SẮC LỆNH CỦA ĐỨC CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG PIÔ IX

(31/3/1876)

 

GIÁO HOÀNG PIÔ IX

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

 

Trong tâm tình vui mừng và hân hoan, Ta sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi và tốt lành để thực hiện tất cả những gì làm tăng thêm vinh quang và lời ngợi khen Đức Thánh Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ rất yêu dấu của tất cả chúng ta, vì từ thuở ấu thơ, với lòng trìu mến thẳm sâu và với tất cả sự tuân phục sùng mộ, Ta đã hằng tôn kính Mẹ.

Linh Ảnh Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Hằng Cứu Giúp là linh ảnh nổi tiếng bởi lòng tôn kính cổ xưa và bởi muôn vàn ơn lành khôn kể xiết. Trước đây, Linh Ảnh đã được bảo quản hết sức cẩn thận tại Đền Thánh Matthêu Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng, ở đường Merulana, nơi vô số các tín hữu quy tụ về và hằng năm đều có cuộc rước kiệu long trọng. Nhưng do những biến động của thời cuộc, Linh Ảnh đã rơi vào quên lãng.

Nay, khi Linh Ảnh đã được đem về đặt nơi Đền thờ Thánh Anphongsô Liguori ở Esquillino để mọi người tôn kính, thì một số rất đông các tín hữu đã thành lập một Hiệp Hội đạo đức có mục đích thực hành sự tôn kính, một cách chuyên cần và nhiệt thành hơn, đối với Linh Ảnh.

Hiệp Hội ấy đã được thiết lập theo Giáo Luật bởi Hiền Đệ đáng kính của Ta – Đức Hồng Y Constantino Patrizi, Tổng Đại Diện Rôma – vào năm 1871, bởi một sắc lệnh đề ngày 23 tháng Năm của cũng năm ấy.

Với ý muốn gia tăng công đức và sự vẻ vang của Hiệp Hội ấy, nay Ta quyết định ban cho nó danh xưng và đặc ân của một Tổng Hội.

Chính vì thế, mong muốn đeo đuổi tất cả mọi điều mà Văn Thư này của Ta thúc đẩy bằng thiện chí đặc biệt, và để miễn chuẩn, vì lý do ấy, tự hậu, khỏi mọi điều cấm cản và các quyết định, các ý kiến và các đòi hỏi khác của Giáo Hội, cũng như với việc xét là vô điều kiện, trong thẩm quyền Tông Tòa của Ta, với sức mạnh của Văn Thư này, Ta thiết lập, cách vĩnh viễn, Hội Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongsô nói trên, đã được thành lập theo Giáo Luật tại đền thờ được xây dựng để tôn kính Thánh Anphongsô trong thành Rôma của chúng ta, thành Tổng Hội với tất cả mọi đặc quyền, danh dự, đặc ân và ưu quyền chắc chắn và thường lệ.

Đàng khác, Ta cũng cho phép các vị lãnh đạo và các thành viên của các hiệp hội khác, vốn có cùng danh xưng và mục đích, hiện diện ở khắp mọi nơi, bây giờ và mai sau, cũng được tham gia Tổng Hội này. Vẫn tuân thủ Tông Hiến của Đức Clementê VIII, vị Tiền Nhiệm đáng kính của Ta, cũng như các quy tắc khác được Tông Tòa ấn định. Trong Tổng Hội này, Ta vẫn giữ nguyên tất cả và từng ân huệ, ân xá và những miễn chuẩn đã được ban cho chính hiệp hội đó. Tất cả những điều ấy có thể và phải được thông tri rõ ràng và phù hợp với luật pháp.

Với quyền bính Tông Đồ của Ta, Ta truyền ban, từ rày về sau, cho Bề trên Tổng quyền và Bề trên Cả của Dòng Chúa Cứu Thế cũng như đấng kế vị ngài, bây giờ và sau này, làm Bề trên trong Tổng Hội được thiết lập; Ta cũng truyền ban cho Bề trên Tổng quyền của Hội Dòng cũng như đấng kế vị hợp pháp của ngài, năng quyền ủy nhiệm cho một linh mục khác thích hợp của Hội Dòng, điều hành Tổng Hội nói trên nhân danh ngài và với thẩm quyền của ngài.

Ta quyết định rằng Văn Thư có uy quyền, có giá trị và có hiệu lực này của Ta, phải được đón nhận và tuân thủ trong hiệu lực đầy đủ và toàn vẹn của nó, kể cả trong tương lai. Văn Thư này làm cho các phán quyết và quyết định do Thẩm Phán và những người được chỉ định làm Dự Thẩm của Điện Tông Tòa đưa ra, cũng như những đòi buộc đến từ bất cứ thẩm quyền nào khác, dù biết hay không biết, đều trở nên vô hiệu và vô giá trị.

Ban hành tại Rôma, gần Tòa Thánh Phêrô,

Ấn Ký của Giáo Hoàng ngày 31 tháng 3 năm 1876,

năm thứ 31 Triều đại Giáo Hoàng của Ta

PIUS IX

(Nguyễn Thể Hiện dịch từ nguyên bản Latin)

 

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA

LINH ẢNH ĐỨC MẸ HĂNG CỨU GIÚP

 

Gốc tích

Tương truyền ngày xưa Thánh Luca có vẽ một bức họa Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu Hài Đồng. Thánh Luca là người đã viết những trình thuật liên quan đến Đức Mẹ thật chi tiết. Có người cho rằng sở dĩ ngài đã viết được như thế là vì được Đức Mẹ “thủ thỉ” kể cho nghe. Khi bức họa được dâng lên cho Mẹ xem thì Mẹ phán: “Ơn thánh Mẹ sẽ theo bức ảnh này.”

Sang đến thế kỷ thứ V, tại thành Constantinople, có một bức họa rất thời danh được mọi người ca ngợi là tuyệt tác, lịch sử ghi dấu dưới cái tên Hodegetria (Đức Mẹ dẫn đường). Thời đó người ta cho rằng Thánh Luca là người đã phác hoạ nên nguyên bản bức ảnh này.

Vào đầu thế kỷ XII, tại đảo Crêta, Địa Trung Hải, từ bức hoạ Hodegetria, các hoạ sĩ dung hoà hai quan niệm hội hoạ Âu – Á để vẽ ra nhiều bức ảnh thời danh. Ngày nay, nguyên bản bức Hodegetria đã bị thất lạc. Tuy nhiên, người ta còn giữ được nhiều bản phụ mô phỏng theo bức hoạ đầu tiên;linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một trong các phụ bản đó.

Đến cuối thế kỷ XV, trên đảo Crêta, linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được các tín hữu sùng kính đặc biệt và được mệnh danh là linh ảnh hay làm phép lạ. Thế rồi một sự cố bất thường xảy ra. Người ta biết được biến cố này là nhờ tìm thấy tại văn khố Vatican ba mảnh giấy rất cũ, là các bản sao của một mảnh giấy ghi lại lịch sử của linh ảnh.

