06/10/2024

Tông huấn hậu thượng Hội đồng giám mục về Amazon lần theo những bước đường mới về loan báo Tin Mừng, chăm sóc môi trường và về người nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng có một thúc đẩy truyền giáo mới và khuyến khích vai trò của giáo dân trong các cộng đoàn Giáo hội.

“Amazon yêu dấu tỏ mình ra trước thế giới với tất cả sự lộng lẫy, kịch tính, huyền bí của nó”. Đây là câu khởi đầu của Tông huấn hậu Thượng hội đồng, Querida Amazonia. Đức Thánh Cha, trong những số đầu tiên, (2-4) giải thích “ý nghĩa của Tông huấn này” với nhiều tham chiếu đến tài liệu của các Hội đồng Giám mục của các quốc gia vùng Amazon và cả thơ ca của các tác giả liên quan đến Amazon nữa. Điều này nói lên ước muốn “diễn tả sự cộng hưởng” mà Thượng hội đồng đã gợi lên nơi ngài. Rõ ràng rằng ngài không muốn thay thế, cũng không muốn lặp lại Bản văn chung kết mà ngài mời đọc toàn bộ.

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ những “ước mơ về Amazon” (5-7), miền đất mà tất cả mọi người phải quan tâm về số phận của nó bởi vì miền đất này cũng là “của chúng ta”. Tông huấn bao gồm “bốn ước mơ lớn”: (1) Amazon “đấu tranh cho quyền của những người nghèo nhất”, (2) “bảo vệ sự phong phú văn hóa”, (3) “hăng say gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu”, và (4) cuối cùng, các cộng đoàn Kitô giáo cũng “có khả năng dấn thân và nhập thể vào Amazon”.

Ước mơ xã hội: Giáo hội đứng về phía những người bị áp bức

Chương đầu tiên của tông huấn Querida Amazonia – Amazon Yêu quý – tập trung vào “ước mơ xã hội” (số 8). Ngài nhấn mạnh rằng “một lối tiếp cận sinh thái thực sự” cũng là “một lối tiếp cận xã hội”. Và trong khi đánh giá cao “cuộc sống tốt đẹp” của người dân bản địa, ngài cũng cảnh báo về “chủ nghĩa bảo tồn” chỉ quan tâm đến môi trường. Với lời văn mạnh mẽ, ngài đề cập đến “sự bất công và tội ác” (số 9-14). Ngài nhớ lại rằng Đức Biển Đức XVI đã tố cáo “sự tàn phá môi trường của Amazon”. Các dân tộc bản địa phải bị ép “trở thành nô lệ” do bởi các quyền lực địa phương cũng như bên ngoài. Đối với Đức Giáo hoàng, các hoạt động kinh tế gây nên tàn phá, giết chóc, tham nhũng, thì xứng đáng với tên gọi “bất công và tội ác”. Và cùng với Đức Gioan Phaolô II, ngài nhắc lại rằng toàn cầu hóa không được trở thành chủ nghĩa thực dân mới.

Ước gì người nghèo được lắng nghe nơi tương lai của Amazon

Đối diện với quá nhiều bất công, Đức Thánh Cha yêu cầu “sự phẫn nộ và cầu xin sự tha thứ” (số 15-19). Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “mạng lưới liên đới và phát triển” là cần thiết và ngài kêu gọi sự dấn thân của tất cả mọi người, bao gồm cả những nhà lãnh đạo chính trị. Do đó, Đức Thánh Cha tập trung vào chủ đề “ý thức cộng đồng” (số 20-22). Ngài nhắc nhớ rằng đối với người dân Amazon, các mối quan hệ con người “thấm nhuần từ thiên nhiên xung quanh”. Vì thế, họ thực sự bị “bật rễ” khi bị “buộc phải di cư ra thành phố”.

Phần cuối của chương đầu tiên dành riêng để nói về “các tổ chức thoái hoá” (23-25) và “đối thoại xã hội” (26-27). Đức Giáo hoàng tố cáo tội ác tham nhũng đầu độc nhà nước và các tổ chức của nó. Và ngài hy vọng rằng Amazon sẽ trở thành “một nơi đối thoại xã hội”, trước hết với “những người rốt hết”. Ngài khuyến cáo rằng tiếng nói của người nghèo phải là “tiếng nói mạnh mẽ nhất” về Amazon.

