06/10/2024

Kitô hữu được mời gọi tiếp tục giữ vai trò sinh động và tích cực trong việc loại bỏ những bức tường hữu hình hay vô hình, thay vào đó là bắc những nhịp cầu hòa giải, đối thoại và bình an.

Audio

Ngày 09/11 vừa qua, đánh dấu 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, một sự kiện đánh dấu hiện tại và tương lai của châu Âu và thế giới. 28 năm, 2 tháng và 27 ngày; đó là thời gian Bức tường Berlin tồn tại, phân tách phần phía tây của thành phố Berlin thuộc Cộng hòa Liên bang Đức – được hỗ trợ bởi hệ thống tư bản – với phần phía đông của Cộng hòa Dân chủ Đức – được hỗ trợ bởi Cộng sản Liên Xô.

Bức tường là một vết thương vô cùng lớn

Trong một cuộc phỏng vấn hôm đầu tháng 11 dành cho báo Eco di Bergamo, Đức Hồng y Walter Kasper, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đại kết, đã nhận định: “Bức tường là một vết thương vô cùng lớn. Nó đã chia rẽ gia đình, bạn bè, đã phá vỡ cuộc sống của châu Âu và thế giới nói chung. Thật vậy, chính xác là nó đã đóng đinh lịch sử trong hệ thống lưỡng cực, nó đã định nghĩa một kỷ nguyên”.

Kết quả sự dấn thân lâu dài và vất vả của nhiều người

Và Bức tường Berlin đã biến mất chỉ trong một đêm. Bức tường Berlin sụp đổ nghĩa là bắt đầu sự thống nhất của một đất nước bị chia cắt và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ngày 09/11/2014, kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Sự sụp đổ xảy ra bất ngờ, nhưng có thể là do sự dấn thân lâu dài và vất vả của nhiều người đã chiến đấu, cầu nguyện và đau khổ, một số người thậm chí đã hy sinh mạng sống”.

Hy vọng của nhân loại về công lý, tự do và hòa bình

Sau khi Bức tường sụp đổ, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ sự gần gũi với Hội đồng Giám mục Berlin thông qua một bức thư có nội dung: “Trong những ngày diễn ra những thay đổi sâu sắc ở quê hương của anh em, tôi cảm thấy rất gần gũi với anh em và toàn dân của anh em trong sự liên đới Kitô giáo. Cùng với anh em, tôi cầu xin rằng, với sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, hy vọng của nhân loại về công lý, tự do và hòa bình nội tâm cũng như bên ngoài có thể được thực hiện”. Trong lá thư đó, ngài cũng yêu cầu các tín hữu, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với tất cả những người thiện tâm, hiệp nhất với các Kitô hữu truyền giáo, làm mọi điều có thể, ngay cả khi họ là một cộng đoàn bé nhỏ, để canh tân bộ mặt trái đất ở đất nước của họ.

Vai trò của các Giáo hội Kitô

Nếu không có vai trò của các Giáo hội, chủ yếu là Tin lành, sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11/1989 đã không diễn ra theo cách thức ôn hòa tại Đông Đức. Các giáo hội đã cung cấp một không gian tự do cho công dân, các lực lượng đối lập được bảo vệ và các giáo hội đóng vai trò điều phối quan trọng trong giai đoạn thống nhất nước Đức.

– Các nhà thờ là nơi trú ẩn và an ninh

Đức Hồng y Walter Kasper cũng chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề này. Ngài nói: “Các Kitô hữu đã giữ vài trò căn bản trong sự sụp đổ của bức tường Berlin. Các nhà thờ là nơi trú ẩn và an ninh, nơi người ta đến để suy tư. Vào mùa hè năm 1989, các nhà thờ đã trở thành trung tâm của cuộc cách mạng ôn hòa. Tôi thường đến Đại học Erfurt ở Đông Đức, nơi việc nghiên cứu thần học đã trở thành một trụ cột của hy vọng về tự do. Người Đức không bao giờ mất hy vọng vì họ tiếp tục học, bất chấp tổ chức gián điệp và an ninh của Đông Đức.”