Sau đây là nội dung mảnh giấy đó.

Linh ảnh bị đánh cắp

Cuối thế kỷ XV, một thương gia buôn bán rượu, người đảo Crêta, đã ăn trộm linh ảnh trong một tu viện và đem qua Rôma. Sau khi thoát khỏi một tai nạn đắm tàu, ông đến Rôma và lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, ông kể lại cho một người bạn Ý nghe việc ông đã đánh cắp linh ảnh đó từ đâu và nó được tôn kính như thế nào. Với giọng yếu ớt của người hấp hối, ông khẩn khoản nài xin người bạn Ý đem linh ảnh trả lại cho một nhà thờ nào đó để được công khai tôn kính.

Sau khi người lái buôn chết, người bạn lục lọi trong đống hàng hoá thì quả thật, có thấy linh ảnh Mẹ. Ông định tâm đem linh ảnh đến nhà thờ gần nơi ông ở. Nhưng đang lúc đó, vợ ông biết được, ngăn cản ông trả lại linh ảnh và đòi giữ lại cho bằng được. Giữa lời hứa với người quá cố và sự biện bạch của người vợ thân yêu, ông đã chiều lòng vợ, không đem trả linh ảnh. Thời gian qua đi, ông quên lời cam kết và linh ảnh vẫn được giữ lại trong phòng của vợ chồng ông suốt 9 tháng.

Nhưng một hôm, Đức Mẹ hiện ra cho ông biết: ông không có quyền giữ lại linh ảnh mà phải đem đến một nơi xứng đáng hơn. Ông làm ngơ. Mẹ lại hiện ra lần hai, ông vẫn ngoan cố. Mẹ lại hiện ra lần nữa cảnh cáo ông. Lần này ông hoảng sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Ông đem chuyện kể cho vợ nghe và xin vợ thi hành ý định của Mẹ. Vợ ông là người ương ngạnh, khi nghe ông nói thì cho là điều vu vơ mộng mị nên không đồng ý. Mẹ lại hiện ra lần thứ tư và bảo ông: “Ta đã hiện ra bao lần để cảnh báo con mà con không chịu nghe. Vậy con phải ra khỏi nhà này trước, rồi Ta sẽ đi đến một nơi xứng đáng hơn”. Ít ngày sau, con người “nể vợ” này ngã bệnh và qua đời.

Trước cái chết đột ngột của chồng, bà vợ cứng lòng vẫn chưa lay chuyển, bà cứ khư khư giữ lại bức ảnh. Một hôm, đứa con gái 6 tuổi của bà hớt hải chạy đến nói với bà: “Mẹ ơi, con vừa gặp một bà đẹp lắm. Bà ấy bảo con về nói với mẹ  rằng Đức  Mẹ  Hằng  Cứu  Giúp  muốn được trưngbày trong một ngôi thánh đường ở thành Rôma để dân chúng sùng bái, và Người muốn ra khỏi nhà chúng ta”.

Nghe con nói vậy, bà mẹ bắt đầu nao núng, phát nghi là mình đã nhúng tay vào cái chết của chồng. Bà trù trừ… rồi quyết định vâng lời Đức Mẹ. Nhưng phút cuối bà lại gặp phải bà hàng xóm khô đạo. Bà này khi nghe chuyện liền nói với bà: “Hơi đâu tin chuyện trẻ con, Đức Mẹ bận tâm chi bức ảnh nhân tạo này. Không tin bà cứ đem quăng bức ảnh vào lửa, nó sẽ bốc cháy như bất cứ thanh củi gỗ nào. Nếu bà ngượng tay, bà để tôi.” Rồi bà ta còn hỗn láo nhiều lời về Đức Mẹ nữa.

Đến chiều tối, lúc về nhà, bà khô đạo này đã lăn ngã xuống đất, trong mình đau nhức, ở cánh tay có cái ung độc mọc ra, sưng lên mỗi lúc một to. Trước cơn bệnh kỳ lạ, bà sực nhớ đến lỗi mình đã phạm. Bà khóc lóc, kêu van, xin đem ảnh Mẹ đến. Trước tôn nhan Mẹ, bà cầu nguyện xin ơn tha thứ. Một sự lạ bất ngờ xảy ra: tay bà vừa đụng vào linh ảnh thì bệnh lạ kỳ kia biến tan, không để lại vết tích gì.

Một câu hỏi nảy ra trong đầu hai người phụ nữ sám hối này: Mẹ muốn chúng ta đưa Mẹ đi đâu? Mẹ liền hiện ra với em bé và nói: “Con hãy nói với mẹ của con là Ta muốn được trưng bày ở khoảng giữa nhà thờ Đức Bà Cả và nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, tức trong ngôi thánh đường kính Thánh Mátthêu”.

Lần này, người đàn bà nghe theo lệnh của Đức Mẹ và đã liên lạc với các Cha Dòng Augustinô, là những người đang phụ trách nhà thờ Thánh Mátthêu. Bà mời các Cha đến nhà, kể lại sự tình và chuyển giao linh ảnh cho các ngài.

Ba trăm năm tại nhà thờ Thánh Mátthêu

Ngày 27/3/1499, các Cha Dòng Thánh Augustinô đã tổ chức một đám rước cực kỳ long trọng đưa linh ảnh Mẹ về nhà thờ Thánh Mátthêu. Cũng vào ngày ấy, Mẹ mở đầu “sứ mệnh hằng cứu giúp” của Người bằng một phép lạ cả thể: một người đàn ông bị bại tay nhiều năm đã khiêm nhường cầu xin với Mẹ, nài xin người ta cho được chạm vào ảnh Mẹ, và khi vừa chạm vào ảnh Mẹ, cánh tay khô cằn kia liền được chữa lành ngay tức khắc. Ông liền đi theo đám rước hát mừng ngợi khen Mẹ.

Đây là phép lạ đầu tiên Đức Mẹ làm tại kinh thành Rôma. Phép lạ khai mào cho một chuỗi dài ơn thiêng mà Mẹ sẽ làm dưới tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được tôn vinh gần 3 thế kỷ trên đồi Esquilinô, trong thánh đường kính Thánh Mátthêu. Dân chúng tấp nập đưa nhau tới kính viếng và cầu nguyện với Mẹ Hằng Cứu Giúp và Mẹ đều đáp lại bằng muôn vàn ơn thiêng.300 năm tước hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã chinh phục tâm lòng giáo dân Rôma.

Nhưng rồi một biến cố xảy ra.

