22/11/2024

“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” (Lc 17, 18)

13/10/2019 – Chúa Nhật Tuần 28 TN

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

Sách 2V 5,14-17

Ông Na-a-man xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.

Cùng với đoàn tuỳ tùng, ông trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ông vào, đứng trước mặt ông ấy và nói : “Nay tôi biết rằng : trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Ít-ra-en. Bây giờ, xin ngài vui lòng nhận món quà của tôi tớ ngài đây.” Ông Ê-li-sa nói : “Có ĐỨC CHÚA hằng sống là Đấng tôi phụng sự, tôi thề sẽ không nhận gì cả.” Ông Na-a-man nài ép ông nhận, nhưng ông vẫn từ chối. Ông Na-a-man nói : “Nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA.

Thư 2 Tm 2,8-13

Anh hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, như tôi vẫn nói trong Tin Mừng tôi loan báo.

Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích ! 10 Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời. Đây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.    Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.

Tin Mừng: Lc 17, 11-19

Trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Ðang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Ðức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Suy niệm

“Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim.” Chúng ta cảm thấy sốc khi đọc thấy rằng chỉ một người trong mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành quay lại để “cảm ơn” Người. Biết ơn không chỉ là một bổn phận xã hội mà chúng ta chia sẻ, nhưng còn là một cách diễn tả nội tâm chúng ta để nó cũng trở thành một hành vi thiêng liêng.

Câu chuyện của Tin Mừng về việc chữa lành mười người phong cùi có thể đã được mô phỏng theo câu chuyện của Cựu Ước về việc ông Naaman được chữa lành. Naaman, tướng chỉ huy quân đội Syria, là một nhân vật cao sang, một cố vấn tin cậy của nhà vua và một chiến binh dũng cảm, nhưng ông bị bệnh phong cùi, căn bệnh đáng sợ nhất trong thế giới cổ đại. Một cô gái Ítraen, tù nhân chiến tranh, đã giúp vị tướng lớn này tìm ra cách chữa bệnh. Cô gái không được nêu tên nói với vợ tướng Naaman rằng ông sẽ được chữa lành nếu đến gặp “vị ngôn sứ tại Samaria” (2 V 5:3). Trước hết, Naa- man phải xin phép vua Aram, và vua đã cấp thư giới thiệu ông cho vua Ítraen. Naaman mang theo một ít lễ vật cùng với thư giới thiệu của vua Aram rồi đến gặp vua Ítraen. Nghĩ rằng vua Aram có ý khiêu khích mình, vua Ítraen nổi cơn thịnh nộ xé áo ra. Nghe biết chuyện này, ngôn sứ Êlisa xin vua Ítraen truyền cho Naaman đến với mình: “Bệ hạ cứ cho ông ta đến với thần, để ông ta biết rằng có một ngôn sứ ở Ítraen” (2 V 5:8). Đích thân gặp mặt là điều kiện thiết yếu để vị tướng này được chữa lành. Naaman cùng với một đoàn tùy tùng ấn tượng đến gặp ngôn sứ Êlisa. Trên cương vị một ông tướng chỉ huy, Naaman chờ đợi một cuộc chữa bệnh ngoạn mục từ phía ông Êlisa. Nhưng vị ngôn sứ thậm chí không ra gặp Naaman, mà chỉ sai người ra nói cho Naaman biết phải làm gì: đến tắm bảy lần ở sông Giođan (một dấu chỉ tiên tri về phép rửa của chúng ta). Một việc quá đơn giản khiến Naaman không thể tin nổi. Không lẽ ông không cần đích thân gặp vị ngôn sứ? Các con sông ở Đamát lại không tốt hơn các con sông ở đây hay sao? Bài tường thuật gợi ý rằng một phần thì được chữa, còn phần khác thì được lãnh. Chữa là phần thể xác; lành là phần tâm hồn. Naaman tuy tức giận nhưng vẫn làm theo. Khi thấy mình được chữa lành, ông quay lại cám ơn ngôn sứ Êlia và dâng lễ vật để tỏ lòng biết ơn. Đây là lúc mà cuối cùng ông được gặp Êlia diện đối diện. Chữa lành toàn diện, hoán cải thực sự, là kết quả của việc ông vâng lời của vị ngôn sứ, gặp vị ngôn sứ diện đối diện, và cũng là kết quả của nước bí tích của sông Giođan. Đó là một cuộc gặp gỡ dẫn ông tới chỗ nhìn nhận Thiên Chúa của Israel.

