Thiên Chúa đã đặt I-xa-ác vào trong trái tim của Áp-ra-ham: “đứa con của ngươi, đứa con duy nhất, đứa con mà ngươi yêu dấu, I-xa-ác” (St 22,2). Nhưng khi Áp-ra-ham đáp lời Thiên Chúa, mở trái tim cho Thiên Chúa coi, thì chỉ có mình Thiên Chúa ở trong trái tim ông.

 

 

 

I-xa-ác là người được chờ lâu nhất và giới thiệu long trọng nhất trước khi chào đời. Nhưng rồi hình ảnh của ông lại rất mờ nhạt, có vẻ như ông không có khuôn mặt riêng, cuộc sống riêng trong Kinh Thánh. Ông xuất hiện như một món quà Thiên Chúa long trọng tặng cho Người Bạn là Áp-ra-ham, rồi Áp-ra-ham kính cẩn dâng lại nguyên vẹn cho Thiên Chúa.

Chiêm ngắm nhân vật âm thầm này có thể giúp ta nhận ra một con đường yêu mến Thiên Chúa trọn vẹn như Thiên Chúa dạy Áp-ra-ham: “Hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17,1).

Người được mong chờ lâu nhất

Lúc Áp-ra-ham 75 tuổi, Thiên Chúa gọi ông, đề nghị: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12, 1-2).

Ông Áp-ra-ham ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”. Cùng đi với ông có bà vợ già và một người cháu. “Ông ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8)

Rồi năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua, như thể Thiên Chúa đã quên lời hứa. Đứa cháu duy nhất đi theo ông thì chính ông đã đề nghị chia tay với ông để giữ hòa khí và tình nghĩa gia đình họ hàng (x. St 13, 1-12). Thế là ông rời bỏ họ hàng cách triệt để, chỉ còn mình ông với bà vợ già bên nhau.

Sự chờ đợi đã trải qua thử thách. Một đêm khi ông trằn trọc trong lều khuya bên bà vợ già, Thiên Chúa đến nói với ông lần thứ hai, để khích lệ ông: 

“Sau các việc đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” (St 15,1)

Ông đơn sơ thưa với Thiên Chúa nỗi băn khoăn của mình và than với Thiên Chúa vì điều ông thấy trước mắt về việc thừa kế: nỗi nhục của một người trong xã hội thời ông.

Ông Áp-ram thưa : “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự  gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát.” Ông Áp-ram thưa : “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.” Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng : “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.”

Thiên Chúa âu yếm dỗ dành ông như một đứa trẻ và nhắc lại lời hứa:

 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán : “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !” Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính.” (St 15,2-6)

Sau đó Thiên Chúa thề với ông theo nghi thức “thề độc” của thời đó, để củng cố lòng tin và niềm hy vọng của ông (x. St 15,7-21).

Nhưng rồi Chúa lại im lặng và ông vẫn cứ đợi cứ chờ. Biết đến bao giờ?!

Kế hoạch thay thế của bà Xa-ra

Bà Xa-ra biết nỗi trăng trở của chồng và cũng biết chồng là người chung thủy, dù bà không sinh được cho ông một đứa con nối dòng ông cũng chỉ muốn một mình bà ở với ông. Bà cũng thương ông chung thủy thật thà, không muốn ông phải mang nỗi nhục kia.  Bà có kế hoạch của bà: nhờ nàng hầu mang thai giùm.

Bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, đã không sinh được cho ông một người con nào. Bà có một người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga. Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram : “Ông coi : ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi ; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Ông Áp-ram nghe lời bà Xa-rai.” (St 16,1-2)

Nhưng bà Xa-ra tự chuốc lấy đau đớn uất hận cho mình, bà trở nên cay đắng với ông:

Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy ! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi. Xin ĐỨC CHÚA phân xử giữa ông và tôi.” (St 16,5)

Áp-ra-ham là người hoàn thiện nên vẫn ôn tồn nhắc với bà rằng, bà tự coi là đã lỡ đặt nữ tỳ vào lòng ông, nhưng nó có ở đó đâu, trong lòng ông vẫn chỉ có mình bà thôi:

Nữ tỳ của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm!” Bà Xa-rai hành hạ Ha-ga khiến nàng phải trốn bà.” (St 16,6)

