Ngày 07/12, tại cuộc tranh luận về các bằng sáng chế và sức khỏe của Ủy ban thường vụ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (Wipo), Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại các Tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève, Thụy Sĩ, kêu gọi cải thiện hệ thống bằng sáng chế toàn cầu để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe và cung cấp vắc xin cho tất cả mọi người.
Vắcxin (ANSA)
“Quyền sở hữu trí tuệ phải luôn phụ thuộc nhu cầu công ích, không theo lý luận thị trường và phải được theo dõi với cơ chế giám sát thích hợp, đặc biệt khi sức khỏe đang bị đe dọa”, Đức Tổng Giám mục nói và giải thích rằng, với tình trạng khẩn cấp Covid-19, một mặt, bằng sáng chế có tầm quan trọng, nó khuyến khích việc nghiên cứu các cách điều trị và vắcxin, mặt khác, cần làm sao để mọi người có thể có được các thuốc và vắcxin một cách công bằng và khả thi. Theo Đức Tổng Giám mục Jurkovič, đây là điều kiện cơ bản để thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay, bởi vì, “không ai có thể được cứu một mình”.
Đại diện Tòa Thánh nói: “Theo nghĩa tích cực này, Ủy ban thường vụ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới sẵn sàng thúc đẩy chia sẻ thông tin khoa học về phương diện này, như Liên Hiệp Quốc mong muốn”.
Tuy nhiên, vẫn còn “một số lo ngại về đạo đức”, điều đã được Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh trong quá khứ, liên quan đến khả năng tiếp cận hiệu quả với các thành tựu nghiên cứu. “Đóng góp của phát minh được cấp bằng sáng chế cho xã hội không chỉ nằm ở việc phát minh, nhưng còn ở việc cung cấp thông tin kỹ thuật về phát minh này”, Đức Tổng Giám mục nhận xét và nhắc nhở rằng “tính nhất quán của chính sách để đạt được mục tiêu tiếp cận thuốc và canh tân y học hiện nay là điều quan trọng hơn bao giờ hết”.
Từ điểm này, Quan sát viên của Tòa thánh nhấn mạnh rằng, cần phải cải thiện hệ thống bằng sáng chế toàn cầu “hướng tới mục tiêu là sự minh bạch và hiệu quả hơn”. Một hệ thống có khả năng bảo vệ “quyền của người có bằng sáng chế, cũng như quyền của người sử dụng thuốc đã được cấp bằng sáng chế” và “sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”.
Đức Tổng Giám mục nói thêm: Đại dịch và “cuộc chạy đua đáng tiếc” của một số quốc gia để mua vắc xin, cho thấy việc tiếp cận với các loại thuốc và vắc xin giá cả phải chăng không còn là thách thức chỉ đối với các nước kém phát triển và những nước đang phát triển, nhưng nó đã trở thành một vấn đề ngày càng cấp bách đối với các nước phát triển”.
“Thảm kịch chung mà gia đình nhân loại đang phải đối mặt trong năm nay phải thức tỉnh ý nghĩa về sự liên kết của chúng ta là một cộng đoàn toàn cầu”, Đức Tổng Giám mục kết luận và nhắc lại lời của Đức Thánh Cha trong “Fratelli tutti”, tất cả chúng ta đang ở trên một con thuyền, nơi vấn đề của một người là vấn đề của mọi người”. (CSR_9151_2020)
Ngọc Yến – Vatican News