10/09/2024

“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28)

12/10/2019 – Thứ Bảy Tuần 27 TN

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

Sách Tiên Tri Gioel Ge 4:12-21

“Các dân nước hãy bắt đầu di chuyển, tiến lên cánh đồng Giô-sa-phát, vì tại đó Ta sẽ ngự toà xét xử mọi dân nước chung quanh. Các ngươi hãy tra liềm vào, vì đã tới mùa lúa chín. Hãy đến mà đạp nho vì bồn ép đã đầy, bồn chứa đã trào ra, vì sự gian ác của chúng quá nhiều.” Đoàn này nối tiếp đoàn kia trong cánh đồng Chung Thẩm, vì Ngày của ĐỨC CHÚA đã gần kề, trong cánh đồng Chung Thẩm. Trong ngày của ĐỨC CHÚA, mặt trời mặt trăng mờ tối đi, các vì sao chẳng còn chiếu sáng. Từ Xi-on ĐỨC CHÚA gầm lên, từ Giê-ru-sa-lem tiếng Người vang dội, trời và đất chuyển rung. Nhưng ĐỨC CHÚA là nơi cho dân Người nương náu, là nơi trú ẩn cho con cái Ít-ra-en. “Bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các ngươi, Đấng ngự tại Xi-on, núi thánh của Ta. Giê-ru-sa-lem sẽ là nơi thánh, người ngoại quốc sẽ chẳng còn qua đó nữa.” Ngày ấy, núi non sẽ tiết ra nước nho, đồi nương sẽ chảy sữa tràn trề, từ mọi khe suối Giu-đa, nước sẽ tuôn trào cuồn cuộn. Một mạch nước từ Nhà ĐỨC CHÚA sẽ vọt ra tưới thung lũng Sít-tim. Ai-cập sẽ nên chốn hoang tàn, Ê-đôm sẽ trở thành sa mạc hoang vu, vì chúng đã dùng bạo lực sát hại con cái Giu-đa : chúng đã đổ máu người vô tội trên đất của họ. Nhưng Giu-đa sẽ có người ở mãi mãi, Giê-ru-sa-lem sẽ có người ở đến muôn đời. Ta sẽ trả thù cho máu của họ, Ta sẽ không bỏ qua mà không trừng phạt chúng.” ĐỨC CHÚA ngự tại Xi-on.

Tin Mừng: Lc 11, 27-28

Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay lòng dạ đã cưu mang và cho Thầy bú mớn! Nhưng Người đáp lại: “Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Suy Niệm

Trong bài đọc Tin Mừng ngắn gọn hôm nay, chúng ta nghe thấy từ “phúc.” Nó chỉ về một trạng thái tốt lành tinh thần, trong đó chúng ta trải nghiệm được niềm vui đích thực trong linh hồn, nhưng nó cũng có nghĩa là “được tôn trọng” hay “được kính trọng”. Vậy ai là những người muốn được gọi là có phúc? Câu trả lời của Đức Giêsu là rõ ràng và trực tiếp: “Phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28). Những lời này của Đức Giêsu mở đường cho chúng ta suy tư về ơn gọi truyền giáo của chúng ta. Ý nghĩa sâu hơn của việc lắng nghe lời Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta nhờ một hình ảnh mà một số ngôn sứ Cựu Ước cống hiến cho chúng ta. Ngôn sứ Êdêkien được lệnh: “Hỡi con người, thấy gì, cứ việc ăn! Hãy ăn cuộn sách này… Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy” (Ed 3:1-2). Ngôn sứ Giêrêmia nói: “Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con” (Gr 15:16). Nghiêm túc lắng nghe lời Thiên Chúa có nghĩa là “ăn lời ấy”, suy niệm lời ấy, ở trong lời ấy, giữ lời ấy trong lòng mình. Nó cho phép lời ấy ăn rễ sâu trong lòng chúng ta lớn lên trong ý thức của chúng ta, để thách thức các giá trị và các thái độ của chúng ta. Cuộc sống chúng ta và tình yêu của Thiên Chúa đan quyện vào nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta liên lỷ phó thác cho Thiên Chúa, một thái độ không phải đơn giản hay tự động. Ăn lời Thiên Chúa theo lời của ngôn sứ là chỉ về việc ăn bàn tiệc Thánh Thể.

Phần thứ hai trong lời cảnh báo của Đức Giêsu tập trung vào việc sống lời của Thiên Chúa.Nó đòi hỏi chúng ta một sự dấn thân để đem lời Chúa ra thực hành, tuân giữ các giới luật của lời Thiên Chúa, biến tình yêu Thiên Chúa thành hành động cụ thể, đưa sứ điệp của Thiên Chúa vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Mặc dù công việc này mang một chiều kích cá nhân, nó cũng bao hàm một sự dấn thân xã hội mạnh mẽ. Chúng ta có thể lấy nguồn cảm hứng từ lời của Thánh Giacôbê: “Tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2:18), và chúng ta có thể thêm: và tôi sẽ cho bạn thấy tôi đã nghe lời Thiên Chúa như thế nào.