Năm 1798, khi rầm rộ tiến vào Rôma để công bố cái gọi là “nền cộng hoà tự do cho người Rôma”, đạo binh của Napoléon I đã mặc sức hoành hành, phá huỷ gần 300 ngôi thánh đường, trong đó có nhà thờ kính Thánh Mátthêu. Các tu sĩ Dòng Augustinôđã phải lên đường tản cư, mang theo bức ảnh về tu viện Đức Thánh Trinh Nữ ở Posterula.

Vì ở Posterula đã có bức ảnh Đức Trinh Nữ trong nguyện đường, nên các ngài đặt linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong một nhà nguyện nhỏ của Dòng.

Vị tu sĩ già và chú giúp lễ

Thời kỳ loạn lạc kéo theo năm tháng dài thầm lặng. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp như bị quên lãng. Nhưng vẫn còn có một người đi theo Mẹ trên đường lưu lạc. Đó là thầy Augustinô Orsetti. Nay thầy đã là một cụ già 86 tuổi, sức đã yếu, mắt đã loà, nhưng không ngày nào thầy quên đến quỳ trước linh ảnh Mẹ để cầu nguyện.

Từ năm 1838 đến 1851, tại nhà thờ Đức Trinh Nữ Posterula, có một cậu bé người Ý thường đến giúp lễ, tên là Marchi. Thầy Orsetti và cậu lễ sinh trở nên thân thiện. Cậu thích ngồi bên thầy già để nghe kể lại sự tích về linh ảnh Đức Mẹ và đã nhiều lần thầy Orestti dẫn bé Marchi đến trước linh ảnh linh thiêng đề cầu nguyện.

Khi biết mình sắp rời khỏi cõi đời, thầy gọi Marchi đến và như muốn truyền cho cậu tất cả mối tâm sự của mình: “Con hãy nhớ, linh ảnh này trước đây đã được tôn kính đặc biệt tại nhà thờ kính Thánh Mátthêu. Đừng quên nghe con… Con có hiểu không? Ôi, ngày xưa Đức Mẹ đã làm bao nhiêu phép lạ!”

Cái giọng run run của thầy càng làm cho cậu bé cảm động. Cậu có ngờ đâu mình đến đây để thừa tự một lời di trối. Ít lâu sau, thầy Orsetti qua đời (1853).

Năm 1855, Marchi xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế.

Duyên “tiền định”

Cũng chính năm ấy, Dòng Chúa Cứu Thế mua Villa Caserta tại Rôma để lập nhà chính. Sau khi hoàn thành công việc xây cất, năm 1862, một thành viên văn khố là cha Edouard Schwindehammer, trong lúc lục lọi thư viện, đã tìm thấy một mảnh giấy ghi lại những truyện lạ về linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được trưng bày tại nhà thờ Thánh Mátthêu trên đồi Esquilinô, mà nay, trên chính mảnh đất này một ngôi thánh đường nguy nga vừa được xây lên để dâng kính Thánh Anphongsô, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế. Và chính trong vườn của Nhà Dòng, người ta còn thấy vết tích của ngôi thánh đường kính Thánh Mátthêu bị phá huỷ trước đây. Cha Edouard mang mảnh giấy đọc cho anh em nghe.

Cha Marchi như người ngủ mê bỗng tỉnh dậy, vui mừng nói: “Vậy thì linh ảnh ấy ngày nay vẫn còn, tôi còn biết bây giờ nó đang ở đâu nữa. Vì chính mắt tôi đã từng thấy nhiều lần. Nguyên lúc còn nhỏ, tôi thường hay đi lại Dòng Thánh Augustinô. Một thầy dòng đã có tuổi và rất đạo đức tên là Orsetti không lần nào gặp tôi mà không chỉ và nói cho tôi nghe về linh ảnh hay làm phép lạ đó. Linh ảnh gần như không được tôn kính, không được trang hoàng gì, ngay cả bên cạnh không có ngọn đèn để thắp nữa… Linh ảnh ấy bị bụi bặm phủ đầy và chẳng ai đến kính viếng. Trong nhiều năm giúp lễ ở đó, tôi đã nhiều lần ngắm nhìn linh ảnh ấy.”

Cũng trong năm đó, tại nhà thờ Chúa Giêsu của Dòng Tên, linh mục Francesco Blosi, một nhà giảng thuyết trứ danh, đang lần lượt giảng về các bức ảnh Đức Mẹ trong thành Rôma. Ngày 7/2/1863, khi giảng về linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngài nói: “Kính thưa anh chị em, hôm nay tôi đến để nói với anh chị em về một linh ảnh Đức Mẹ, vốn rất nổi tiếng nhờ những phép lạ. Nhưng tiếc thay, linh ảnh linh thiêng ấy đã thất lạc 70 năm nay, từ ngày biến cố chiến tranh bùng nổ, không có dấu hiệu nào cho biết linh ảnh ấy hiện giờ ở đâu (…) Ước vọng của Mẹ là được trưng bày trong ngôi nhà thờ khoảng giữa hai Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Thánh Gioan Latêranô. Chúng ta biết rằng vinh dự tìm thấy linh ảnh được dành cho thời đại chúng ta. Ai có thể biết hết những ơn lành được ban xuống trên thế giới với việc hồi sinh lòng tôn kính Đức Trinh Nữ, dưới tước hiệu Hằng Cứu Giúp mà Người đã chọn cho mình?”.

Bài giảng hùng hồn ấy vọng đến tai các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, các ngài chưa biết gì về ước muốn của Đức Mẹ. Cái tin kia khiến các ngài rất vui sướng. Giữa hai Vương Cung Thánh Đường, không có ngôi nhà thờ nào ngoài nhà thờ kính Thánh Anphongsô. Phải chăng Đức Mẹ đã tiền định cho các ngài duy trì linh ảnh? Với niềm mong ước, các ngài đã cầu nguyện, tìm tòi, tra cứu, âm thầm dõi theo bước chân của Đức Mẹ trong ba năm. Quả thực, linh ảnh các ngài cần tìm còn trong nhà nguyện nhỏ Posterula.

Dòng Chúa Cứu Thế đón Mẹ

Ngày 11/12/1865, Cha Bề Trên Cả Mauron và cha Marchi xin vào yết kiến Đức Thánh Cha Piô IX. Sau khi thuật lại cho Đức Thánh Cha nghe lai lịch linh ảnh và niềm mong ước của Mẹ, cha Mauron xin rước linh ảnh Mẹ về nhà thờ Thánh Anphongsô để thực hiện mong muốn của Mẹ. Ngài còn dâng lên Đức Thánh Cha một bản tường trình các sự việc do cha Marchi viết và nhận thực.

Đức Thánh Cha Piô IX, một tông đồ nhiệt thành của Đức Mẹ, rất cảm động, vì thân mẫu ngài đã từng dẫn ngài đến cầu nguyện trong nhà thờ Thánh Mátthêu. Ngài không ngần ngại khi có thể làm hiển danh Mẹ. Ngài liền chuẩn y, ban phép cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế rước linh ảnh Mẹ về với điều kiện thay thế cho nguyên bản bằng một bức hoạ mô phỏng để lại cho các cha Dòng Augustinô. Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế vui sướng trước niềm hân hạnh được Đức Mẹ chọn làm kẻ giữ gìn linh ảnh của Người và nhiệt tâm chuẩn bị cho một cuộc rước linh đình.

Ngày 19/1/1866, cha Marchi và cha Ernest Bresciani đến tu viện Posterula để thương lượng về việc chuyển giao linh ảnh. Bước vào ngôi nhà nguyện nhỏ, cha Marchi nhớ lại cách đây 15 năm, khi còn là chú giúp lễ bé nhỏ. Cha cảm động ngước nhìn lên linh ảnh Mẹ còn đó, cũng một vẻ hiền lành, khả ái, cũng màu sắc ấy, nhưng năm tháng đã ghi lên linh ảnh nhiều vết tang thương.

Sau khi đã lãnh nhận linh ảnh Đức Mẹ từ tay Cha Bề trên Tu viện Posterula chuyển giao, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế đem linh ảnh về nhà, mời hoạ sĩ trứ danh Leopold Nowotny người Ba Lan đến tu bổ lại nguyên bản.

Sau 70 năm trong bóng tối, ngày 26/4/1866, linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra mắt lần thứ hai với dân thành Rôma. Linh ảnh Mẹ được rước qua các đường phố Rôma hết sức trọng thể.

Trong lúc linh ảnh Mẹ đi ngang qua một con phố, bao lời kinh dâng Đức Mẹ vang lên, thì trong một căn nhà nhỏ bên đường đang có cảnh rất đau thương: một em bé bốn tuổi đang hấp hối trước đôi mắt bất lực của bà mẹ. Bà mẹ bỗng vụt ra một sáng kiến. Bà ẵm con chạy ra cửa sổ, với một lòng trông cậy mãnh liệt, bà nói to vọng qua cửa sổ: “Lạy Mẹ nhân từ, xin Mẹ hãy chữa cho con của con khỏi bệnh hoặc xin cho nó về thiên đàng.” Bỗng nhiên đứa bé tỉnh lại, bệnh tình thuyên giảm dần… Ngày hôm sau, hai mẹ con đến trước bàn thờ Đức Mẹ thắp một cây nến để tạ ơn.

Chuyện thứ hai, trong một nhà khác, một bé gái lên tám, chân bị tê liệt đã bốn năm, khó nhọc lắm mới cử động được. Lúc cuộc rước linh ảnh Mẹ đi qua, người mẹ đứa bé liền cầu xin Đức Mẹ chữa bệnh cho con mình. Đứa bé bị xúc động mạnh, bệnh tình khỏi đi một nửa. Hôm sau bà giục con đến trước bàn thờ Đức Mẹ cầu nguyện rằng: “Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy hoàn tất việc Mẹ đã khởi sự.” Tức khắc, dước con mắt kinh ngạc sửng sốt của mọi người, em bé đứng dậy ngay và đi lại như thường.

Đó là hai ơn lạ đầu tiên được ghi vào sổ vàng chính thức ngày Đức Mẹ ra mắt dân thành Rôma nơi thánh đường kính Thánh Anphongsô. Linh ảnh Đức Mẹ được trưng bày nơi bàn thờ chính.

Ngày 5/5/1866, Đức Thánh Cha Piô IX thân hành đến kính viếng Mẹ nơi ngôi thánh đường mới và uỷ thác cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phải truyền bá Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho toàn thế giới. Nhìn lên linh ảnh Mẹ, ngài kên lên: “O quam formosa est… Ôi, Mẹ đẹp thật!”

Ngày 23/6/1867, sau tuần Tam Nhật Thánh long trọng, các kinh sĩ thuộc Hội Kinh Sĩ Thánh Phêrô tại Rôma đã tổ chức một nghi lễ đặc biệt để tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Trước sự hiện diện của đám đông khách hành hương, các kinh sĩ đã đặt một triều thiên quí giá lên đầu Chúa Giêsu Hài Đồng và một triều thiên khác trên đầu Đức Mẹ.

Sau đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã chọn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm bổn mạng cho sứ vụ chính của Dòng là giảng đại phúc.

Vào ngày 23/05/1871, qua sắc lệnh của Đức Hồng y Patrizi, Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongsô đã chính thức được Tòa Thánh phê chuẩn.

Ngày 31/03/1876, với sắc lệnh được làm tại Rôma, gần Tòa Phêrô, năm thứ 31 triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Piô IX đã nâng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongsô lên thành Tổng Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Thánh Anphongsô với tất cả đặc ân của một Tổng Hội.

Ngày ngày dân chúng lũ lượt kéo nhau lên đồi Esquilinô, vào đền thờ Thánh Anphongsô để chiêm ngắm và cầu nguyện với Mẹ. Từ nay, nơi này cũng như trên khắp các lục địa, Đức Mẹ tiếp tục thi ân với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp cho tất cả những ai đến cầu xin Mẹ với lòng tín thác.

Ý nghĩa bức linh ảnh

Các bức linh ảnh (i-côn) không đơn thuần là những bức tranh tôn giáo, mô tả vẻ đẹp thể lý như các bức tranh khác, mà nhắm tạo ra một sự nối kết và lôi cuốn người xem vào trong thế giới vinh quang của Chúa và Đức Mẹ. Theo quan niệm nghệ thuật Phương Đông, linh ảnh là nơi chính Thiên Chúa hiện diện: một sự hiện diện của Ân Sủng mà bức ảnh chuyên chở theo nó. Các nhân vật trong linh ảnh được vẽ không theo lối trình bày chính xác nhưng theo cách thức nhấn mạnh các chiều kích thiêng liêng của mầu nhiệm. Chiều kích nghệ thuật của bức tranh chỉ ở tầm mức thứ yếu. Điều quan trọng là chính Thiên Chúa, Đấng được diễn tả ngang qua nghệ thuật.

Linh ảnh thường do các tu sĩ vẽ. Đây là những con người có đời sống thần bí và thiêng liêng, đồng thời cũng có một kiến thức thấu đáo về thần học. Họ chuẩn bị bản thân cách thiêng liêng trước khi vẽ một linh ảnh, bằng cách ăn chay, cầu nguyện và sám hối. Họ sẽ suy gẫm lâu dài về chủ đề linh ảnh trước khi bắt tay vào việc, trong khi suy gẫm như thế, họ tìm kiếm ơn linh hứng từ Trên Cao, và họ thường quỳ để vẽ.

Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chúng ta có hiện nay là linh ảnh được vẽ theo chiều hướng ấy. Linh ảnh này mang những yếu tố của một truyền thống đã có từ trước, đó là truyền thống Đức Trinh Nữ Thương Khó (qua những biểu tượng của đồi Calvario), Đức Trinh NữHodigitria (Mẹ Chỉ Đường Của Chúa Giêsu), và Đức Trinh Nữ Eleusa (Đấng Cảm Thương). 

Chữ tắt Hy Lạp MP OY = Mẹ Thiên Chúa.

Chữ tắt Hy Lạp OAPM = Tổng lãnh thiên thần Micael.

Chữ tắt Hy Lạp OAPG = Tổng lãnh thiên thần Gabriel.

Chữ tắt Hy Lạp IC XC = Giêsu Kitô.

Đức Trinh Nữ hơi nghiêng đầu sang bên phải; Mẹ đang nhìn người xem và đang ẵm Hài Nhi bằng tay trái, còn Hài Nhi thì đang nắm tay phải của Mẹ bằng cả hai tay của mình. Hài Nhi đang nhìn hướng lên và chân phải của Người bắt chéo không tự nhiên khiến cho lòng bàn chân có thể nhìn thấy được. Chiếc dép bên bàn chân này lỏng ra và sắp rớt xuống.

Hài Nhi có dáng dấp của một em bé 12 tuổi; nói cách khác, đó là dáng dấp của Chúa Giêsu, Đấng giờ đây ý thức bản tính thần linh của Người là Con Thiên Chúa. Người đang hướng nhìn lên, không phải hướng đến tổng lãnh thiên thần Gabriel đang cầm thánh giá, nhưng vượt quá thọ tạo thiêng liêng này để hướng nhìn đến Thiên Chúa, Cha của Người, Đấng ngự trên trời. Vì vậy, Đức Trinh Nữ Maria đang giới thiệu Con Thiên Chúa cho chúng ta, còn Con Thiên Chúa thì đang hướng về Cha trên trời.

Theo sách Rút, trao dép cho ai là ký kết một khế ướcvới người đó. Hài Nhi đang để cho chiếc dép rơi xuống hướng về chúng ta, thì điều đó mang ý nghĩa rằng Người đang thiết lập một khế ước với chúng ta: khế ước này là Giao Ước Mới.

Cùng lúc, Người đang cho ta thấy lòng bàn chân phải của Người. Trong biểu tượng ảnh Đông phương, phơi bày lòng bàn chân của ai là cho thấy bản chất người đó, trong trường hợp này, đó là bản tính nhân loại của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, cử chỉ này cũng có một ý nghĩa khác. Ai đụng vào mảnh đất có ý định muốn mua bằng lòng bàn chân của mình là dấu cho thấy rằng người đó đã trở thành chủ nhân của mảnh đất đó. Chúa Giêsu, khi trở thành con người và chạm chân vào cõi đất, đã tái tuyên bố chủ quyền của Người trên trái đất, trên tạo thành, và bằng cách phục hồi trở lại phẩm giá là con Thiên Chúa cho loài người, Người đã phục hồi quyền làm chủ của loài người trên tất cả tạo thành.   

Nhìn chung, trong các linh ảnh Đông phương, màu đỏ chỉ thần linh, trong khi đó màu xanh đại diện cho loài người. Đức Trinh Nữ đang mặc áo dài màu đỏ tượng trưng cho thần linh và áo choàng màu xanh tượng trưng cho loài người. Họa sĩ đã nêu rõ vai trò thần linh của Đức Trinh Nữ bằng cách viết, ở phần trên của bức ảnh, từ “Theotokos” (Mẹ Thiên Chúa). Đức Maria không chỉ là mẹ của Đức Giêsu lịch sử mà còn là Mẹ của Con Thiên Chúa: nhờ việc trao ban Đức Giêsu thể lý, Đấng vừa là Chúa vừa là người, Mẹ đã trở thành “giống-Chúa”. Tuy nhiên, có một chi tiết trong bức ảnh này mà không tìm thấy ở nơi bức “Hodegetria” nào khác, và đây là điều mà họa sĩ muốn nêu rõ, đó là màu xanh lá cây ở lớp lót của áo choàng. Việc phối hợp các màu đỏ và xanh lá cây này đã được giữ lại dành riêng cho giới quý tộc. Đức Maria thật sự là Nữ Hoàng các thiên thần và các thánh.

Hài Nhi Giêsu mặc áo màu xanh lá cây và thắt đai lưng màu đỏ. Áo màu xanh lá cây với đai lưng đỏ, theo một số học giả, là màu tiêu biểu của Hoàng Đế Phương Đông; bằng cách này, họa sĩ đã nêu rõ phẩm tính cao cả của Chúa Giêsu, Đấng là Chủ Tể của tạo thành.

Phận vụ của hai Tổng lãnh thiên thần, đang cầm những biểu tượng của cuộc Thương Khó, thì không chỉ là trình bày những biểu tượng này cho Hài Nhi Giêsu Kitô, mà còn là để cho chúng ta thấy các phương tiện mà nhờ đó Chúa Kitô đã cứu chuộc loài người, và rằng đó là lúc “Người hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Đức Maria luôn hướng đến Chúa Giêsu; Mẹ không thể bị tách rời khỏi Người. Điều này là rõ ràng, thật sự rõ ràng, trong cách thiết kế của linh ảnh thánh này. Vì vậy, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu và Mẹ Người với tất cả sự tự tin của một trẻ nhỏ cũng như tất cả ý thức thực tại của một người trưởng thành. Đừng bao giờ quên điều mà Sứ Thần truyền tin đã loan báo cho Đức Maria và chúng ta: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).      

 

 

 

TUẦN CỬU NHẬT KÍNH ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

 

 

KINH MỞ ĐẦU

 

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, / Mẹ đầy lòng nhân lành khuyên mời chúng con, / thì chúng con hết lòng trìu mến vâng lời chạy đến cùng Mẹ. / Nay chúng con sấp mình trước linh ảnh Mẹ / và hiệp tiếng xưng rằng: / “Chúng con tin cậy và kính yêu Mẹ”.

Chúng con hớn hở vui mừng cao rao phép tắc và lòng nhân từ của Mẹ. / Chúng con hết lòng tạ ơn Mẹ,/ vì những ơn Mẹ đã ban cho chúng con, / và chúng con cả lòng dám khẩn cầu xin Mẹ ban cho chúng con những ơn khác nữa./   Chúng con đã biết lòng Mẹ nhân lành, / hằng cảm động khi thấy chúng con mắc phải gian nan. / Mẹ hằng sẵn lòng mà cứu giúp chúng con. / Mẹ hằng lắng tai nghe lời chúng con kêu cầu cùng Mẹ. / Lạy Mẹ, / chúng con chạy đến khẩn cầu cùng Mẹ / chẳng phải cho chúng con mà thôi, / song cũng cầu xin cho gia đình chúng con./ Chúng con phó dâng gia đình chúng con cho Mẹ gìn giữ phù hộ. / Chúng con cùng khấn nguyện cho giáo xứ chúng con, / là nơi Mẹ đã lập toà nhân ái của Mẹ / cho ai nấy được hưởng nhờ ơn thánh Mẹ.

