GIÁO PHẬN MỸ THO: THƯ MÙA CHAY 2020
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15)
Kính gửi: Quý Cha, Tu sĩ, Chủng sinh, Anh chị em giáo dân trong Giáo phận
Năm nay, người Công giáo bước vào Mùa Chay thánh trong lúc cả thế giới âu lo trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, gọi tắt là Covid-19. Phải chăng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đây là “dấu chỉ thời đại” (Mt 16,1-3), qua đó Thiên Chúa muốn gửi cho chúng ta sứ điệp của Ngài? Phải chăng đây là thời điểm cần lắng nghe cách khẩn thiết hơn lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”? Từ quan điểm đức tin Công giáo, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ về đời sống thiêng liêng của chúng ta.
- Rõ ràng dịch bệnh Covid-19 là dịch bệnh hết sức nguy hiểm. Số người nhiễm bệnh và số tử vong gia tăng từng ngày. Đến hôm nay, 22-02-2020, số người nhiễm bệnh đã là hơn 76.000 và số tử vong là hơn 2.200 người. Không chỉ nguy hiểm cho người dân Trung Quốc nhưng dịch bệnh còn lan rộng đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cũng không chỉ là tác động trên cá nhân người nhiễm bệnh nhưng còn tác động trên toàn bộ đời sống xã hội: kinh tế sa sút, sản xuất và buôn bán đình trệ, trường học đóng cửa… Covid-19 còn nguy hiểm nữa vì nó giống như kẻ thù vô hình, mắt thường không nhìn thấy, kể cả các nhà khoa học cũng chưa xác định rõ, vì thế gây hoang mang và sợ hãi cho mọi người. Đồng thời, so với các dịch bệnh trước đây như SARS hay MERS, tuy Covid-19 không gây tỉ lệ tử vong cao, nhưng lại lây lan nhanh hơn nhiều.
Trên bình diện thiêng liêng, những ghi nhận trên làm cho chúng ta liên tưởng đến sự tàn phá của tội lỗi, nhất là những mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, làm biếng. Kinh Thánh tràn ngập những câu chuyện về sức tàn phá của tội lỗi. Hãy nhớ đến câu chuyện vua Đavít vì ham mê sắc dục nên đã cướp đoạt vợ người khác, rồi dùng thủ đoạn để giết chết ông chồng, cũng là vị tướng có công với đất nước, dẫn đến sự lung lay của vương triều (2Sam chương 11-12). Hãy nhớ đến câu chuyện ông Giuđa vì ham mê tiền của mà nộp Thầy, bán cả tình nghĩa thầy trò bằng nụ hôn giả dối (Mt 26, 47-56). Chuyện đời xưa nhưng cũng là chuyện ngày nay vì ngày nay vẫn thế, tội lỗi đã và đang tàn phá cuộc đời biết bao người trẻ, hủy hoại hạnh phúc của biết bao gia đình, dẫn đến đủ thứ tội ác trong đời sống xã hội.
Tội lỗi nguy hiểm vì nó không xuất hiện như điều gì đáng ghét, trái lại luôn xuất hiện với dáng vẻ cực kỳ hấp dẫn, đáng yêu. Kinh Thánh mô tả thế nào về bà Eva bị cám dỗ trong vườn địa đàng? “Người đàn bà thấy trái cây đó, ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn”; trái cấm thật hấp dẫn nhưng đằng sau đó là ma quỷ (St 3,6)! Vì ma quỷ xuất hiện dưới dáng vẻ đáng yêu như thế nên chúng ta rất dễ sa bẫy. Tội lỗi còn nguy hiểm nữa vì nó lây lan nhanh. Do ảnh hưởng nguyên tội, con người chiều theo đường xấu, nên cái xấu thường lan nhanh hơn điều tốt. Những trang web đen và bạo lực dễ dàng thu hút hàng triệu người xem, còn Tin Mừng Bát phúc của Chúa Giêsu vẫn chỉ là “con đường ít ai đi”.
- Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân được nhắc nhở về việc đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và đúng cách sau khi tiếp xúc với vật dụng hay bề mặt có nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, bàn phím, thang máy…Đồng thời chính quyền sử dụng biện pháp cách ly những người có dấu hiệu nhiễm bệnh, để khoanh vùng dịch, tránh lây lan cho nhiều người khác.
Cũng thế, nếu ý thức được mối nguy hiểm và sự tàn phá của tội lỗi, chúng ta cần phải phòng chống tội lỗi. Theo kinh nghiệm lâu đời của mình, Hội Thánh đưa ra nhiều lời khuyên đạo đức để giúp thực hiện điều này, cụ thể nhất là tránh xa dịp tội. Trong Kinh Ăn năn tội, chúng ta vẫn đọc: “Nhờ ơn Chúa giúp, con sẽ tránh xa dịp tội và làm việc đền tội cho cân xứng”. Dịp tội là những hoàn cảnh bên ngoài (không gian, thời gian, sự vật, con người) khiến chúng ta dễ bị cám dỗ phạm tội. Không tránh xa những dịp đó thì khó lòng tránh được tội lỗi. Vì thế, cần phải tránh xa dịp tội, nhất là những dịp tội gần. Mỗi người cần xét xem đâu là những tội mình hay phạm, hoàn cảnh nào khiến mình dễ sa ngã phạm tội đó, từ đó cố gắng xa tránh dịp tội.
- Cùng với việc phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 bằng những biện pháp bên ngoài như đeo khẩu trang và rửa tay sát trùng, các bác sĩ còn khuyên người dân phải tăng sức đề kháng bên trong, nghĩa là tăng cường dinh dưỡng để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, nâng cao thể trạng. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, để chống lại tội lỗi, cần phảităng sức đề kháng thiêng liêng. Ngay từ đầu Mùa Chay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta phương thế tăng cường sức đề kháng thiêng liêng là cầu nguyện, chay tịnh, làm việc bác ái (Mt 6,1-18).
Cầu nguyện : Ai trong chúng ta cũng có trải nghiệm như Thánh Phaolô diễn tả: “Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, điều tôi ghét thì tôi lại làm” (Rm 7,15), và ngài kêu lên: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24). Cả một cuộc chiến đấu quyết liệt đang diễn ra trong tâm hồn mỗi người, cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa thánh thiện và tội lỗi, và trong cuộc chiến đó, chúng ta rất cần đến ơn Chúa để có thể chống trả và vượt qua những cám dỗ. Vì thế, cần phải cầu nguyện liên lỉ.
Chay tịnh : Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là một chủ vị gồm cả thể xác và linh hồn, nên “người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Tuy nhiên trong thời đại duy vật chất và hưởng thụ ngày nay, nhiều khi chúng ta chỉ lo cho phần xác mà không quan tâm đến phần hồn. Chay tịnh là phương thế giúp chúng ta ý thức lại tầm quan trọng của những giá trị tinh thần, thiêng liêng trong đời sống, đồng thời tập làm chủ bản thân thay vì để mình làm nô lệ cho những thói quen xấu.
Bác ái : Chay tịnh không có nghĩa là bớt tiêu xài trong Mùa Chay, để hết Mùa Chay sẽ tiêu xài nhiều hơn, nhưng chay tịnh gắn với bác ái, nghĩa là bớt đi lối sống ích kỷ để mở lòng ra trước nhu cầu của người khác, nhất là những người cần được giúp đỡ.
- Theo ý nghĩa đó, tôi muốn đề nghị với anh chị em một việc làm cụ thể. Năm nay Giáo phận Mỹ Tho kỷ niệm 60 năm thành lập (1960-2020). Để ghi nhớ kỷ niệm này, sau khi bàn hỏi với các linh mục trong Giáo phận, tôi quyết định lập Quỹ khuyến học mang tên Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Có một thực tế đáng buồn là hiện nay, trong địa bàn Giáo phận chúng ta vẫn còn những thiếu nhi và thiếu niên không được đến trường vì gia đình quá nghèo, nhất là trong những vùng sâu vùng xa. Trong khả năng giới hạn của mình, chúng ta hãy cùng nhau tạo điều kiện giúp các em có cơ hội đến trường như bao học sinh khác.
Để thực hiện điều này, tôi xin anh chị em giảm bớt chi tiêu trong Mùa Chay này và đóng góp cho Quỹ khuyến học của Giáo phận. Đó là việc bác ái rất nên làm như lời Chúa dạy trong Mùa Chay. Anh chị em có thể gửi phần đóng góp của mình tại các Giáo xứ, sau đó các cha sẽ chuyển về Tòa Giám mục.
Anh chị em thân mến, Mùa Chay là “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng” (Lời nguyện nhập lễ Thứ Tư Lễ Tro). Cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái là những phương thế tập luyện làm tăng cường sức đề kháng, nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi và sống đời sống mới trong Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để Mùa Chay thánh năm nay đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho tất cả mọi người.
Ngày 22 tháng 02 năm 2020
(đã ký)
+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giáo phận Mỹ Tho
Nguồn GP Mỹ Tho