Trong bài Tin Mừng này, Luca cho chúng ta gặp lại hình ảnh của người ngoại quốc khi chúng ta đi theo Đức Giêsu trong hành trình của Người. Hành trình này có đích đến là Giêrusalem địa lý, nhưng cùng đích hiện sinh là việc Người hiến dâng sự sống Người trên thập giá, dấu chỉ của sự sẵn sàng vô hạn của Con đối với Cha và công trình cứu độ phổ quát của Người. Đức Giêsu hướng tới Giêrusalem, “thành thánh”, nhưng để đến được nơi ấy, Người đi qua các vùng đất mà người Do Thái cho là quá gần với những người ngoại quốc (gọi là “Galilê của Dân Ngoại”) hay thậm chí là ô uế vì là vùng đất cư ngụ của các dân lạc đạo (dân thành Samaria).

Chính trên con đường đầy nguy hiểm này mà Đức Giêsu gặp nhóm người thuộc số những người bị gạt ra bên lề xã hội nhất: người phong cùi (như Naaman người Syria). Phong cùi là một thứ bệnh da liễu bị coi là một sự trừng phạt cho những kẻ tội lỗi (xem Vua uzziah trong 2 Sbn 26:20). Người ta tin rằng các bệnh nhân cùi không xứng đáng với việc thờ phượng hay sống chung giữa cộng đồng, vì thế các nạn nhân này phải sống cách ly với phần còn lại của xã hội (x. Lv 13:46). Người phong cùi bị loại trừ, bị cưỡng bức đi vào sống tại những nơi hoang vắng, chỉ được sống chung với những người cùi khác, và luôn luôn phải hô to lên mỗi khi họ đến gần các khu dân cư. Họ cũng bị làm nhục vì phải mặc đồ rách rưới và phải trùm kín đầu.

Một nhóm mười người phong cùi đến gặp Đức Giêsu. Họ lớn tiếng kêu xin Người cứu giúp, vì theo luật họ phải đứng từ đàng xa. Họ chỉ có thể sử dụng giọng nói của họ để làm Đức Giêsu chú ý tới: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (Lc 17:13). Khi xưng Đức Giêsu là Thầy, họ nói với Người như các môn đệ thường nói với thầy mình. Đức Giêsu nhìn thấy và chú ý đến họ, yêu cầu họ làm một hành động cụ thể: “Hãy đi trình diện với các tư tế” (Lc 17:14). Tại Ítraen, các tư tế là những người có thẩm quyền xác nhận một người có bệnh phong cùi hay đã được sạch khỏi phong cùi (x. Lv 13:9-10; 14:2).

Khi đến gặp Đức Giêsu, những người phong cùi đứng ở xa xa. Đó là vì họ phải giữ khoảng cách dựa theo luật thanh sạch (x. Lv 13:45-46). Điều này cũng có thể cho chúng ta thấy rằng những người bệnh tật này – giống như những người dân ngoại, bị coi là “những người ở xa” (Cv 2:39) – bất chấp sự tủi hổ vì hoàn cảnh tật nguyền của mình, sẽ nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa. Đây là một chi tiết để dạy chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng đi bước trước và xoá bỏ những khoảng cách. Các người phong cùi thưa với Đức Giêsu là “Thầy” thay vì “Chúa”, điều này có thể cho thấy rằng đức tin của họ lúc này mới chỉ là sơ khởi. Họ xin Người dủ lòng thương xót và họ vâng lời Người dạy, nhưng họ không nhận ra được ý nghĩa đích thực của việc họ được chữa lành.