Chúng con xin hiệp làm một cùng hết thảy những linh hồn nhân đức / và các giáo xứ trên khắp thế gian, / đang chúc tụng ngợi khen tỏ lòng trung thành, / biết ơn, / cùng lòng tin cậy mến xin Mẹ cứu giúp. / Những người ấy, / những giáo xứ ấy / cũng hiệp một ý cầu nguyện với chúng con và cầu nguyện cho chúng con, / thì chúng con cũng hiệp một lòng cầu nguyện với những người ấy / và cầu nguyện cho họ nữa./

Chúng con khấn xin Mẹ hằng cứu giúp chúng con / và những người chúng con đã phó dâng cho lòng Mẹ nhân lành, / hầu cho sự hằng cứu giúp ấy nên như dấu thật chứng tỏ rằng. / Ơn Chúa hằng chúc lành cho chúng con, / và chúng con đã được ơn phúc thật Chúa ban. / Xin Mẹ ban ơn bền đỗ cho những người đã vâng theo lời Con của Mẹ kêu gọi. / Những người con hoang đàng,/  thì xin Mẹ hướng dẫn hối cải; / hết thảy mọi người, /  thì xin cho được ơn soi sáng,/  được sức mạnh phần hồn,/ thoát khỏi ưu phiền và được an ủi,/ được bình an và được cứu giúp./ Ấy là bấy nhiêu ơn cần kíp cho các người ấy như Mẹ đã rõ./

Với những ý ngay lành ấy, / chúng con cũng xin hiệp với ý riêng của những người có mặt nơi đây, / và mọi ý ngay lành của những người đã xin chúng con cầu nguyện cho họ. / Chúng con xin cho quê hương chúng con, / cho muôn nước được bình an hòa thuận, / cho Hội Thánh, / cho Đức Thánh Cha, / cho các Giám mục, / các Linh mục, / và các tu sĩ cùng những người làm việc tông đồ.

Chúng con nguyện xin cách riêng cho những tội nhân, / những người đang hấp hối / và những linh hồn đang trong chốn thanh luyện./

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp / xin Mẹ nguyện cùng Chúa ban  muôn ơn lành cho chúng con / là những người con đang xum vầy xung quanh Đức Mẹ đây. / Chớ chi sự hiện diện của chúng con làm vui lòng Mẹ / và bổ sức cho linh hồn chúng con, / cùng sinh ích lợi cho phần rỗi chúng con / và phần rỗi anh chị em chúng con nữa/. Amen.

 

KINH TUẦN CỬU NHẬT

 

NGÀY THỨ NHẤT

 

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ con vui sướng được chạy đến khẩn cầu dưới bức chân dung Mẹ hay làm phép lạ!

Nhìn lên chân dung khả ái của Mẹ,/ linh hồn con thêm hăng hái cậy trông,/ khác nào con thảo đối với Mẹ hiền vậy./ Con thấy Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc con,/ cùng là Chúa Con,/ đang ở trong tay Mẹ./ Người là Đấng phép tắc vô cùng, / là Chúa Tể cầm quyền sinh tử, / là Đấng ban phát mọi ơn lành./ Mà Mẹ là Mẹ Người!/ Vậy Mẹ có đủ quyền thế mà kêu xin Người,/ và đáng được Người chuẩn nhận lời Mẹ xin./ Người đã minh chứng/ Người chẳng muốn từ chối Mẹ ơn gì.

Vậy lạy Mẹ Chúa Giêsu,/ vì lời Mẹ cầu bầu rất thần thế,/ nên con dám nài xin Mẹ ban cho con những ơn con xin cùng Mẹ/… (kể những ơn muốn xin). Con hết lòng cầu xin,/ và tin tưởng vững vàng:/ Mẹ sẽ chuyển cầu cho con.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

 

 

NGÀY THỨ HAI

 

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ Đức Chúa Giêsu đang run sợ mà Mẹ ẵm trên tay,/ chẳng những Mẹ nhận Người là Con Thiên Chúa/ và là Con Mẹ mà thôi,/ mà lại kể như cả loài người đang nép mình vào lòng Mẹ vậy./ Vì thánh ý Chúa định/ và bởi lòng lành Mẹ vui nhận/ nên loài người đã trở nên con cái thật của Mẹ./ Mẹ chẳng quên cảnh thảm sầu trên núi Calvê,/ ở đó Chúa Giêsu Con Mẹ đang hấp hối,/ đã xin Mẹ nhận lấy mỗi người chúng con/ làm con cái Mẹ thay cho Người.

Chúa Giêsu,/ vì kinh khiếp thánh giá sau này,/ đã chạy đến ẩn mình trong tay Mẹ,/ nhờ Mẹ phù trì an ủi./ Chúa Giêsu ấy,/ chính là các linh hồn đau khổ,/ cũng là linh hồn con lúc này/ đang lấy quyền làm con Mẹ/ mà chạy đến nài xin Mẹ dủ lòng thương giúp.

Lạy Mẹ,/ con xin thật thà thưa cùng Mẹ:/ con được làm con của Mẹ,/ thì phúc cho con là dường nào. / Lòng con mến Mẹ tả sao cho xiết./ Con cũng đến tỏ bày điều con xin cùng Mẹ,/ là điều Mẹ đã biết rồi. / Vậy lạy Mẹ nhân từ,/ xin nhận lời con khẩn nguyện.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

NGÀY THỨ BA

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ con rất ước ao ngắm bức chân dung tốt lành của Mẹ./ Mỗi lần con nhìn bức chân dung ấy,/ thì như được nghe những lời cao rao phẩm chức cực trọng Mẹ./ Con thấy ghi chép tước hiệu rất hiển vinh của Mẹ,/ là Mẹ Đức Chúa Trời,/ con thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel,/ vị Thiên Sứ đã chào Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”,/ lại thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Micael/ làm cho con biết rằng:/ Mẹ là Đấng quản đốc các đạo binh thiên quốc./ Tay Mẹ đang bồng ẵm Vua Cả trên hết các vua./ Mọi sự ấy nhắc con biết rằng:/ Mẹ là Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ,/ là vẻ đẹp tuyệt hảo của toàn vũ trụ,/ là thụ tạo duy nhất xứng đáng trở nên Mẹ của Ngôi Hai làm người./ Thật Mẹ là Đấng rất trinh khiết, /rất thánh thiện, /rất diệu huyền./ Mẹ là vực sâu thẳm chứa đầy sự trọn lành rất tốt đẹp./ Mẹ là Nữ Vương trời đất.

