LỜI CHÚA
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6)
BÀI HỌC
Đức Giêsu đã khẳng định Ngài là đường để chúng ta cất bước và bước theo Chúa thì không bao giờ lầm lạc vì Ngài là chân lý, đồng thời bước theo Chúa là tìm gặp được hạnh phúc vĩnh cửu vì Ngài cũng chính là sự sống đời đời.
1- Tại sao bạn chọn đạo Công Giáo ?
Trong thế giới hôm nay, ít nhiều bạn cũng đã nghe nói đến Kitô giáo, đã từng tiếp xúc với những người theo Kitô giáo, và hôm nay bạn muốn tìm hiểu Kitô giáo. Nhân loại hôm nay có rất nhiều tôn giáo, và có lẽ chính bạn cũng đã có một tôn giáo hay một tín ngưỡng, một niềm tin nào đó, kể cả niềm tin vào một chủ nghĩa.
Vậy tại sao bạn lại muốn trở thành một Kitô hữu?
Bạn chờ đợi điều gì nơi đạo Công Giáo?
Nhiều người chủ trương đạo nào cũng như đạo nào, vì hết mọi tôn giáo đều dạy ăn ngay ở lành. Thực ra, chủ đích của tôn giáo là đưa tới chân lý chứ không phải chỉ dạy luân lý.
Đạo Công Giáo chủ trương: “Các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự. Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó” (NK 2).
Bạn tìm đến với tôn giáo có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trên hết, bạn theo đạo là vì bạn muốn tôn thờ một Đấng Tối Cao, Cội Nguồn của thế giới và con người. Cứ tạm gọi Đấng ấy là Thiên Chúa, Chủ Tể của trời đất. Bạn tìm kiếm và muốn gặp gỡ Thiên Chúa, đó là chủ đích của tôn giáo. Nhưng Thiên Chúa lại là Đấng Vô Hình, không ai trông thấy, cũng chẳng ai biết rõ về Ngài. Chỉ có Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, đã xuống trần gian làm người, dạy cho loài người biết họ là con Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương. Đó là một Tin Mừng. Tin Mừng được bắt đầu từ một con người là Đức Giêsu, người làng Nagiaret thuộc đất nước Ít-ra-en (Do Thái) cách đây hơn hai ngàn năm. Tin Mừng chỉ cho chúng ta con đường đến với Thiên Chúa là sự hoán cải, là trở nên giống Chúa Giêsu để bước theo Ngài mà về với Thiên Chúa là Cha, là Quê Hương cuối cùng.
Vậy niềm tin này có gì là trái với khoa học không ?
2- Tôn giáo và khoa học.
Tôn giáo và khoa học, tự bản chất, không mâu thuẫn nhau. Mỗi bên có một lãnh vực riêng, không loại trừ nhưng bổ túc cho nhau.
Khoa học tìm hiểu định luật của sự vật, nghĩa là giải thích cơ cấu, cách vận chuyển và tương quan giữa các vật thể. Khoa học có nhiều ưu điểm như : minh bạch, chính xác, chắc chắn và phổ quát. Tuy nhiên, khoa học cũng có giới hạn vì đối tượng của khoa học là thế giới vật thể (thuyết tương đối của Einsten). Vì thế khoa học không thể giải đáp hết mọi vấn đề, nhất là những vấn đề căn bản của đời người. Ví dụ : Con người là gì ? Bởi đâu mà ra và đang đi về đâu? Và tại sao lại đau khổ và chết ?
Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với con người được ghi lại thành sách dưới sự soi sáng của Chúa. Vì thế, Thánh Kinh không chủ ý dạy khoa học, nhưng dạy các chân lý tôn giáo nên không thể nói nội dung Thánh Kinh phản khoa học. Thánh Kinh có thể mượn các quan niệm khoa học để đưa dẫn người ta đến cùng đích là Thiên Chúa.
3- Gặp gỡ Thiên Chúa
Theo đạo không phải chỉ để gia nhập một đoàn thể, một câu lạc bộ để mỗi Chúa Nhật đến sinh hoạt lễ tế. Theo đạo cũng không phải là chấp nhận một lý thuyết hay một mớ luật lệ, nhưng là gặp gỡ một người và người đó là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Vì thế, trở thành Kitô hữu trước hết là gặp Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, và khám phá ra tình yêu vô tận của Ngài trong chính cuộc đời của mình. Đó là lý do tại sao Hội Thánh Công Giáo kiên trì rao giảng Đức Kitô, Đấng là ‘đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14,6), nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hoà mọi sự với mình. (x. NK 2).
Bạn đang được Thiên Chúa yêu thương. Ngài hiện diện trong cuộc đời bạn đã từ lâu, mặc dầu bạn chưa bao giờ nghĩ tới để nhận ra Ngài. Ngay từ ngày hôm nay, bạn có thể nói chuyện với Ngài, và trong ánh sáng tình yêu ấy, cuộc đời bạn sẽ thay đổi dần dần.
Thiên Chúa không hứa ban cho bạn một cuộc đời dễ dãi. Niềm tin tôn giáo không mang lại sự thịnh vượng vật chất, và đi theo Chúa không đương nhiên tránh được mọi khó khăn. Trái lại, con đường đưa đến chân lý thường có chông gai ngập lối. Thiên Chúa đòi buộc những ai theo Ngài phải chọn con đường hẹp, nghĩa là luôn phải hy sinh và phấn đấu. Nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành với bạn, nâng đỡ bạn và bạn sẽ tìm thấy bình an.
Muốn gặp gỡ Thiên Chúa thì bạn phải làm quen và chuyện vãn với Ngài với tất cả tấm lòng của bạn. Bạn có thể gặp Ngài trong tâm hồn vì Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng. Khi bạn lắng nghe và giãi bầy lòng mình với Ngài là bạn đang cầu nguyện với Ngài rồi đó. Bạn cũng nên đọc các Kinh thông dụng mỗi ngày để hiệp thông với mọi người đang trên đường đi theo Chúa. Bạn cũng có thể đọc và suy niệm Thánh Kinh để lắng nghe điều Chúa muốn nói với chính bạn.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con đang tìm kiếm Chúa như nai kia tìm đến suối trong, như lính canh mong đợi hừng đông, bởi vì như thánh Augustinô đã nói: “Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”. Xin Chúa soi sáng để con học biết tường tận Giáo Lý của Chúa.
Bài hát : Chúa là Chân Thiện Mỹ, trang 192
Học Kinh : Cúi xin Chúa sáng soi, trang 11
TÓM LƯỢC
1* Theo đạo là gì ?
– Theo đạo là tìm kiếm và gặp gỡ Đấng Tối Cao, Chủ Tể của trời đất và cũng là cùng đích của đời người, vì chủ đích của tôn giáo là dạy chân lý, chứ không chỉ luân lý.
2* Thánh Kinh và khoa học khác nhau thế nào ?
– Khoa học giải thích các định luật của sự vật, còn Thánh Kinh dạy những chân lý tôn giáo nên không mâu thuẫn nhau.
3* Tại sao phải siêng năng cầu nguyện ?
– Trên đường bước theo Chúa, chúng ta cần ơn Ngài trợ giúp, thì không có gì hữu dụng cho bằng cầu nguyện. Hơn nữa, học Giáo Lý thì có thời hạn, còn cầu nguyện là hành trang suốt cả cuộc đời.
QUYẾT TÂM
Sống ngay lành theo tiếng lương tâm để gặp được Thiên Chúa là nguồn Chân Thiện Mỹ.