Ước mơ văn hóa: chăm sóc khối đa diện Amazon

Chương thứ hai dành riêng cho “ước mơ văn hóa”. Đức Thánh Cha Phanxicô ngay lập tức nói rõ rằng “thăng tiến Amazon” không có nghĩa là “thực dân hóa về văn hóa” (số 28). Do đó, ngài trích dẫn một hình ảnh mà ngài yêu thích: “khối đa diện Amazon” (ss. 29-32). Cần đấu tranh với loại “thực dân hóa hậu hiện đại”. Đối với Đức Phanxicô, cần cấp thiết “gìn giữ những cội nguồn” (ss. 33-35). Trưng dẫn hai tài liệu Laudato sì, và Christus vivit, ngài nhấn mạnh rằng “lối nhìn tiêu thụ của con người” có xu hướng “làm cho các văn hóa trở nên đồng nhất” và điều này tác động đặc biệt đến những người trẻ. Đức Thánh Cha mời gọi họ “lãnh lấy trách nhiệm về cội nguồn”, “phục hồi ký ức bị thương tích”.

Nói không với chủ nghĩa bản địa đóng kín, cần sự gặp gỡ liên văn hóa

Tông huấn tập trung vào “cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa” (ss. 36-38). Ngay cả “các nền văn hóa rõ ràng tiên tiến hơn” cũng có thể học hỏi từ những dân tộc “đã phát triển một kho tàng văn hóa nhờ liên kết với thiên nhiên”. Do đó, sự đa dạng không phải là “một ranh giới” mà là “một cây cầu” và nói không với “chủ nghĩa bản địa hoàn toàn đóng kín”.

Phần cuối của chương II dành riêng cho chủ đề “các nền văn hóa bị đe dọa, các dân tộc đứng trước nguy cơ” (ss. 39-40). Đức Thánh Cha khuyến nghị: Trong bất kỳ dự án nào cho Amazon cũng “cần phải đặt trong cái nhìn về quyền của các dân tộc”. Những điều này “khó có thể được bảo tồn khỏi thương tổn” nếu môi trường, nơi họ được sinh ra và phát triển bị “xấu đi”.

Ước mơ sinh thái: kết hợp chăm sóc môi trường và chăm sóc cá nhân

Chương thứ ba, “Một giấc mơ sinh thái”, là chương kết nối trực tiếp nhất với Thông điệp Laudato sì. Phần giới thiệu (ss. 41-42) nhấn mạnh rằng tại Amazon có mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên. Ngài nhắc lại: Chăm sóc anh chị em chúng ta như Chúa chăm sóc chúng ta, đó “là hệ sinh thái đầu tiên chúng ta cần”. Chăm sóc môi trường và chăm sóc người nghèo là hai điều “không thể tách rời nhau”.

Kế đến, Đức Thánh Cha Phanxicô chú ý đến “giấc mơ liên quan đến nước” (ss. 43-46). Ngài trích dẫn nhà thơ Pablo Neruda và các nhà thơ địa phương khác về sức mạnh và vẻ đẹp của sông Amazon. Với những bài thơ của họ, ngài viết, “họ giúp chúng ta giải phóng bản thân khỏi mô hình duy công nghệ và tiêu thụ làm nghẹt thở thiên nhiên”.

Lắng nghe tiếng kêu của Amazon, sự phát triển bền vững

Đối với Đức Thánh Cha, việc nghe “tiếng kêu của Amazon” là rất cấp bách (ss. 47-52). Ngài nhắc rằng sự cân bằng của hành tinh phụ thuộc vào sức khỏe của nó. Ngài viết: Có những lợi ích lớn lao không chỉ địa phương, mà cả quốc tế. Do đó, giải pháp đưa ra không phải là “quốc tế hóa” Amazon; nhưng phải tăng “trách nhiệm của các chính phủ các nước”.

Sự phát triển bền vững đòi hỏi rằng người dân phải luôn được thông báo về các dự án liên quan đến họ và hy vọng tạo ra “một hệ thống quy định” với “những giới hạn bất khả vi phạm”. Do đó, ngài mời gọi hãy lắng nghe “lời tiên tri của chiêm niệm” (53-57). Bằng cách lắng nghe những người bản địa, chúng ta có thể yêu Amazon “và không chỉ sử dụng nó”; chúng ta có thể tìm thấy trong nó “một nơi thần thiêng, một không gian nơi Thiên Chúa tỏ mình và kêu gọi con cái mình”.

Phần cuối của Chương III tập trung vào “giáo dục và thói quen sinh thái” (ss. 58-60). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sinh thái học không phải là một vấn đề kỹ thuật, nhưng luôn bao gồm “một khía cạnh giáo dục”.

Ước mơ Giáo hội: phát triển một Giáo hội với khuôn mặt Amazon

Chương cuối cùng, đầy đủ nhất, dành nói về, cách “trực tiếp hơn”, các mục tử và tín hữu Công giáo,và  tập trung vào “giấc mơ Giáo hội”. Đức Thánh Cha mời chúng ta “phát triển một Giáo hội với khuôn mặt Amazon” thông qua một “cuộc loan báo tin mừng vĩ đại” (s. 61), một “cuộc loan báo không thể thiếu tại Amazon” (ss. 62-65). Đối với Đức Thánh Cha, chỉ mang “thông điệp xã hội” thôi thì không đủ. Những dân tộc này có “quyền được nghe loan báo Tin Mừng”, nếu không thì “mọi cấu trúc Giáo hội sẽ trở thành” một tổ chức phi chính phủ.

Kế đến, một phần đáng kể được dành cho đề tài hội nhập văn hoá. Lấy lại Hiến chế Gaudium et spes, ngài nói về sự “hội nhập văn hoá” (66-69) như một quá trình mang lại “sự trọn vẹn dưới ánh sáng Tin mừng” cho những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa của Amazon.

Một sự canh tân hội nhập văn hoá của Tin Mừng ở Amazon

Đức Thánh Cha chú ý hơn đến chiều sâu khi chỉ ra “những cách thức hội nhập văn hoá tại Amazon” (ss.70-74). Các giá trị tồn tại trong những cộng đoàn bản địa phải được chú ý đến “trong việc loan báo Tin Mừng”.

Trong hai đoạn kế tiếp, ngài tập trung vào “sự hội nhập văn hoá về xã hội và thiêng liêng” (ss. 75-76). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, với điều kiện nghèo khổ của nhiều cư dân tại Amazon, sự hòa nhập phải có “dấu ấn xã hội mạnh mẽ”. Tuy nhiên, đồng thời, chiều kích xã hội phải được kết hợp với chiều kích thiêng liêng.

Để các bí tích có thể đến với mọi người, đặc biệt là những người nghèo

Tông huấn chỉ ra “điểm xuất phát cho sự một thánh thiện của Amazon” (ss. 77-80) không được sao chép “những khuôn mẫu từ những nơi khác”. Ngài nhấn mạnh rằng “có thể đón nhận một cách nào đó một biểu tượng bản địa, mà không nhất thiết phải coi nó như là thờ thần tượng”. Ngài nói thêm, có thể nhận ra giá trị một huyền thoại với “ý nghĩa thiêng liêng” mà không coi đó là “một lỗi ngoại đạo”. Điều tương tự cũng áp dụng đối với một số ngày lễ tôn giáo “chứa đựng một ý nghĩa thánh thiêng”, mặc dù đòi hỏi một “quá trình thanh tẩy”.

Một đoạn quan trọng khác của Tông huấn là sự hội nhập văn hoá về phụng vụ (ss. 81-84). Đức Thánh Cha lưu ý rằng Công đồng Vaticanô II đã yêu cầu một nỗ lực “hội nhập văn hoá về phụng vụ nơi các dân tộc bản địa”. Ngài cũng nhắc nhớ rằng tại Thượng hội đồng “đề xuất soạn thảo một nghi lễ Amazon đã được đưa ra”. Ngài thúc giục: Các bí tích “phải có thể được tiếp cận, đặc biệt là cho người nghèo”. Nhắc lại tông huấn Amoris laetitia, ngài nhấn mạnh rằng Giáo hội không thể biến mình thành một “cửa hải quan”.

