“Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29)
30/10/2019 – Thứ tư Tuần 30 TN
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Bài Ðọc I: Ep 6, 1-9
Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”.
Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.
Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Ðức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.
Tin Mừng: Lc 13, 22-30
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta”.
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.
Suy niệm
Chính Thánh Thần cho chúng ta hợp với toàn thể tạo vật và loài người trong tiếng kêu gào khao khát ơn cứu độ. Bị chi phối bởi các mối lo lắng hằng ngày, chúng ta không biết phải cầu xin điều gì thực sự là thiết yếu cho mình. Và vì thế Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết cầu xin và mong đợi điều gì thực sự là tốt lành mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta. Người Kitô hữu mở lòng mình ra cho Thần Khí, Đấng biến niềm khát khao ơn cứu độ của toàn vũ trụ thành những lời cầu xin và mong đợi khẩn thiết. Chúa Cha sẽ không tự mình áp đặt giải pháp cần thiết, nhưng sẽ thực hiện ước muốn mãnh liệt này của trái tim chúng ta, giống như một cuộc cuộc gặp gỡ tình yêu được mong đợi từ lâu. Được tạo dựng với một niềm khát khao như thế, chúng ta sẽ được thoả mãn nhờ sự khẩn cầu và tự nguyện gắn bó.
Tội lỗi và sự chết của chúng ta đã được Chúa Thánh Thần đưa vào trong sự hiệp thông của Người với Chúa Cha và Chúa Con. Trong tình yêu dồi dào vô biên của Người, Thiên Chúa đốt cháy nơi Người mọi hình thức sự dữ, đưa nó trở về lại tình trạng nguyên thuỷ của sự thiện và sự thật, mở ra cánh cửa ơn cứu độ cho mọi loài. “Với những ai gắn bó với Chúa Giêsu, sự dữ là một kích thích để họ luôn luôn lớn lên trong tình yêu,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018. Là kết quả chiến thắng của Đức Kitô trên thập giá nhờ sự phục sinh của Người, ơn cứu độ trở thành nội dung, lý do, mục đích và phương pháp của mọi sự dấn thân truyền giáo của Hội Thánh được sai đến thế giới này.
Có phải rất ít người được cứu rỗi không (x. Lc 13:23)? Là câu hỏi gây rất nhiều tranh cãi vào thời Đức Giêsu, và có lẽ cả hôm nay cũng thế. Và chúng ta, những người nghèo hèn hay cao sang, có sẽ thuộc số những người được chúc phúc không? Chủ đề cứu rỗi là chủ đề trọng tâm đối với Thánh Luca và là chủ đề chính trong Tin Mừng của ngài. Trên thực tế, chủ đề này đã có mặt ngay cả trong những câu chuyện về thời niên thiếu của Đức Giêsu: Trong kinh Magnificat, Đức Maria hoan hỉ trong Chúa, Đấng cứu độ của Mẹ (x. Lc 1:47); các thiên sứ loan tin cho các mục đồng, “Hôm nay một Ðấng Cứu Ðộ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Ðavít” (2:1); Người là “vị cứu tinh quyền thế của chúng ta” được ông Dacaria hân hoan đón chào trong bài Thánh Thi của ông, vì Người đến cứu dân Người khỏi kẻ thù và đem đến cho họ ơn tha tội (x. Lc 1:7-79). Chính Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ mà Luca loan báo trong Tin Mừng của ngài, là “ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại” (x. Lc 2:32), theo lời Luca thích trích dẫn từ ngôn sứ Isaia (Is 42:6; 49:6). Danh hiệu này hoàn toàn tương ứng với bình minh mới của nhân loại, được khởi đầu khi “Vầng đông từ chốn cao vời” xuất hiện (Lc 1:78).
Đời sống con người phải đối diện nhiều mối đe dọa: thời gian, bệnh tật, kỳ thị, áp bức, đói ng- hèo, chết. Đức Giêsu có quyền năng cứu thoát loài người không? Trớ trêu thay, Giêrusalem nhắm mắt lại để không nhìn thấy ánh sáng của nó và các dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Trên thực tế, các dấu chỉ này đã hiện diện trong hoạt động rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, như Thánh Luca nhấn mạnh bằng thuật ngữ “cứu độ” cả khi ngài viết về việc chữa lành, như trường hợp Đức Giêsu chữa lành người phụ nữ bị băng huyết (“Này con, lòng tin của con đã cứu con. Con hãy đi bình an” (Lc 8:48), chữa lành người phong cùi (“Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:19), người mù thành Giêrikhô (“Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu anh” (Lc 18:42), và con gái ông Giairô (“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu” (Lc 8:50).