Nhưng Thiên Chúa chưa để bà yên, Ngài không thiên vị ai. Ngài thấu nỗi khổ của Bà và chịu để yên cho bà tìm giải pháp theo ý bà, thì cũng thấu nỗi khổ của nàng hàu. Bà phải lãnh trách nhiệm về kế hoạch do bà tự ý đề ra và thực hiện. Thiên Chúa sai sứ thần bảo nàng hầu quay về chịu lụy bà để đứa con của Áp-ra-ham trong bụng nàng được sinh ra trong nhà Áp-ra-ham:

 “Sứ thần của ĐỨC CHÚA bảo nàng: “Cứ về với bà chủ ngươi, và chịu luỵ bà ấy.” Sứ thần của ĐỨC CHÚA nói với nàng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều đến mức không thể đếm được vì quá đông.” … “Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên, vì ĐỨC CHÚA đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi.” (St 16,9-11)

Nàng hầu Ha-ga đã vâng lời thiên sứ quay về, chịu lụy bà chủ. Từ nay trong nhà có bốn người đau khổ: Bà Xa-ra vẫn cay đắng, nàng hầu vẫn đang mang nặng và chờ ngày đẻ đau, nhưng cũng đang đau triền miên vì sự hành hạ của bà chủ. Đứa con trong bụng phải nghe nỗi cay đắng đớn đau của mẹ nó dội sang từ trái tim của mẹ và thấm vào xương tủy nó [1] vì sự dằng co giữa mẹ ruột đang mang nó trong bụng và mẹ theo pháp lý là bà chủ. Còn ông Áp-ra-ham mang cả ba nỗi đau trong lòng. Vợ ông không còn dịu dàng như trước, nàng hầu ở trong tay bà Xa-ra, nhưng đứa con trong bụng nàng lại ở trong lòng.

Nàng hầu sẽ mang cho ông “lô an ủi” khi sinh cho ông đứa con trai, lúc ông tám mươi sáu tuổi. Ta không biết bà Xa-ra phản ứng thế nào, nhưng chuyện 13 năm sau sẽ cho thấy bà.

Chúa đã bảo “Ta sẽ làm…” nhưng bà Xa-ra muốn làm thay Chúa, nên đau đớn xót xa, cay đắng đầu độc bầu khí gia đình.

Đứa con do lời hứa: Thiên Chúa làm

Đến giờ của Thiên Chúa thì Ngài sẽ ra tay. Nhưng phải chờ đến khi ông Áp-ra-ham 99 tuổi, Chúa mới đến nói với ông lần nữa. Lần này Chúa đổi tên cho cả ông lẫn bà, như để đánh dấu một giai đoạn mới. Chúa nhắc lại lời hứa cho ông dòng dõi đông đúc và hứa cụ thể một đứa con để bắt đầu:

Khi ông Áp-ram được chín mươi chín tuổi, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông.” Ông Áp-ram cúi rạp xuống.

Thiên Chúa phán với ông rằng :“Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi : ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều : Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi.

Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham : “Xa-rai, vợ ngươi, ngươi không được gọi tên là Xa-rai nữa, nhưng tên nó sẽ là Xa-raTa sẽ chúc phúc cho nó, Ta còn cho nó sinh cho ngươi một con trai. Ta sẽ chúc phúc cho nó, nó sẽ trở thành những dân tộc ; vua chúa các dân sẽ phát xuất từ nó.” Ông Áp-ra-ham cúi rạp xuống ; ông cười và nghĩ bụng : “Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao ? Còn bà Xa-ra đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao?” Ông Áp-ra-ham thưa với Thiên Chúa : “Ước chi Ít-ma-ên được sống trước nhan Ngài !” Nhưng Thiên Chúa phán : “Không đâu ! Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó ; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này.” (St 17,1-6.15-19)

Lần trước Chúa bảo ông đếm sao cho khuây khỏa tâm hồn, lần này thì Chúa cho ông cười bò ra với hình ảnh “Ông Một Trăm” và “Bà Chín Chục” trình làng đứa con mới sinh! Và ông đề nghị Chúa phê chuẩn “kế hoạch Xa-ra”, nhưng Chúa không chịu và nhất định làm theo kế hoạch của Chúa: đứa con thừa kế của “Ông Một Trăm” phải do “Bà Chín Chục” sinh ra. Chúa là Thiên Chúa chứ đâu phải người phàm. Quà của Thiên Chúa phải lớn hơn.