Luca nhấn mạnh sự kiện Đức Giêsu “nhìn thấy” mười người phong cùi khi Người đáp lại tiếng kêu xin của họ. Ở những chỗ khác trong Tin Mừng của ông, Luca cũng liên kết “nhìn thấy” với “cứu thoát” (xem, chẳng hạn, Lc 13:12). Trong sự gặp gỡ sơ khởi này, việc chữa lành không xảy ra ngay lập tức, như trong trường hợp của ông Naaman. Trung thành với sách Luật, Đức Giêsu ra lệnh cho các người phong cùi đến trình diện với các tư tế (x. Lc 17:14). Vì vậy, việc chữa lành thường bao gồm việc nghe lời của Đức Giêsu, và như trong trường hợp của Naaman, cũng bao gồm việc tỏ lòng biết ơn người chữa lành mình. Chín người phong cùi kia, mặc dù đã có ý tốt khi vâng lời Đức Giêsu và được đặc ân gặp Người trực tiếp, nhưng họ không thể chấp nhận sự mạo hiểm lớn nhất: quay trở lại với Đức Giêsu. Chỉ có một người quay trở lại, mà lại là một người Samaria, đồng nghĩa với một “kẻ thù”. Nhưng khi “nhận ra” (một số bản dịch là “thấy”) mình đã được chữa lành, anh liền quay trở lại gặp Đức Giêsu (x. Lc 17:15). Theo Luca, “thấy” ở đây có nghĩa là đôi mắt đức tin của người Samaria này đã được mở ra. Bây giờ, đây là vấn đề có một quyết định cá vị đối với đức tin ấy, và nó xảy ra khi người này quyết định “quay trở lại” với Đức Giêsu. Việc người ngoại quốc này hăng hái tôn vinh Thiên Chúa, phục mình xuống chân Thầy để tạ ơn Thầy, chứng tỏ rằng trong cuộc gặp lần thứ hai này của anh với Đức Giêsu, người Samaria này không chỉ đơn thuần bày tỏ lòng biết ơn của mình, mà còn trải nghiệm một sự chữa lành toàn diện và một sự biến đổi bên trong. Thông thường lòng biết ơn được bày tỏ cho Thiên Chúa; đây là lần duy nhất trong Tân Ước mà lòng biết ơn được bày tỏ cho Đức Giêsu. Cuối cùng, người ngoại quốc này, sau khi được biến đổi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, bây giờ anh sẵn sàng được sai đi cho một sứ mạng: “Đứng dậy và đi đi” (Lc 17:19; cũng xem Lc 10:3).

Việc chữa lành của cả ông Naaman và của mười người phong cùi đều là những câu chuyện xoay quanh chủ đề về sự hoán cải bên trong xảy ra nhờ một sự gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này diễn ra xuất phát từ một khủng hoảng cá nhân, như một căn bệnh nghiêm trọng chẳng hạn, và nó là một sáng kiến của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của đương sự là đi bước tiếp theo bằng các nhìn nhận và đón nhận ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này để dẫn đến sự hoán cải.

Sự chữa lành chỉ có thể xảy ra cho những người mà nơi họ có sự đan xen giữa việc chữa trị thể xác và lòng biết ơn; chữa lành thể xác và hoán cải tâm hồn đan xen với nhau. Nước sông Giođan và việc đi trình diện với các tư tế nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động bí tích trong công trình cứu độ. Đây không phải là một sự chữa trị thuần tuý có tính chất cá nhân và trừu tượng. Từ tình trạng bị cách ly và bị loại trừ, chúng ta được hòa giải hoàn toàn với chính mình, trong thân xác mình, và với cộng đoàn, vì chúng ta được giao hòa tự thâm tâm với Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô nhờ hành động của Hội Thánh. Giống như ông Naaman và mười người phong cùi, chỉ những ai trải qua kinh nghiệm của sự hiệp thông thanh tẩy và giao hòa này mới có thể được tái hội nhập vào cộng đoàn và được sai đi làm sứ mạng.

Sứ mạng của Hội Thánh đem đến và truyền thông ơn cứu độ của Thiên Chúa bởi vì nó tại tạo những con người từ sự huỷ diệt của tội lỗi, từ sự chia lìa của thần chết. Đón nhận Tin Mừng có nghĩa là đi vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, chấp nhận cái chết tại sinh của Người và chiêm ngắm sự trung thành của Người trong sự sống lại. Được tái sinh trong giếng rửa tội, sông Giođan mới của Hội Thánh, và biết ơn vì sự cứu độ mà chúng ta không đáng được, chúng ta được làm cho trở thành những người truyền giáo trong các trải nghiệm của đời sống: hãy đứng dậy, đi đi, trở về nhà mình. Những người khác có thể được chọn làm những môn đệ truyền giáo tại những vùng đất xa lạ, có thể là thù nghịch và ngoại giáo: Galilê của Dân Ngoại, Samaria của dân lạc đạo, và Syria của lương dân.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng