Mười hai phụ nữ, gồm các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu và doanh nhân được kêu gọi tham gia vào lực lượng đặc nhiệm do chính phủ Ý ủy quyền, mục đích đưa ra các đề xuất nhằm tái xây dựng nước Ý sau đại dịch. Trong số đó có sơ Alessandra Smerilli, Ủy viên của Quốc gia Thành Vatican và là giáo sư kinh tế chính trị tại phân khoa Giáo dục Ailen.

 

Sơ Alessandra Smerilli 

 

Trong thời điểm này, trên thế giới, mọi người đều nhận thấy hậu quả do đại dịch virus corona gây ra không chỉ liên quan đến sức khỏe nhưng còn ở nhiều lãnh vực khác. Vì thế, các chính phủ, các vị nguyên thủ quốc gia trong khi ứng phó với đại dịch trong thời điểm hiện tại, thì đã phải nghĩ đến những cái đến sau. Cụ thể, phải nghĩ đến việc cần phải phục hồi bộ máy xã hội, văn hóa và kinh tế. Và đây là mục tiêu của lực lượng đặc nhiệm “Phụ nữ cho một thời Phục hưng mới” của Ý do bà Elena Bonetti, Bộ trưởng Bộ Gia đình và Cơ hội bình đẳng của Ý đưa ra để xây dựng các đề xuất có khả năng khởi động lại đất nước.

Trong lực lượng đặc nhiệm này có một nhóm mười hai phụ nữ với những tài năng chuyên môn khác nhau, do bà Fabiola Gianotti, nhà vật lý và là giám đốc Trung tâm Cern đứng đầu. Trung tâm Cern là Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu, là một trong những trung tâm lớn nhất và được tôn trọng nhất trên thế giới về nghiên cứu khoa học. Nhóm đã có một buổi gặp gỡ qua online vào thứ Tư 15/4/2020. Trong số các đại diện của nhóm đặc biệt này có sơ Alessandra Smerilli, giáo sư kinh tế chính trị tại phân khoa Giáo dục Ailen và Ủy viên của Quốc gia Thành Vatican. Vatican News có cuộc phỏng vấn với sơ Alessandra Smerilli về công việc của nhóm.

Xin sơ vui lòng giải thích mục tiêu của sáng kiến

Lực lượng đặc nhiệm đã đặt ra mục tiêu cho một kế hoạch tái khởi động quốc gia. Tất cả đang cố gắng đưa các nguồn lực nữ giới đóng góp cho mục tiêu này.

Theo sơ, cần phải chuẩn bị như thế nào cho việc phục hồi sau thảm họa này? Cụ thể là vấn đề kinh tế, phải có định hướng như thế nào?

Tại thời điểm này, thật khó tưởng tượng khi nào và bằng cách nào có thể bắt đầu lại. Tôi nói điều này cụ thể cho nước Ý và cho tất cả thế giới, có nhiều điều chưa chắc chắn. Điểm đầu tiên để chuẩn bị cho việc tái sinh là phải quán sát, đọc và phân tích hoàn cảnh một cách cẩn thận. Và cố gắng nhìn hoàn cảnh, ít ra theo quan điểm của tôi từ cái nhìn của người yếu đuối hơn cả, những người chiếm số đông trong xã hội nhưng lại chịu thiệt thòi nhiều. Và sau đó, cố gắng triển khai các phương sách mà trong thời điểm này có thể đưa ra và cố gắng cùng nhau suy luận vì công ích. Điều tệ hại nhất có thể xảy ra sau đại dịch này đó là các chuỗi phân phối của cải không đồng đều tiếp tục diễn ra.

Tại thời điểm phức tạp và bất ổn này, các câu hỏi thường tập trung vào thời điểm hiện tại. Nhưng những câu hỏi không kém phần quan trọng liên quan đến tương lai. Đâu là những cơ hội và thách đố mà thế giới sẽ nắm bắt và phải đối phó để sống một thời kỳ phục hưng thực sự, khi cuối cùng thời điểm nguy cấp này sẽ được khắc phục?

Những cơ hội để nắm bắt là những gì chúng ta đang thấy trong lúc này. Tôi là một giảng viên đại học và tất cả những gì chúng tôi nghĩ phải làm nhưng chúng tôi chưa bắt đầu thực hiện, như học từ xa, thì giờ đây chúng tôi bắt buộc phải thực hiện. Chúng tôi nhận thấy rằng đây không chỉ là điều có thể thực hiện, nhưng còn là một cách tốt để giữ liên lạc với sinh viên. Điều này áp dụng cho thế giới đại học và cũng phải được áp dụng cho các công việc khác.

Tiềm lực của các công nghệ mới và các kỹ năng kết nối cho phép chúng ta có thể nghiên cứu các cách làm việc khác, như thế có thể tôn trọng trái đất và thiên hiên hơn. Thực tế, các công nghệ mới cho phép chúng ta không phải di chuyển nhiều, ngay cả khi nếu điều này không thể thực hiện cho tất cả mọi công việc. Tôi nghĩ đây là một cơ hội chúng ta phải nắm bắt.

Những thách đố có liên quan đến sức khỏe. Thực tế, virus này gây thiệt hại cho những người yếu đuối, trước hết là những người già. Tương tự như vậy, kinh tế bị chững lại sẽ tạo ra những suy thoái nghiêm trọng, gây thiệt hại cho những người yếu đuối và những người ít được bảo vệ. Vậy thì, năng lượng mà chúng ta đang sử dụng để cứu sự sống nhân loại, cũng là lý do tại sao chúng ta phải dừng kinh tế, chúng ta sẽ phải làm như thế để bắt đầu lại, trong tinh thần những người yếu đuối không bị gạt ra bên lề. Nhưng chúng ta phải thực sự cảm nhận được rằng tất cả đều là anh chị em cùng đối phó với những thách đố này. Nếu chúng ta có thể làm điều này, tôi nghĩ chúng ta sẽ trở nên tốt hơn và xã hội cũng tốt hơn. Từ một nỗi đau lớn và một điều xấu chúng ta tái khám phá điều tốt khi ở cùng nhau.

Mười hai phụ nữ, mười hai chuyên gia và kinh nghiệm sống khác nhau là một phần của lực lượng đặc nhiệm. Theo sơ, trong giai đoạn cần phải suy nghĩ lại về đời sống xã hội, đâu là đóng góp tư tưởng mà các “thiên tài” này có thể đưa ra?

Trong cuộc họp đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm, tôi đã xem xét có bao nhiêu và những năng lực nào có trong nhóm này. Tôi nhận ra rằng thực sự có một thiên tài và những khả năng mà phụ nữ có thể phát huy tác dụng, chẳng hạn như được sử dụng để làm việc ở cấp độ đa chiều. Phụ nữ thường sẵn sàng hơn trong việc điều chỉnh. Nhiều khi, vì là phụ nữ, chúng tôi phải chịu đựng sức nặng đời sống xã hội nhiều hơn; một xã hội mà không phải lúc nào cũng đáp ứng tất cả các nhu cầu liên quan đến công việc và chăm sóc người khác. Và điều này tạo ra khả năng phục hồi và cả sự sáng tạo. Tôi nghĩ đó là tất cả các nguồn lực có sẵn, nhưng để cải thiện tất cả mọi người.

Tôi nghĩ về chủ đề công việc và chăm sóc. Ngày nay chúng ta đang nhận ra tầm quan trọng và những gì định nghĩa chúng ta như là những con người, phẩm giá của lao động nhưng cũng là chiều kích của việc chăm sóc lẫn nhau. Tất cả điều này đã được giao cho phụ nữ, cho cá nhân. Tại thời điểm này, các gia đình đều ở nhà, mọi người, cha mẹ và con cái được kêu gọi quản lý mọi sự. Chúng ta cũng bắt đầu thấy một sự phân chia công việc và nhiệm vụ chăm sóc khác nhau. Và rồi, những gì phụ nữ đã có thể tạo ra cho đến nay, có lẽ có thể được đưa trở lại trong các lĩnh vực để toàn nhân loại học hỏi giá trị của việc chăm sóc kết hợp với công việc.

Kinh tế Phanxicô” dự kiến diễn ra vào tháng 11, cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các học giả trẻ và các nhà điều hành kinh tế do Đức Thánh Cha triệu tập. Rõ ràng, tên của sự kiện này có liên quan đến Vị Thánh của Assisi, mẫu gương tuyệt vời về chăm sóc những người bé nhỏ và một hệ sinh thái toàn diện, nhưng cũng đề cập đến các bài viết và phát biểu của Đức Thánh Cha. Có phải Đức Thánh Cha thường mời mọi người tạo ra một mô hình kinh tế mới, chăm sóc các căn bệnh của nền kinh tế thế giới?

Vâng đúng vậy, trong thư mời tham gia sự kiện kinh tế này, Đức Thánh Cha đã đưa ra một sứ điệp, mời gọi các bạn trẻ gặp lại nhau vì một hiệp ước có khả năng thay đổi nền kinh tế hiện tại và mang lại một linh hồn cho kinh tế tương lai. Rõ ràng đây là một điểm tham chiếu cho chúng tôi, những người đang chuẩn bị sự kiện này. Hình ảnh đôi tay của Thánh Phanxicô ôm lấy người phung cùi đã làm thay đổi cuộc đời và câu chuyện cuộc đời Thánh nhân. Chúng tôi nói với nhau rằng điều này phải là mục tiêu của “Kinh tế Phanxicô”, trong một cách thức có một cái ôm này với người phung cùi, người nghèo không bị loại ra ngoài lịch sử, người nghèo có thể được đặt ở trung tâm. Chúng tôi đang chuẩn bị theo cách này và quá trình liên quan đến “Kinh tế Phanxicô” đã bắt đầu. Với hai ngàn bạn trẻ và những người lớn đã sẵn sàng, chúng tôi đang làm việc tại 12 ngôi làng theo chủ đề được xác định để bắt đầu đưa ra các đề xuất nhằm thay đổi nền kinh tế. Tôi phải nói rằng tôi đang làm quen với các bạn trẻ thực sự thông minh, vững chãi từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi gặp nhau, làm việc để có thể đưa ra các đề xuất. Tôi tin rằng đây cũng là một hoa trái tốt của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ. Có những người trẻ có khả năng đóng góp và tôi tin cùng với các nhà kinh tế vĩ đại, những bạn trẻ này sẽ có thế đưa ra những đề xuất sáng tạo để tương lai mà chúng ta đang chuẩn bị, bắt đầu từ đại dịch này thực sự là khoảng thời gian không uổng phí.

Ngọc Yến – Vatican News