Ba tôn giáo: Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo cùng khẳng định chống lại an tử và trợ tử, đồng thời dấn thân bảo vệ sự sống ngay cả khi bệnh nhân gần với cái chết.
Sáng 28/10, đại diện các tôn giáo độc thần có cùng tổ phụ Abraham là Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, đã ký Tuyên ngôn chung về vấn đề kết thúc sự sống.
Mở đầu, Tài liệu xác định tính chất phức tạp và gây tranh cãi của các vấn đề luân lý, tôn giáo, xã hội và pháp luật trong việc chăm sóc các bệnh nhân giai đoạn cuối đời. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với các tiến bộ khoa học, chủ đề về quyết định chấm dứt sự sống càng thêm phức tạp.
Mục đích của Tuyên ngôn chung
Mục đích của Tuyên ngôn chung là trình bày lập trường của các tôn giáo độc thần có cùng tổ phụ Abraham về các giá trị và thực hành đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, vì lợi ích của bệnh nhân, của gia đình, của nhân viên y tế và những trách nhiệm chính trị liên quan đến một trong những tôn giáo này.
Tuyên ngôn cũng giúp cho các nhân viên y tế hiểu tốt hơn, tôn trọng, giúp đỡ và an ủi các tín hữu và gia đình trong giây phút cuối đời. Một mục đích nữa là thăng tiến sự hiểu biết hỗ tương và cộng lực giữa các phương pháp khác nhau trong các truyền thống tôn giáo độc thần và đạo đức đời liên quan đến niềm tin, giá trị, thực hành cho các bệnh nhân giai đoạn cuối.
Chống trợ tử
Tuyên ngôn chung chống lại mọi hình thức trợ tử vì nó trái ngược với giá trị của sự sống con người và là hành động sai trái cả về khía cạnh luân lý đạo đức lẫn tôn giáo.
Trợ giúp của cộng đồng và trợ giúp thiêng liêng
Tuyên ngôn đề cao sự trợ giúp của cộng đồng đối với bệnh nhân cũng như với gia đình. Sự trợ giúp thiêng liêng và tôn giáo được Tài liệu định nghĩa là quyền căn bản của bệnh nhân và bổn phận của cộng đồng tôn giáo. (REI 28/10/2019)
Hồng Thủy – Vatican