“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”.

23/02/2020 – Chúa Nhật 7 TN, Năm A

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 5, 38-48)

38 Hôm ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

43 Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.

 

Suy nim:

Khi dạy chúng ta đừng chống cự người ác,

Ðức Giêsu không đòi loại bỏ cảnh sát và pháp luật;

cũng không lên án những cuộc chiến tranh tự vệ.

Ngài chỉ muốn mời gọi các Kitô hữu

hãy tránh thái độ báo thù, ăn miếng trả miếng.

Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù,

là mở ra con đường để người kia hoán cải.

 

Có một vị rất tâm đắc với bài Tin Mừng này,

đó là Gandhi, người được dân Ấn Độ coi là đại thánh.

Ông là cha đẻ của chủ trương bất bạo động,

để giành lại độc lập cho đất nước từ tay người Anh.

Ông nói: “Bất bạo động là luật của loài người,

bạo động là luật của loài thú.”

Chúng ta thường sợ mang tiếng là hèn nhát, khiếp nhược,

sợ kẻ ác thắng thế khi thấy ta lùi bước.

Chúng ta ít dám tin vào sức mạnh của Tình Yêu.

Chính Tình Yêu chứ không phải bạo lực

mới có thể làm trái tim con người tan chảy.

 

Ðức Giêsu mời gọi ta yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù

để trở thành con cái Cha trên trời.

Chúng ta không chỉ trở thành con Cha vào ngày Rửa tội.

Chúng ta trở thành con Cha hơn

nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày.

Chúng ta thật là con, vì giống Cha,

Ðấng cho nắng ấm, mưa rơi trên kẻ lành người dữ.

Chúng ta thường khó quên một xúc phạm đã qua,

những chuyện cũ vẫn làm tim ta đau nhói.

Cần nhìn lên Cha trên trời,

Ðấng để cho cỏ lùng mọc chung với luau,

Ðấng mà ta phải nài xin ơn tha thứ mỗi ngày.

Chỉ Ngài mới làm ta quên được điều tưởng như không thể quên.

 

Thế giới hôm nay có nhiều sự ác và người ác.

Chúng ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện,

hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương.

Kitô hữu là người dám đi lại con đường của Ðức Giêsu,

chấp nhận bị sự ác vùi dập và nuốt chửng,

mà trên môi vẫn nói lời tha thứ.

Nhưng cuối cùng là phục sinh, là niềm vui, hy vọng.

Chúng ta có dám tin rằng rốt cuộc

chân lý, tình yêu và sự thiện sẽ chiến thắng không?

 

Cầu nguyn:

 

Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.

 

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

 

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con.

 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.