình và đối thoại liên tôn. Trong thánh lễ phong thánh, năm 2015, ĐTC Phanxicô đã ca ngợi ngài như một “linh mục gương mẫu”, phục vụ “hòa bình và hòa giải”, “dâng sự thật và vẻ đẹp của Tin Mừng trong bối cảnh đa tôn giáo, với sự tôn trọng, cống hiến, kiên trì và khiêm nhường”. Mục đích của “Ngôi nhà Hòa bình” là để cổ võ cho một cuộc đối thoại và hòa bình cho đất nước.

Tại Karnataka, một nhóm đại kết đại diện cho các Giáo hội Kitô đã tổ chức một diễn đàn, yêu cầu bảo đảm quyền công dân cho tất cả các nhóm thiểu số tôn giáo ở Ấn Độ. Lời kêu gọi được đưa ra vào hành ngày 09/01, có chữ ký của Đức cha Peter Machado, Tổng giám mục Bangalore, chủ tịch Diễn đàn Kitô giáo vì Nhân quyền.

Các Kitô hữu yêu cầu chính phủ đối thoại với những người tranh chấp luật pháp và đi đến một thỏa thuận về cách thực hiện công bằng và trung thực.

Theo nhóm này, quyền công dân cấp cho những người di cư bất hợp pháp không dựa trên tôn giáo của họ, mà dựa trên từng trường hợp riêng lẻ. Tôn giáo không bao giờ là tiêu chuẩn để trở thành công dân của một quốc gia. Đức cha Machado cho rằng điều này có thể mang lại công lý cho tất cả những người di cư bất hợp pháp và thúc đẩy sự bình đẳng giữa họ. Hơn nữa, có thể làm cho công dân tin vào sự thánh thiêng của Hiến pháp và tôn trọng quyền của tất cả các nhóm thiểu số ngôn ngữ và tôn giáo mà không có sự phân biệt đối xử. (Tổng hợp Asianews)

Ngọc Yến – Vatican