06/10/2024

Nhà thờ chính tòa thánh Elia của Giáo hội Công giáo Maronite ở miền phía bắc của thành phố Aleppo, một nhà thờ đã bị bắn phá bằng tên lửa trong ít nhất ba lần từ năm 2012 đến 2016 và bị thiệt hại lớn khi các chiến binh thánh chiến tiến vào khu Ki-tô giáo của thành phố vào năm 2013, đã được mở cửa lại sau khi được tái thiết.

 

Lễ khánh thành nhà thờ chính tòa Elia của Giáo hội Công giáo Maronite ở Syria  (AFP or licensors)

 

Đức tổng giám mục Joseph Tobij của Giáo hội Maronite ở Aleppo nói với Vatican News rằng việc tái thiết và mở lại nhà thờ vừa có ý nghĩa biểu tượng vừa có ý nghĩa thực tế. “Đây là một dấu hiệu của hy vọng và tái sinh, không chỉ về mặt vật chất mà còn đối với toàn bộ cộng đồng, mặc dù thực tế là số lượng Kitô hữu vẫn tiếp tục giảm, do nghèo đói cùng cực bởi các biện pháp trừng phạt được áp đặt cho một dân tộc không phòng vệ.”

Việc mở cửa lại nhà thờ hôm 20/07 kỷ niệm một giai đoạn mới trong cuộc sống của các Kitô hữu Aleppo, vì tòa nhà đã bị tàn phá vào năm 2013 bởi một nhóm các chiến binh thánh chiến với mục đích là tiêu diệt tất cả các dấu hiệu của Kitô giáo trong nước.

Giúp đỡ của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ

Đức Tổng Giám mục Tobij cho biết những khó khăn chính trong việc trùng tu nhà thờ là việc gây quỹ và xây dựng lại mái nhà gỗ ban đầu. Các nghệ nhân địa phương thiếu chuyên môn trong lĩnh vực này nên một nhóm kiến trúc sư người Ý đã tham gia để thiết kế lại dự án mái nhà. Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã tài trợ phần lớn cho công trình tái thiết nhà thờ.

Đức cha Tobij nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ và sự quảng đại của các ân nhân, chúng tôi sẽ không thể cầu nguyện lại tại nơi này và truyền hy vọng vào trái tim của các tín hữu thông qua việc tái thiết nhà thờ. Ngài cho biết trong 8 năm qua, không có phụng vụ hay các lễ kỷ niệm nào được cử hành trong nhà thờ.” Ngài nói: “Bây giờ, chúng tôi tiếp tục cuộc sống, và đó là một cách để nói với người dân ở Aleppo, ở Syria và thế giới, rằng chúng tôi vẫn tồn tại. Chúng tôi vẫn tồn tại, bất chấp sự suy giảm lớn về số lượng Kitô hữu của chúng tôi.”

Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ ước tính chỉ còn 30.000 Kitô hữu trong thành phố, so với dân số trước chiến tranh là 180.000. Aleppo là thành phố đông dân nhất Syria trước chiến tranh. Nó hiện là thành phố lớn thứ hai, sau thủ đô Damascus.

Hồng Thủy – Vatican News