28/01/2025
Bernini’s Colonnato at Saint Peter’s Sqare creates a grand Baroque entrance to the Basilica and is topped by 140 statues of saints.

Những ngày cuối tuần của tháng giãn cách đặc biệt, trời Sài Gòn âm u, ánh nắng chỉ thấp thoáng mỗi sáng. Lời Chúa hôm nay (thứ sáu ngày 17/09/2021), nói đến việc Đức Giêsu vẫn miệt mài đi qua “các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.” (Lc 8,1) Bất chợt, có cảm giác Chúa Giêsu bị cô đơn trong cuộc hành trình. Không chỉ thế, nhiều người trong thời đại của Chúa Giêsu đã chống đối Ngài; và cuối cùng, hàng lãnh đạo tôn giáo Do thái đã âm mưu kết án và đóng đinh Ngài trên thập giá. Cả đến khi Chúa Giêsu đã phục sinh vinh thắng, đã thiết lập Hội Thánh và sai đi loan báo Tin Mừng, những âm mưu, chống đối, đả phá vẫn tiếp tục. Có lẽ, những việc này sẽ còn đến tận thế!

Nhưng điều khiến tôi chú tâm là bài đọc trích thư của thánh Phaolô gửi thư cho ông Timôthê (1Tm 6,2-12). Bài đọc thật phù hợp với Tin Mừng và cũng là điểm tựa để chúng ta tham chiếu khi gặp phải các vấn đề giống như cộng đoàn của ông Timôthê. Những vấn đề mà thánh Phaolô nhắc nhở ông Timôthê và cộng đoàn là: những người rao giảng những “giáo lý khác” và “không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh”.

“Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi.” (1 Tm 6,3-5)

Lời dạy của thánh Phaolô vẫn rất phù hợp với thế giới chúng ta đang sống hôm nay. Có quá nhiều người, nhóm, tổ chức rêu rao những kiểu “giáo lý khác” và nhắm lung lạc đức tin của các Kitô hữu. Họ tấn công Hội Thánh ở nhiều mặt khác nhau, lúc công khai, lúc ngấm ngầm. Những điều này có cả trong Hội Thánh, những người như thánh Phaolô nói: “lên mặt kiêu căng”, “ham tranh luận và thích cãi chữ”, trong khi việc quan trọng hơn đó chính là thực thi Lời Chúa, sống các giá trị Tin Mừng và nên “muối và ánh sáng” cho anh chị em xung quanh.

Kết quả của những tranh luận vô bổ này là gì? Thánh Phaolô nói: Nó “sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi.” Vấn đề này xảy ra trong cộng đoàn của ông Timôthê, có lẽ vẫn xảy ra đây đó trong gia đình, hội, nhóm, giáo xứ, giáo phận và các dòng tu. Những đầu óc lệch lạc và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi (vật chất và tinh thần), xét cho cùng chính là thói kiêu ngạo và giả hình. Những việc nhân danh Chúa, Hội Thánh, bác ái, từ thiện nhiều khi cũng bị nhuốm mầu “giữ đạo là một nguồn lợi”. Những cuộc “đấu khẩu liên miên” vô ích, không làm sáng danh Chúa và Hội Thánh, thực ra cũng chỉ để “khoe chữ” và tìm kiếm những “chiến thắng” tầm thường.

Thư gửi tín hữu Hípri (Do thái) nói rằng: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.” (Hr 13,8) Vâng, để các học thuyết xa lạ không mê hoặc được chúng ta, chúng ta phải làm gì? Thưa, phải đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô và Tin Mừng; phải trung thành với Hội Thánh và các giáo huấn chính thức. Trong đời sống cá nhân, đặc biệt trong thời gian đại dịch, hãy trung thành với những phương tiện đang có như thánh lễ, đọc kinh Mân Côi, Chầu Thánh Thể, cầu nguyện theo nhóm trực tuyến. Cá nhân mỗi người tìm thời gian để đọc thêm Kinh Thánh, giáo lý của Hội Thánh và cầu nguyện riêng. Chúng ta vẫn biết, áp lực trong thời gian này lên trên gia đình và cá nhân chúng ta rất lớn: người thân qua đời, người nhiễm bệnh, tâm lý bất ổn, khó khăn trong đời sống kinh tế. Nhưng, nền tảng vững chắc để chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này không chỉ có vấn đề kinh tế, hay tâm lý; nhưng quan trọng hơn vẫn là đời sống đức tin bám rễ sâu vào Chúa, Tin Mừng, giáo huấn của Hội Thánh. Đó là những ngọn đèn vẫn cháy sáng trong đêm tối và là ngọn hải đăng vững vàng trước sóng gió soi rọi vào cuộc đời của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, nguyện xin cho con được làm môn đệ của Chúa trên con đường rao giảng và sống Tin Mừng. Xin cho con biết cậy dựa vào Chúa đặc biệt là những lúc khó khăn quẫn bách. Con tin rằng, ánh sáng của niềm tin sẽ không bao giờ tàn lụi giữa đêm tối và sóng gió cuộc đời! Amen.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Tu viện Sài Gòn, 17/09/2021)