Biến động chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Đức thường được mô tả là một “cuộc cách mạng Tin lành”. Mới đây, cựu Thủ tướng Matthias Platzeck đã đề cập đến vai trò quan trọng của các Kitô hữu trong các nhóm đối lập, cũng như ảnh hưởng quyết định của các vị lãnh đạo của các Giáo hội.

Ba mươi năm sau sự kiện, người Đức vẫn còn nhớ hình ảnh những ngôi nhà thờ đông đúc, như nhà thờ Ghetsemani và Sion ở Đông Berlin, hay nhà thờ thánh Nicola ở Leipzig, nơi diễn ra các sự kiện lớn. Vào hậu bán thập niên 1980, nhiều giáo xứ Tin lành đã trở thành nơi bảo vệ cho các nhóm đối lập khác nhau.

Vào năm 1989, số người Tin lành ở Cộng hòa Dân chủ Đức khoảng 5 triệu, và số Công giáo là một triệu, trong tổng số 16,6 triệu dân. Trong mọi trường hợp, các Giáo hội là các tổ chức duy nhất tại Cộng hòa Dân chủ Đức có thể khẳng định sự độc lập của họ đối với nhà nước. Đối với nhiều thành viên, đó là không gian nơi người ta không chỉ có thể thoải mái suy tư mà còn thực hành các hình thức tham gia dân chủ.

 – Vai trò điều phối của các Giáo hội

Trên hết, các giáo hội giữ vai trò quan trọng nhất trong giai đoạn một năm sau khi bức tường bị sụp đổ và trước khi thống nhất vào tháng 10/1990. Trong thực tế, từ 07/12/1989, chính phủ Đông Đức mới đã đồng ý thảo luận với các nhóm đối lập và các giáo hội tại một bàn tròn trung tâm. Ở hầu hết mọi nơi mà đại diện của chế độ cũ và các lực lượng mới cùng nhau tổ chức một cuộc chuyển tiếp hòa bình, các giáo hội đã phụ trách nhiệm vụ điều phối.

Các mối quan hệ khác nhau sau đó đã xuất hiện: trong khi nhiều người theo đạo Tin lành có cảm tình với Đảng Dân chủ Xã hội thì nhiều người Công giáo đã bị thu hút bởi đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ. Do đó, vào năm 1990, tại các nghị viện mới của các bang, nhiều người Công giáo bất ngờ chiếm giữ các vị trí lãnh đạo. Đây là trường hợp của tất cả các bộ trưởng-thống đố của các bang, ngoại trừ bang Brandenburg, nơi luật sư của giáo hội Tin lành Manfred Stolpe giành được đa số phiếu cho Đảng Dân chủ Xã hội. Sau khi nước Đức thống nhất, các giáo hội đã rút lui khỏi các vấn đề chính trị.

Những bài học từ Bức tường Berlin sụp đổ

Bức tường Berlin sụp đổ nhưng những bức tường vật chất và đặc biệt là ý thức hệ vẫn còn rất nhiều. Theo Đức Hồng y Kasper, Bức tường đã để lại những bài học cuối cùng sau đây: “Thứ nhất: trước các Bức tường, niềm hy vọng về sự sụp đổ của chúng không bao giờ mất. Thứ hai: mọi biên giới được hình thành là để vượt qua và ôm lấy những người ở đó. Thứ ba: để làm điều đó, cần có sự kiên nhẫn và can đảm và ngay cả tin tưởng một tí vào phép lạ. Thứ tư: tin chắc rằng nhiều thứ không bao giờ được thiết lập mãi mãi và thế giới luôn cân bằng. Thứ năm: không bao giờ tin rằng chúng ta là những người tốt nhất trong lịch sử, chỉ bởi vì chúng ta ở phương Tây. Thứ sáu và cũng là bài học cuối cùng: mơ ước tự do thì dễ dàng, sống tự do thì khó hơn rất nhiều. Nó áp dụng cho tất cả mọi người”.

Hồng Thủy – Vatican