Lạy Mẹ rất đáng ngợi khen,/ con vui mừng tung hô sự thánh đức và vinh hiển Mẹ./ Phẩm chức cao trọng của Mẹ/ chẳng những không làm cho con sợ hãi,/ mà lại khiến con càng thêm lòng trông cậy hơn nữa./ Chúa đã đặt Mẹ lên ngôi cao như thế,/ chỉ vì ơn cứu độ chúng con,/ mà Mẹ vui nhận ơn trọng ấy,/ cũng là để dễ dàng cứu giúp chúng con./ Lạy Mẹ khôn sánh,/ con cúi xin Mẹ dùng quyền phép cao cả/ mà nhận lời con nguyện.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

NGÀY THỨ TƯ

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ bức chân dung dịu dàng Mẹ/ làm cho lòng chúng con đau phiền được vui mừng yên ủi./ Mẹ khác nào cây thánh/ đã trổ một hoa vẹn tuyền/ thơm đủ mọi nhân đức./ Ấy là Chúa Giêsu Con Mẹ./ Chính tay Mẹ trao Người cho chúng con/ thì lòng chúng con càng được mến Người cách êm ái hơn nữa./ Ngôi sao sáng trên trán Mẹ chỉ rằng:/ Mẹ chính là “Sao Mai”/ đã báo cho chúng con biết ngày được rỗi,/ ngày hưởng hạnh phúc vô cùng./ Mẹ quả là ngôi “Sao Biển”/ chiếu sáng tin cậy dẫn lối trong những lúc phong ba mịt mù.

Lạy Mẹ rất đáng mến,/ Mẹ đã làm cho gánh nặng nề bổn phận chúng con/ trở nên nhẹ nhàng biết bao/ và cho ách Chúa Giêsu Kitô ra êm ái dường nào.

Càng suy nghĩ đến Mẹ/ thì lòng con càng được vui mừng,/ đọc tên rất thánh Mẹ/ làm cho linh hồn con đang bối rối liền được bình an./ Xin Mẹ cho con đọc luôn mãi rằng:/ lạy Mẹ rất đáng mến yêu,/ con rất kính mến Mẹ./ Cậy nhờ Mẹ/ và hợp cùng Mẹ/ thì con lại hết lòng kính mến Con Cực Thánh Mẹ./ Lạy Mẹ là chốn chúng con cậy trông,/ xin Mẹ vui lòng nhận lời chúng con khẩn nguyện.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

NGÀY THỨ NĂM

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ khi con suy ngắm bức chân dung Mẹ/ thì lại được thêm sức cậy trông lòng nhân từ Mẹ./ Vì con thấy rõ rằng:/ Mẹ là Mẹ sầu bi thống thiết./ Kìa Chúa Giêsu mà Mẹ đang ẵm trên tay/ là Đấng phải chịu đóng đinh trong lòng/ trước khi phải chịu đóng đinh vào thánh giá./ Người nhìn thấy trước những cực hình sẽ phải chịu/ thì ra như run sợ,/ mà Mẹ cũng một lòng kinh hãi.

Bởi vậy,/ Mẹ đã phải rất đau đớn trọn đời./ Những sự thống khổ ấy / làm cho con hiểu biết công nghiệp Mẹ rất lớn lao./ Mẹ thật là Đấng hiệp công cứu chuộc loài người/ và có quyền thế bầu chữa chúng con trước Tòa Chúa công bằng vô cùng./ Lạy Mẹ Maria,/ con xin hợp cùng Mẹ/ mà thông phần đau khổ với Con Mẹ,/ lại xin hợp cùng Con Mẹ/ mà chia phần khốn cực của Mẹ. /Con càng thêm đau buồn/ vì chính tội con đã đóng đinh Chúa Giêsu vào thánh giá, / làm cho linh hồn hay thương xót Mẹ/ phải chịu đau đớn vô ngần. / Nay con dám cậy vì những sự đau đớn ấy/ mà đến cầu xin Mẹ. / Xin Mẹ ban ơn cho con động lòng ăn năn khóc lóc/ và can đảm xa lánh tội lỗi.

Xin Mẹ vui lòng nhận lời con cầu xin cùng Mẹ trong tuần chín ngày này.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

NGÀY THỨ SÁU

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ bức chân dung rất cảm động Mẹ dạy cho con biết:/ Mẹ đã chịu đau khổ rất nhiều./ Bởi vì Mẹ nhân từ và là Mẹ chúng con,/ nên sự đau khổ kia đã làm cho Mẹ/ càng thêm động lòng thương xót nỗi thảm sầu của chúng con;/ và Mẹ càng chịu đau khổ vì chúng con,/ thì Mẹ càng thương yêu chúng con hơn./ Lòng thương yêu ấy,/ con thấy ở nơi mắt rất lân ái của Mẹ,/ vì Mẹ chẳng nhìn Con Cực Thánh Mẹ/ mà lại đăm đăm nhìn con cái khốn cực của Mẹ ở chốn khách đày này./ Ôi!/ Một linh hồn phải gian truân/ mà gặp kẻ thân ái gánh lấy phần đau khổ,/ thì được sung sướng là dường nào./ Nay tấm lòng nhân ái ấy/ lại là tấm lòng của một người Mẹ như Mẹ,/ là Đấng rất nhân từ thương xót,/ thì đó là một sự an ủi vô ngần cho chúng con.

Vậy lạy Mẹ hay yêu mến,/ nay con đến dưới chân Mẹ,/ cho được lòng mạnh mẽ lại như xưa!/ Con trông cậy vững vàng,/ không bao giờ Mẹ bỏ con./  Xin Mẹ lắng tai nghe tiếng con khốn khổ kêu van,/ xin Mẹ nói lời an ủi linh hồn con,/ và ban cho con/ ơn con nài xin cùng lòng nhân từ thương xót Mẹ.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

NGÀY THỨ BẢY

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ nay con chạy đến cùng Mẹ,/ vì chính Mẹ là Đấng con phải kêu xin,/ và chính Mẹ sẽ nhậm lời con.

Mẹ là Đấng giữ kho Thiên Chúa,/ mà ý Chúa muốn là mọi ơn phúc đều qua tay Mẹ./ Bức chân dung Mẹ nhắc con nhớ rằng:/ Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu,/ là Mẹ sầu bi thống thiết,/ và cũng là Mẹ của con./ Lạy Mẹ Chúa Giêsu,/ Mẹ có quyền trao ban công nghiệp/ và tình thương của Người./ Lạy Mẹ sầu bi,/ những khốn cực Mẹ/ hiệp với sự thương khó của Chúa Giêsu,/ đã làm nên kho tàng ơn cứu chuộc loài người./ Lạy Mẹ nhân loại,/ Mẹ đã ưng thuận giúp đỡ phù trì chúng con.