Chúng ta gặp thấy nét đặc trưng này trong hai câu chuyện khác: trong trường hợp tha tội cho người phụ nữ có tội, Đức Giêsu nói, “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7:50), và trong trường hợp người thu thuế giàu có và tham nhũng Dakêu được hoán cải, Đức Giêsu nói, “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19:9). Tuy nhiên, tất cả những dấu chỉ này đòi hỏi người bệnh, người có tội, và mỗi người mở lòng mình ra với lòng itn để đón nhận ơn cứu độ là điều cao cả nhất. Các phép lạ chữa lành tỏ lộ ơn cứu độ toàn diện được Đức Giêsu đem đến và thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Vì vậy tác giả Tin Mừng [Luca] nói về một ơn cứu độ đòi hỏi sự thay đổi con tim; sự sám hối và hoán cải là cần thiết để chấp nhận Tin Mừng. Với người hỏi Đức Giêsu về chuyện có phải chỉ một số ít người sẽ được cứu rỗi hay không, câu trả lời của Đức Giêsu đặc biệt đầy đủ và giàu ý nghĩa, đồng thời mở ra một chân trời mới của lịch sử loài người. Chúa sử dụng ẩn dụ về cái cửa hẹp để chỉ về sự thách thức mà những ai muốn vào ơn cứu độ phải đối diện, và dụ ngôn về việc dự tiệc Nước Trời để chỉ ra những tiêu chí cho phép các khách mời được vào nhà của Thiên Chúa.
Với những người tuyên bố, “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13:26), người “chủ nhà” hai lần đáp lại rằng ông không biết họ từ đâu đến. Quả là một lời kết án kinh khủng và bất ngờ chống lại những người sống bất công mà vẫn tự xưng mình là thuộc về Người và có quyền được cứu rỗi. Tính cấp bách của sự hoán trong cải “hôm nay” của đời sống chúng ta được làm sáng tỏ một cách vô cùng ấn tượng. Nhiều người giàu có đã từng được gặp Đức Giêsu, nghe Người giảng dạy, nói chuyện với Người, và thậm chí mời Người đến nhà dự tiệc. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ đã chấp nhận lời Người yêu cầu họ hoán cải và bác ái với người nghèo giống như ông Dakêu đã làm?
Dụ ngôn này cảnh báo chúng ta về kết quả cuối cùng của việc chọn sống một cuộc sống giàu có nhưng vô cảm và sa đoạ. “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có” (Lc 6:24), Đức Giêsu cảnh cáo. Do đó, được cảnh báo về mối nguy của sự giàu có khiến người ta không thể vào Nước Trời, những người nghe Đức Giêsu hỏi Người, “Lạy Chúa, có phải chỉ một ít người sẽ được cứu không?” Tác giả Tin Mừng không để lại một chút mơ hồ nào. Những ai tưởng rằng chỉ cần biết Đức Giêsu lịch sử và giáo huấn của Người, hay được dự các bữa ăn và các việc phụng tự của Người là bảo đảm được cứu rỗi, mặc dù họ sống trong những tội từ chối Thiên Chúa, tham nhũng, bóc lột, hay bất kỳ bất công nào, họ là những người rất sai lầm. Không thể có sự tương hợp giữa ơn cứu độ với việc thiếu đức tin và sống bất công. Mọi người đều được kêu gọi, người Do Thái cũng như dân ngoại, nhưng mọi người đều phải đi qua cửa hẹp. Vi phạm đức công bình và các quyền con người có thể đóng chặt cánh cửa Nước Trời đối với chúng ta. Lối vào cửa thì hẹp, nhưng chưa đóng. Cửa tuy có thể hẹp (x. Lc 13:24), nhưng vì chính Đức Giêsu là cửa của Cha (x. Ga 10:7.9), niềm hi vọng có thể vào và được cứu rỗi trở nên mạnh hơn.
Thánh Luca cảnh báo chúng ta rằng điều này cũng được áp dụng cho người Kitô hữu. Trên thực tế, danh hiệu “Chúa” được gán cho Đức Giêsu trong dụ ngôn này chỉ được dùng bởi những ai nhìn nhận quyền năng cứu độ của danh xưng này. Lời cảnh báo của Đức Giêsu cũng được nói cho cộng đoàn Hội Thánh, để Hội Thánh không mắc sai lầm tự phụ rằng mình bảo đảm được chọn, thay vì đi theo Đức Giêsu trên con đường đức tin, đức cậy, đức mến và đức công bằng. Qui luật này vẫn còn giá trị: cả những người ở xa, những người hèn mọn nhất, những người bị bỏ rơi, những người tội lỗi, những người khác văn hóa và khác tôn giáo, khi họ thi hành bác ái và công bằng, họ có thể trở thành những khách danh dự tại bàn tiệc Nước Trời.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng