06/10/2024

Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị đàn áp nhất trên toàn thế giới, nhưng sự giả hình, tính toán chính trị và sự thiếu hiểu biết vấn đề đã ngăn cản cộng đồng quốc tế có phản ứng toàn diện đối với bạo lực lan tràn chống lại họ.

 

 

 

Đó là nhận định của một số tham dự viên cuộc hội thảo về đề tài “Tái thiết cuộc sống, xây dựng lại cộng đồng: Đảm bảo tương lai cho các Kitô hữu bị bách hại”, được tổ chức cùng với tuần lễ cấp cao của phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc.

Theo số liệu được các tham dự viên đưa ra, 80% số người thiệt mạng vì niềm tin tôn giáo của họ là Kitô hữu và số Kitô hữu bị tổn thương hoặc di tản đang gia tăng. Trong năm 2018, 4.100 Kitô hữu đã bị giết vì niềm tin của họ tại 50 quốc gia, trung bình mỗi tháng có 250 Kitô hữu bị giết.

“Cuộc diệt chủng kế tiếp sẽ là diệt chủng Kitô hữu”

Bộ trưởng ngoại giao của Philippines, ông Teodoro Lopez Locsin, nói rằng những cái chết của Kitô hữu là “lễ vật của Tây phương dâng cho Đông phương đầy dầu khí.” Ông khẳng định: “Cuộc diệt chủng kế tiếp sẽ là diệt chủng Kitô hữu” dù rằng nhiều cường quốc lớn nhất thế giới tuyên xưng mình là Kitô giáo hoặc có một di sản Kitô giáo.

Kitô hữu dường như ngại kêu gọi sự chú ý đến tình trạng bách hại các Kitô hữu

Peter Szijjarto, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary, tố cáo chính trường quốc tế phớt lờ việc các Kitô hữu bị đàn áp. Ông nói rằng thật đáng tiếc khi mà các nhà lãnh đạo Hồi giáo hăng hái nói về hoàn cảnh của những người bị ngược đãi, các Kitô hữu dường như rất ngại khi kêu gọi sự chú ý đến bạo lực chống lại các Kitô hữu, vì tôn giáo chỉ được xem là một vấn đề địa phương chứ không phải là vấn đề toàn cầu.

Cần có quyết tâm chính trị và hành động cụ thể

Các tham dự viên nói rằng phản ứng với bạo lực chống lại Kitô hữu phải bao gồm cả quyết tâm chính trị và hành động cụ thể. Ông Szijjarto cho biết Hungary là một quốc gia Kitô giáo trong hơn 1.000 năm và cảm thấy có trách nhiệm đối với cộng đồng Kitô giáo trên toàn thế giới. Kể từ năm 2017, nước này đã cung cấp 40 triệu đô la để giúp đỡ các Kitô hữu bị đàn áp ở Trung Đông. Ông nói rằng viện trợ trực tiếp đã được trao cho các giám mục Công giáo mong muốn giúp đỡ các Kitô hữu ở lại nhà của họ và khuyến khích những người lưu vong trở về.

Sự hồi hương của Kitô hữu ở Ninivê

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết việc các Kitô hữu trở về bình nguyên Ninive “là một dấu hiệu cho thấy sự ác không là phán quyết cuối cùng. Đây cũng là một nhân chứng mạnh mẽ về tầm quan trọng của sự hiện diện Kitô giáo ở Trung Đông, nơi Kitô giáo có nguồn gốc lịch sử sâu sắc nhất và là nguồn gốc cơ bản của hòa bình, ổn định và đa nguyên trong nhiều thế kỷ.” Theo ĐHY, cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo sự trở lại của Kitô hữu và đảm bảo triển vọng lâu dài cho hòa bình tại quê nhà của họ. (CNS 27/9/2019)

Hồng Thủy – Vatican