Đức ông Janusz Urbańczyk, Đại diện Thường trực của Tòa thánh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung nhằm ứng phó với tội phạm buôn người, một tai họa ảnh hưởng đến khoảng 40 triệu nạn nhân trên toàn thế giới.

 

 

Trong cuộc họp của Hội đồng Thường trực hôm 15/10, Đại diện Tòa Thánh nói rằng “Buôn người và các hình thức nô lệ đương đại khác là một vấn đề toàn cầu; nó cần được toàn nhân loại nhìn nhận một cách nghiêm túc.”

Theo Đức ông Urbańczyk, có “hơn 40 triệu nạn nhân của nạn buôn người hoặc khai thác bóc lột trên thế giới.” Trong số đáng lo ngại đó, có 10 triệu người dưới 18 tuổi và 1 trong số 20 người là các trẻ em dưới 8 tuổi là nạn nhân của việc khai thác tình dục.

Đức ông Urbańczyk đề cao các nỗ lực của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu, đặc biệt là cách tiếp cận với 4 điểm của Tổ chức này: Truy tố, Bảo vệ, Phòng ngừa và Tương quan đối tác.

Buôn bán nội tạng

Đức ông lưu ý về tỷ lệ thấp trong việc truy tố những kẻ buôn người. Một quan tâm khác được Đức ông nêu lên đó là nạn buôn bán cơ phận con người, và tội phạm này bị xem nhẹ nhưng lại lan rộng. Ngài nói rằng để chống lại điều này, cần có “một phương cách cụ thể, được thống nhất để cảnh báo các chuyên gia, các cơ quan chức năng và cơ quan liên quan về nạn buôn bán nội tạng.”

Liên kết các nỗ lực

Đại diên của Tòa Thánh nhận xét rằng thông qua các chính sách, chiến dịch và chương trình giáo dục, đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc xác định và giải quyết các yếu tố khiến con người dễ rơi vào nạn buôn người. Do đó, ngài khuyến khích liên kết các nỗ lực trong cuộc chiến chống buôn người, “bắt đầu bằng việc nói đến động lực của tệ nạn.”

Hồng Thủy – Vatican New