Xin các giám mục Mỹ Latinh gửi các nhà truyền giáo đến Amazon

Liên kết với điều này là chủ đề “sự hội nhập văn hoá về sứ vụ” (ss. 85-90) đòi Giáo hội phải đưa ra một câu trả lời “can đảm”. Đối với Đức Thánh Cha, “việc cử hành Thánh Thể thường xuyên hơn” phải được đảm bảo. Về vấn đề này, ngài nhắc lại, điều quan trọng là “xác định những điều cụ thể hơn về linh mục”. Câu trả lời là nơi bí tích Chức Thánh của linh mục quy định rằng chỉ có linh mục cử hành Thánh Thể. Như thế, làm thế nào để “đảm bảo sứ vụ linh mục” nơi những vùng xa xôi? Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả các giám mục, đặc biệt là những vị ở châu Mỹ Latinh, “hãy quảng đại hơn”, định hướng cho những người “tỏ ra có ơn gọi truyền giáo” chọn Amazon và ngài mời các giám mục xem xét lại việc huấn luyện các linh mục.

Ủng hộ vai chính của giáo dân trong các cộng đoàn

Sau các bí tích, tông huấn Querida Amazonia tập trung vào “các cộng đoàn tràn đầy sức sống” (ss. 91-98), trong đó giáo dân phải đảm nhận những “trách nhiệm quan trọng”. Thật vậy, đối với Đức Thánh Cha, đây không phải là vấn đề “chỉ liên quan đến sự hiện diện nhiều hơn của các thừa tác viên có chức thánh”. Mục tiêu sẽ “bị giới hạn” nếu không khơi dậy “một cuộc sống mới trong cộng đoàn”. Do đó, “những việc phục vụ của giáo dân” rất cần thiết. Chỉ khi giáo dân đóng vai chính, thì Giáo hội mới có thể đáp lại được “những thách thức của Amazon”. Đối với Đức Thánh Cha, những người tận hiến cũng có một vị trí đặc biệt, đồng thời ngài cũng nhắc lại vai trò của các cộng đoàn căn bản, những người bảo vệ các quyền xã hội và đặc biệt khuyến khích các hoạt động của REPAM và của “các nhóm truyền giáo lưu động”.

Không gian mới cho phụ nữ, mà không phải chức thánh

Đức Thánh Cha dành một vị trí đặc biệt nói về sức mạnh và món quà của phụ nữ (ss. 99-103). Ngài thừa nhận rằng một số cộng đồng ở Amazon tự hỗ trợ mình chỉ “nhờ sự hiện diện của những người phụ nữ mạnh mẽ và quảng đại”. Nhưng ngài cảnh báo rằng “Giáo hội không được giảm thiểu thành những cấu trúc chức năng”. Vì nếu như thế thì vai trò của họ chỉ có thể được thấy nếu họ có chức thánh. Đối với Đức Thánh Cha, việc phong chức cho phụ nữ bị từ chối nhưng thay vào đó là đón nhận sự đóng góp theo cách phụ nữ, nối dài “sức mạnh và sự dịu dàng của Đức Maria”. Ngài khuyến khích các hình thức phục vụ mới của phụ nữ, với sự công nhận của các giám mục, ảnh hưởng đến các quyết định cho các cộng đoàn.

Kitô hữu cùng nhau đấu tranh bảo vệ người nghèo ở Amazon

Đối với Đức Thánh Cha, chúng ta phải “mở rộng tầm nhìn vượt lên những xung đột” (ss. 104-105) và để mình bị Amazon thách thức để “vượt qua những tầm nhìn giới hạn” vốn “vẫn còn bị đóng khung từng phần”. Chương IV kết thúc với chủ đề “cùng chung sống đại kết và liên tôn” (106-110). Đức Thánh Cha mời các tín hữu “tìm không gian để đối thoại và hành động cùng nhau vì lợi ích chung”. Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Sao chúng ta không thể cùng nhau chiến đấu? Sao chúng ta không thể cầu nguyện cùng nhau và làm việc cùng nhau để bảo vệ người nghèo của Amazon”?

Trao phó Amazon và các dân tộc cho Đức Maria

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận tông huấn Querida Amazonia bằng lời cầu nguyện với Đức Mẹ của Amazon (111). “Lạy Mẹ, xin nhìn đến những người nghèo của Amazon bởi vì ngôi nhà của họ bị phá hủy vì những lợi lộc nhỏ nhen (…) đụng đến sự nhạy cảm của những quyền lực bởi vì, dù chúng con cảm thấy đã muộn, Mẹ đang kêu gọi chúng con cứu lấy những gì còn đang sống”.

 

Bài tóm của Alessandro Gisotti – Vatican News