Thiên Chúa bỏ “Ông Một Trăm” cười bò dưới đất mà đi. Rồi ngày khác Chúa lại đến thăm ông và báo cho “Bà Chín Chục”. Ngày ấy tới, Thiên Chúa đến dưới dạng ba người bộ hành qua gần cây sồi, nơi ông Áp-ra-ham ngồi hóng mát ở cửa lều:

 “ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói : “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây !” Khách trả lời: “Xin cứ làm như ông vừa nói !”

Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo : “Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh.” Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịtÔng lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách ; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.

Khách nói với ông: “Bà Xa-ra vợ ông đâu?” Ông đáp: “Thưa nhà tôi ở trong lều.” Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.” Bà Xa-ra bấy giờ đang nghe ở cửa lều, phía sau. Ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đã già nua tuổi tác, và bà Xa-ra không còn điều thường xảy đến cho đàn bà. Bà Xa-ra cười thầm tự bảo : “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao ? Ông nhà mình lại là một ông lão !” ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ra-ham : “Tại sao Xa-ra lại cười và nói : ‘Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng ?’ Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA ? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai.” Bà Xa-ra chối và nói : “Con đâu có cười !” Vì bà sợ. Nhưng Người bảo : “Có, ngươi đã cười !” (St 18,1-15).

“Ông Chín Chín” chạy vào lều kêu “Bà Tám Chín” lấy tinh bột làm bánh, rồi chạy đi tìm một con bê béo trong bầy và đầy tớ vội vã làm thịt. Rồi ông lấy thêm sữa chua, sữa tươi ra. Một bữa ăn thịnh soạn với tinh hoa của “cây nhà lá vườn ”… Ông đích thân đứng hầu khách ăn. Giữ đúng phép gia giáo bà không xuất hiện. Sau bữa ăn khách lại nói với ông, khách hỏi thăm bà. Biết chắc là bà đang ở trong lều phía sau lưng ông, khách nhắc lại lời báo tin đã làm ông cười bò hôm nào. Đến phiên bà cười khúc khích. Khách hỏi cho bà cười thêm, đủ bốn lần “cười”.

Thế là khi Thiên Chúa làm thì niềm vui tràn trề. Rồi tới ngày vui nhất đời của hai ông bà:

ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa. Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa. Ông Áp-ra-ham đặt tên cho đứa con sinh ra cho ông là I-xa-ác, đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông. Ông Áp-ra-ham cắt bì cho I-xa-ác, con ông, lúc nó được tám ngày, như Thiên Chúa đã truyền cho ông. Ông Áp-ra-ham được một trăm tuổi khi sinh được người con là I-xa-ác. Bà Xa-ra nói : “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười ; tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi.”[2] Bà còn nói :

“Ai dám báo trước cho ông Áp-ra-ham rằng Xa-ra sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi ông đã về già !”” (St 21,1-7)

Ai hài hước được bằng Thiên Chúa! Nhìn ông “Ông Một Trăm” bồng đứa con mới sinh, “Bà Chín Chục” cho con bú, ai mà nhịn cười được. Tên cậu là “Ông Cười” đấy!

Ngày cai sữa “Ông Cười” thì bài ca vui của ông Áp-ra-ham từ “cung trưởng” đổi sang “cung thứ”, vì “phải vâng lệnh bà”, đuổi nàng hầu và đứa con trai đi. Con nàng hầu cũng là con ông! Nhưng Thiên Chúa bảo ông phải vâng lệnh bà. Giọt đắng cuối cùng do kế hoạch của bà rớt xuống chén rượu mừng.

Đứa trẻ lớn lên và cai sữa. Ông Áp-ra-ham làm tiệc lớn ngày I-xa-ác cai sữa. Bà Xa-ra thấy đứa con mà Ha-ga, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Áp-ra-ham, đang cười giỡn, liền nói với ông Áp-ra-ham : “Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với I-xa-ác, con trai tôi.” Ông Áp-ra-ham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông. Nhưng Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham : “Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Xa-ra nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ I-xa-ác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi.” Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Ha-ga. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi.