Trong thời gian gần đây, các Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa “nghe” lời Thiên Chúa và “đem lời Thiên Chúa ra thực hành”; chúng ta phải là những “người nghe” và đồng thời là những “người làm”. Việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi cả việc chiêm niệm và hành động cụ thể. Chúng ta phải nhớ lại lời thách thức của Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi: “Người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các người này cũng là những chứng nhân” (EN 41).

Đọc kỹ Tân Ước sẽ cho chúng ta thấy rằng người đầu tiên xứng đáng được vinh danh là người “có phúc” không ai khác hơn là chính Đức Maria. Luca khi mô tả cảnh Đức Maria đi thăm bà Êlisabét (1:41-45), đã ghi nhận rằng “bà Êlisabét, được đầy Thánh Thần, đã kêu lớn tiếng rằng “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Mẹ Maria được chúc phúc vì đã tin. Mẹ tin vào lời Thiên Chúa nói qua miệng sứ thần. Mẹ tin và nói lời thưa fiat vô điều kiện với Thiên Chúa.

Rõ ràng các lời của Đức Giêsu có ý ám chỉ về Đức Trinh Nữ Maria. Các câu 27 và 28 là những câu ám chỉ rõ ràng về Mẹ của Người, như là một gương mẫu không thể tranh cãi về thái độ mà một người môn đệ phải có khi đón nhận Lời (x. Lc 2:16-21), vì chỉ một vài câu trước đó, Tin Mừng Lc nói rằng Đức Maria “giữ kỹ mọi điều ấy, và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). “Giữ kỹ” ở đây là bảo tồn, giữ gìn trong ký ức, và luôn luôn bao hàm sự chú tâm và trách nhiệm. Nhưng Đức Maria, ngoài việc “giữ kỹ” những điều ấy, Người còn suy niệm chúng trong lòng; nghĩa là, Người cố gắng nắm bắt ý nghĩa thực sự của những chuyện đang xảy ra.

Không được hiểu bài Tin Mừng hôm nay như một lời của Đức Giêsu chối bỏ Mẹ của mình; đúng hơn, nó nhấn mạnh rằng việc chú ý lắng nghe Lời của Thiên Chúa với đức tin thì quan trọng hơn một mối quan hệ ruột thịt với Đức Giêsu. Cùng một lời khẳng định như thế được thấy trong các đoạn Tin Mừng khác (x. Mt 12:18; Mc 3:33; và Lc 8:21), trong đó Đức Giêsu hỏi, “Ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi?” Rõ ràng Đức Giêsu muốn chỉ ra tầm quan trọng của việc đón nhận và vâng theo lời của Thiên Chúa.

Một đoạn từ Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vaticanô II dạy rằng, “Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con mình, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín. Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó” (LG 58).

Đức Maria như một môn đệ trung thành sống cuộc lữ hành đức tin của mình là một hình ảnh khơi dậy sự nhạy cảm của những con người hiện đại và sự hiểu biết của Hội Thánh trong ơn gọi làm môn đệ của mình. Trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hai lần trích lời của Đức Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Redemptor Ma- ter: “Đức Maria là người phụ nữ đầy đức tin, sống và tiến bước trong đức tin, và ‘cuộc lữ hành đức tin phi thường của Mẹ biểu thị một điểm quy chiếu cho Hội Thánh’. Đức Maria để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong hành trình đức tin hướng tới sứ mạng phục vụ và sinh hoa kết quả. Ngày nay chúng ta hướng về Mẹ và xin Mẹ giúp chúng ta loan báo sứ điệp cứu độ cho mọi người và giúp những người mới trở thành môn đệ đến lượt họ cũng trở thành những người loan báo Tin Mừng… ‘Và đây chính là cách mà Đức Maria trong suốt nhiều năm đã sống trong sự thân mật với mầu nhiệm Con của ngài, và tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin của ngài’” (EG 287).

Chúng ta biết rằng một phần cần thiết và thậm chí không thể thiếu của việc chia sẻ Tin Mừng là cung cấp thông tin. Nhưng đó không phải là yếu tố đầu tiên, cũng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Chia sẻ Lời không chủ yếu hệ tại việc nói ra, nhưng ở việc làm chứng. Luca trình bày niềm xác tín này một cách nhất quán trong câu chuyện kể về việc Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ của ông đến hỏi Đức Giêsu xem Người có phải là Đấng Mêsia không (x. Lc 7:18tt). Thay vì cho một câu trả lời, Đức Giêsu nêu cho họ một bằng chứng không thể chối cãi, bằng cách chỉ ra những hệ quả của việc Nước Thiên Chúa đã đến. Theo sau câu hỏi của hai môn đệ, sách Tin Mừng kể: “Chính giờ ấy, Ðức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy” (Lc 7:21). Niềm vui sâu xa nhất của Tin Mừng Đức Giêsu mang đến không nằm ở bình diện của những gì có thể nói ra trên lý thuyết, nhưng ở những hệ quả hiện sinh của Tin Mừng. Cho nên, cần có những môn đệ muốn mở lòng lắng nghe và quảng đại sống Lời ấy, giống như Đức Trinh Nữ Maria.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng