24/11/2024

60 NĂM GIÁO PHẬN MỸ THO

1960 – 2020

 Bài 1. QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ

 Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum về việc thiết lập Hàng giáo phẩm tại Việt Nam với những nội dung quan trọng:

– Quyết định thiết lập ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

– Quyết định thiết lập ba Giáo phận mới thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn: Giáo phận Đà Lạt với Nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Nicôla Bari; Giáo phận Mỹ Tho với Nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội; Giáo phận Long Xuyên với Nhà thờ chính tòa sắp được xây dựng.

– Bổ nhiệm các Giám mục chính tòa: Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho; Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, Giám mục chính tòa Giáo phận Vĩnh Long; Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ; Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên.

Tiếp theo đó, ngày 27 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lại ban hành sắc chỉ Quod Venerabiles Fratres, trong đó ngài đưa ra quyết định liên quan đến Giáo phận Mỹ Tho: “Những khu vực hành chánh quen gọi là Long An, Kiến Tường, Kiến Phong và Định Tường, Ta tách ra khỏi Giáo phận Sài Gòn và thiết lập thành Giáo phận mới gọi là Mỹ Tho theo tên tỉnh lỵ Mỹ Tho”.

Ngoài ra, ngày 14 tháng 1 năm 1961, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII còn ban hành thêm sắc chỉ Jam in Pontificatus với những huấn thị cụ thể cho Hàng Giáo phẩm và toàn thể giáo dân tại Việt Nam.

Những sắc chỉ trên ghi dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Theo lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, những sắc chỉ này làm nên “biến cố hết sức quan trọng, phong phú ý nghĩa, và đem theo nhiều hứa hẹn cho sự thống nhất thiêng liêng và đời sống Công giáo tại Việt Nam”.

Trong năm kỷ niệm 60 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, cũng là 60 năm Giáo phận Mỹ Tho, việc nhớ lại những huấn thị của Thánh Gioan XXIII gợi lên trong chúng ta nhiều tâm tình.

  1. Trước hết là niềm vui vì sự phát triển và trưởng thành của Hội Thánh tại Việt Nam. Thật vậy, Tòa Thánh nhìn nhận sự phát triển rất nhanh của Dân Chúa tại Việt Nam: “Quyết định trên đây được chấp thuận cách chính đáng vì những tiến bộ khả quan đã đạt được tại Việt Nam. Năm 1890, dân số Công giáo mới có 812.000 người; năm 1927 lên tới 1.237.249 người; ngày nay (năm 1960) đã vượt quá số 1 triệu rưỡi”. Sự phát triển đó là “bằng chứng nâng cao giá trị của những truyền thống Công giáo tại Việt Nam, truyền thống đã được in dấu bằng máu Các Thánh Tử Đạo, và máu này đã sản sinh ra nhiều giáo dân”. Từ đó, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm được coi là dấu chỉ một Hội Thánh trưởng thành: “Từ nay hầu hết các Giáo phận ở Việt Nam sẽ do các Giám mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ”.

Niềm vui đó khơi lên trong chúng ta lòng biết ơn vì có được sự phát triển và trưởng thành ngày nay là nhờ biết bao công sức của các bậc tiền nhân, cách riêng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời, không thể không nói đến công sức và sự hi sinh của các Giáo sĩ nước ngoài, “trải qua 3 thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng vườn nho thiêng liêng của Chúa tại nơi đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, biết bao hi sinh nặng nhọc, có khi bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thiết lập Hàng Giáo phẩm ngày nay”.

Cùng với lòng biết ơn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Hội Thánh trong hiện tại cũng như tương lai. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhấn mạnh đặc biệt đến hai việc. Một là phải quan tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ: “Các vị lãnh đạo phải lưu ý đặc biệt đến việc đào luyện những thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, vì họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân”. Hai là vai trò của giáo dân: Thánh Gioan XXIII kêu gọi giáo dân hãy nhìn sự kiện này như một “tiếng gọi, nhắc nhở người Công giáo phải ý thức rõ rệt nghĩa vụ của mình trong tư cách là người Công giáo và là công dân trong một đất nước”.

Những tâm tình này cũng phải là những tâm tình của chúng ta – các tín hữu thuộc Giáo phận Mỹ Tho, khi kỷ niệm 60 năm ngày khai sinh Giáo phận (1960-2020).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khả

Nguồn: giaophanmytho.net