Các tổ chức phi chính phủ và các lãnh đạo Hồi giáo ở Pakistan bị tố cáo từ chối cung cấp cho các Kitô hữu và các nhóm thiểu số những trợ giúp khẩn cấp chống virus corona, mặc dù họ nằm trong số những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

 

 Kitô hữu Pakistan là nhóm thiểu số ở Pakistan và thường bị kỳ thị, bách hại  (AFP or licensors)

 

 

Cecil Shane Chaudhry, Giám đốc điều hành của Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia, một tổ chức nhân quyền do Công giáo điều hành, nói rằng các báo cáo của các tổ chức tôn giáo và đền thờ Hồi giáo đang thông báo, yêu cầu các Kitô hữu không đến nhận thực phẩm và các trợ giúp khẩn cấp khác.

Kitô hữu và các nhóm thiểu số cần được giúp đỡ

Chia sẻ với tổ chức Công giáo “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, ông Chaudhry nói rằng Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác đặc biệt cần sự giúp đỡ vì nhiều người làm việc với tiền lương thấp nhất, phụ thuộc vào tiền lương hàng ngày và phải xếp hàng xin thực phẩm, trong khi do lệnh phong tỏa, nhiều công việc phải ngưng hoạt động.

 

Kêu gọi chính phủ cung cấp các trợ giúp cần thiết cho Kitô hữu

Nhấn mạnh đến việc phụ nữ thiểu số đặc biệt có nguy cơ lây nhiễm, ông kêu gọi chính phủ Pakistan cung cấp cho công nhân vệ sinh và người giúp việc gia đình – nhiều người trong số họ là Kitô hữu, các khẩu trang, găng tay và các thiết bị bảo hộ khác chống lây nhiễmCovid-19.

Khi chính phủ Pakistan nới lỏng việc phong tỏa, ông Chaudhry sợ rằng các trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ gia tăng đột biến, đặc biệt là giữa các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, những người làm công việ đặc biệt dễ bị nhiễm bệnh.

Kitô hữu không được cung cấp lương thực, không được trợ giúp chống Covid-19

Ông Chaudhry đã báo cáo về việc các Kitô hữu ở một ngôi làng gần thành phố Lahore đã bị từ chối viện trợ lương thực và trong một trường hợp khác, khoảng 100 gia đình Kitô giáo bị loại, không được phân phối thực phẩm ở làng Sandha Kalan, ở quận Kasur của bang Punjab. Ông cho biết có những báo cáo phản ảnh việc các nhân viên cứu trợ khẩn cấp Covid-19 đã từ chối trợ giúp những người không phải là Hồi giáo. Ông nói: “Covid-19 không có ranh giới – mọi người đều có nguy cơ, bất kể họ thuộc tôn giáo nào; vì thế làm sao có thể công bằng khi từ chối cung cấp thực phẩm và các trợ giúp khẩn cấp khác cho các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác, đặc biệt là khi họ nằm trong số những người đau khổ nhất vào thời gian này?” (Zenit 21/05/2020)

Hồng Thủy – Vatican News