Nàng đi lang thang trong sa mạc Bơ-e Se-va. Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói : “Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết !” Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc. Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ và từ trời, sứ thần Thiên Chúa gọi Ha-ga và nói : “Sao thế, Ha-ga ? Đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm. Đứng lên ! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn.” Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống. Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung. Nó sống trong sa mạc Pa-ran, và mẹ nó cưới cho nó một cô vợ người đất Ai-cập.” (St 21,8-21)

Từ nay “Ông Cười” cười một mình ở trong lều với mẹ, không có em để cùng cười và cùng rong chơi. Cái oan nghiệt cho “Ông Cười” bắt đầu từ trong bụng mẹ. “Ông” là đứa con “chờ” mà không “đợi”. Ông đến bất ngờ. “Ông Cười” xuất hiện vào phút chót làm cho “Ông Một Trăm” cười bò, “Bà Chín Chục” cười lăn. Vừa cai sữa “Ông Cười” sớm phải chơi một mình, cười một mình, vì ông là món quà Thiên Chúa cho hai ông bà già chứ không phải cho đứa em cùng cha khác mẹ. Nói theo kiểu Việt Nam, ông “sinh trong bọc điều”.

Thiên Chúa để cho hai ông bà già giữ “Ông Cười” trong nhà bao lâu Người muốn. Tới ngày đã định Thiên Chúa lại đến nói với ông Áp-ra-ham, bảo ông phải trả “Ông Cười” cho Thiên Chúa bằng cách dâng làm của lễ toàn thiêu.

Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông : “Áp-ra-ham !” Ông thưa: “Dạ, con đây !” Người phán : “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa. Ông Áp-ra-ham bảo đầy tớ : “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia ; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh.”

Ông Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham : “Cha !” Ông Áp-ra-ham đáp : “Cha đây con !” Cậu nói : “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu ?” Ông Áp-ra-ham đáp : “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Rồi cả hai cùng đi.

Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.” (St 22, 1-9).

I-xa-ác là nụ cười Thiên Chúa làm quà cho ông Áp-ra-ham, khi Thiên Chúa muốn thì ông Áp-ra-ham lại dâng làm của lễ cho Thiên Chúa. I-xa-ác như cái bóng mờ. Ông như chỉ là một thực tại giữa Thiên Chúa và Áp-ra-ham. Sau cái ngày cai sữa, ông ra mắt cả nhà trong bữa tiệc tưng bừng, có đứa em khác mẹ cười đùa với ông. Nhưng Mẹ ông bắt bố đuổi đứa em khác mẹ đi, để mình bà cười với ông thôi. Me úm ông kỹ trong lều của bà cho tới ngày Thiên Chúa đến lần nữa, liên quan tới ông, thì bố Áp-ra-ham mới đem ông ra [3].

I-xa-ác là món quà đặc biệt Thiên Chúa gói “bọc điều” trao tận tay ông Áp-ra-ham. Suốt thời thơ ấu, ta chỉ nghe tiếng I-xa-ác một lần trong mẩu đối thoại đứt ruột khi hai cha con cùng nhau đi lên núi. Rồi ở trên núi khi Áp-ra-ham đã gói đứa con một yêu dấu bằng cả trái tim và đặt lên bàn thờ, thì Thiên Chúa đã đặt vào lòng ông Áp-ra-ham một đàn con đông đúc để ông ôm xuống núi. Thiên Chúa đã đặt I-xa-ác làm cái gạch nối giữa Áp-ra-ham và dòng dõi đông đúc.

Tôi có chấp nhận cái thân phận mờ nhạt để làm món quà Thiên Chúa tặng cho đời không?

 

Giuse Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN

_______________

[1] Phải chăng vì thế mà nó sẽ “đúng là một con lừa hoang, nó giơ tay chống lại mọi người, mọi người giơ tay chống lại nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả mọi anh em nó” (St 16,12).

[2] Câu này trong bản tiếng Do Thái có thể hiểu hai cách. “TC đã làm cho tôi thành chuyện cười, ai nghe biết sẽ cười tôi”, hoặc: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười, những ai nghe biết sẽ cười với tôi”. Cách hiểu nào cũng đúng. Cách hiểu thứ nhất có vẻ thú vị hơn, vì chính bà Xa-ra đã tự cười mình, cười lăn lộn khi mới chỉ hình dung ra cái cảnh bà già sinh con thôi mà! Bà thành chuyện cười có thật rồi đây: bà già 90 cho con bú đây này! 

[3] Sau này khi cưới vợ thì ông lại đem vào “lều của mẹ” để cưới, và vợ sẽ thay mẹ: “67Cậu I-xa-ác đưa cô Rê-bê-ca vào lều của bà Xa-ra mẹ cậu; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ (St 24,67). Rồi vợ sẽ úm ông cho tới chết (x. St 27,1 – 28,5)