Con tin thật rằng:/ linh hồn nào được Mẹ bảo trợ,/ thì Chúa chẳng ruồng bỏ,/ mà cũng không bao giờ phải sa hoả ngục./ Con tin vững vàng,/ ai lấy lòng trông cậy kêu van Mẹ,/ thì thế nào cũng được Mẹ che chở bênh vực cho./ Với lòng tin cậy ấy,/ con dám chạy đến cùng Mẹ./ Xin Mẹ cho con được lòng trung nghĩa làm tôi Mẹ,/ ấy là dấu thật con được ơn bền đỗ/ và được rỗi linh hồn;/ lại xin Mẹ chuyển cầu cho con/ được ơn con xin cùng Mẹ trong tuần chín ngày này.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

NGÀY THỨ TÁM

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ khi con suy đến nết hư và sự túng cực con/ và lại nghĩ đến lòng rất nhân lành/ cùng quyền phép cao cả Mẹ/ thì thấy linh hồn con run sợ:/ tội lỗi như con/ mà dám kêu xin cùng Mẹ thi ân giáng phúc,/ thật là một sự quá táo bạo./ Song nhìn bức chân dung tốt lành của Mẹ,/ thì con như nghe Mẹ nói rằng:/ “Hỡi con,/ hãy trông cậy!/ Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót./ Mẹ chẳng tìm công mà thưởng,/ Mẹ chỉ tìm sự gian nan mà cứu giúp./ Tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp chẳng phải là tỏ ra rằng:/ Mẹ là Đấng đỡ đần chúng con trong mọi nỗi khốn khó sao?

Lạy Mẹ Maria!/ Nay con kêu van lòng nhân từ Mẹ;/ con trông cậy ở lòng khoan dung và lân ái Mẹ./ Xin Mẹ che chở con,/ xin Mẹ cứu vớt con,/ xin Mẹ an ủi con.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

 

 

 

NGÀY THỨ CHÍN

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ nay là cuối tuần chín ngày,/ hằng ngày trong tuần này, con đã đến sấp mình dưới chân Mẹ.

Hôm nay,/ con còn đến thiết tha trông cậy kêu van Mẹ hơn mọi lần khác./ Con tin tưởng vững vàng:/ Mẹ đã nghe lời con,/ Mẹ sẽ ban cho con ơn con xin,/ hay là ơn nào khác quý trọng hơn nữa./ Cậy vì Con của Mẹ,/ cậy vì những đau khổ của Mẹ,/ cậy vì tình yêu đầy lòng từ bi thương xót của Mẹ,/ và nhất là cậy vì tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp,/ xin Mẹ nhận lời con!/ Ôi!/ Tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp nói với con rằng:/ con được quyền nài xin,/ con nên trông cậy,/ con phải trông cậy luôn,/ là trông cậy Mẹ sẽ cứu giúp con/ mỗi ngày mỗi khắc trót đời con;/ mỗi khi con túng ngặt,/ mỗi khi con lâm cơn nguy biến,/ mỗi khi con gặp nỗi gian truân,/ Mẹ sẽ ban mọi ơn cần thiết cho con.

Lạy Mẹ yêu dấu!/ Con hết lòng trông cậy Mẹ./ Con tận tình cảm tạ Mẹ/ vì những ơn Mẹ đã ban,/ và vì những ơn con đang cầu xin với lòng thương yêu vô cùng của Mẹ./ Con sẽ cầu khấn Mẹ cho đến hơi thở sau hết,/ đợi ngày lên Thiên Đàng/ để kính mến ngợi khen/ và cảm tạ Mẹ đời đời vô cùng. Amen.

(Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh “Hãy Nhớ”)

KINH HÃY NHỚ

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ,/ xin hãy nhớ / xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ / xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời./ Nhân vì sự ấy,/ con lấy lòng trông cậy than van / chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ / là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh,/ xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi.

Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế,/ xin chớ bỏ lời con kêu xin,/ một dủ lòng thương mà nhậm lời con cùng. Amen.

 

 *  Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

–  Xin cầu cho chúng con.

*  Lạy Thánh Anphongsô

–  Xin cầu cho chúng con.

…………………***………………….

 

KINH KẾT THÚC

 

Lạy Mẹ Hằng Cứu giúp, / cúi xin Mẹ ban phép lành cho chúng con, / theo lòng Mẹ hay nhân ái. / Chớ chi phép lành Mẹ ban, / hằng ở cùng chúng con luôn,  / hầu trong mọi nơi, mọi giờ, con hằng được ơn Mẹ dìu dắt, che chở, ủi an / và cứu giúp chúng con luôn.

 Xin Mẹ ban phép lành cách riêng cho sự chúng con đã dốc quyết, / là chạy đến cùng Mẹ trong hết mọi dịp, / và trở về cùng Mẹ trong những khi làm việc khẩn cầu. /   

Cúi xin Mẹ lành hằng gìn giữ chúng con, / đẹp lòng Mẹ luôn ở đời này và đời sau vô cùng.  Amen.

 

 

 

KINH DÂNG MÌNH

CHO ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

 

Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria cao quang vinh hiển / dưới Đức Chúa Trời thì con cậy trông một mình Mẹ khi sống và khi chết / bởi lòng con con ước ao làm tôi Mẹ / hằng chí thiết và phó trót mình trong tay Mẹ / nên hôm nay con nguyện dâng mình lại vào hội thật tốt lành / là hội “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” mà tôn kính Mẹ.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp rất nhân lành / nay con phó thác xác hồn con trong tay Mẹ / xin Mẹ hằng bầu chữa con / hằng che chở con khỏi tay ma quỷ / hằng gìn giữ con cho được lòng thanh sạch / hằng giúp đỡ con bền lòng sốt sắng / xin Mẹ đón nhận  con làm con của Mẹ / cho được nhờ ơn Mẹ phù hộ chở che. / Con quyết chí từ này về sau / hết lòng sốt sắng làm tôi Mẹ / cùng ra sức làm cho mọi người mến yêu Mẹ.

Lạy Mẹ nhân lành / xin cứu giúp con / cùng ban ơn cho con một lòng nhớ Mẹ không nguôi / và hằng cầu nguyện cùng Mẹ rằng: / Lạy Nữ Vương quản trị lòng con, / lạy Đức Mẹ là Mẹ con / xin hãy nhớ con đã thuộc về Mẹ / và gìn giữ con là con riêng Mẹ.

Thân lạy thánh Anphongsô là quan thầy bầu chữa con rất yêu mến / xin cầu cho chúng con được kính mến Đức Chúa Giêsu hết lòng / và tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho đến trọn đời. Amen.