“Bị bách hại hơn bao giờ hết. Tập trung vào cuộc đàn áp chống Kitô giáo giữa các năm 2017 và 2019”, là tên tài liệu nghiên cứu của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, được trình bày hôm 24/10, tại nhà thờ thánh Bartolomeo ở Roma, là nơi mà thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II muốn là nơi tưởng niệm các vị tử đạo mới của thế kỷ XX và XXI.
Cứ 7 Kitô hữu thì có một người bị bách hại vì đức tin
Theo tài liệu nghiên cứu, cứ 7 Kitô hữu thì có một người bị bách hại vì đức tin của mình; gần 300 triệu Kitô hữu sống tại các miền đất bị bách hại. Ngày nay, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị ảnh hưởng nhiều nhất và là trung tâm của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đang chuyển từ Trung Đông sang châu Phi, Nam Á và Đông Á.
20 quốc gia bách hại Kitô hữu khốc liệt
Tài liệu trình bày sự gia tăng bách hại mạnh mẽ tại 20 quốc gia: Arập Sauđi, Burkina Faso, Camerun, Trung Quốc, Bắc Hàn, Ai Cập, Eritrea, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Iraq, Myanmar, Niger, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Trung Phi, Siria, Sri Lanka và Sudan, những quốc gia đáng lo ngại do sự vi phạm nhân quyền mà các Kitô hữu phải chịu.
Châu Phi là mặt trận mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
Tài liệu cho thấy châu Phi là mặt trận mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan: trong số 18 linh mục và một nữ tu bị giết trong năm 2019 thì có 15 vị bị giết tại châu lục này. Các nhóm Hồi giáo như Boko Haram, sắc tộc Fulani, Al-Quaeda, Isis, đã gây ra bạo lực. Tại Sudan và Eritrea, các Kitô hữu bị Nhà Nước đe dọa và chiếm hữu và đóng cửa các trường học và bệnh viện.
Nam Á và Đông Á đang trở thành chiến trường mới của hoạt động thánh chiến
Miền Nam và Đông Á đang trở thành chiến trường mới của hoạt động thánh chiến. Bắc Hàn là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với Kitô hữu. Cuộc sống Kitô hữu Trung Quốc thêm khó khăn sau khi Quy luật mới về hoạt động tôn giáo có hiệu lực hồi tháng 02/2018. Nhà nước Hồi giáo tấn công Sri Lanka vào Chúa Nhật Phục sinh khiến 258 người thiệt mạng.
Tình hình Kitô hữu Trung Đông là đáng lo ngại nhất. Trước năm 2003, Kitô hữu Iraq là 1,5 triệu, nhưng vào hè năm nay còn không đến 150 ngàn, giảm 90%. Tại Siria, giữa năm 2017 chỉ còn gần 500 ngàn Kitô hữu, so với 1,5 triệu vào năm 2011. (REI 24/10/2019)
Hồng Thủy – Vatican