Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ sau 28 năm (từ 13/08/1961 đến 09/11/1989) chia đôi thành phố Berlin và nước Đức, các giám mục của Hội đồng Giám mục châu Âu (COMECE) ra một thông cáo, trong đó viết: “Sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào 09/11/1989 là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử châu Âu trong những thập kỷ gần đây. Đó là thời khắc đầy xúc động. Sau hơn 28 năm bị ngăn cách bởi bức tường bê tông, người dân Berlin – người thân, bạn bè và hàng xóm – trong cùng thành phố có thể gặp gỡ, ăn mừng và bày tỏ niềm vui và hy vọng với nhau. Từ thời điểm đó, thế giới đã thay đổi”.
Mở ra con đường cho tự do
Đối với các giám mục châu Âu, sự sụp đổ của bức tường Berlin là một bài học tuyệt vời cho toàn nhân loại.
Các giám mục bày tỏ: “Bức tường là biểu tượng phân chia ý thức hệ của châu Âu và toàn thế giới. Những thay đổi ở Hungary đầu năm 1989, sự sụp đổ của Bức màn sắt vào tháng Tư và cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Ba Lan vào tháng 6 đã lên đến đỉnh điểm với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, một sự kiện mở đường cho việc giành lại tự do, sau hơn 40 năm chế độ áp bức ở các nước Trung và Đông Âu”.
Xây tường không bao giờ là giải pháp
Các Giám mục châu Âu cũng nhấn mạnh rằng: “Sự sụp đổ của Bức tường Berlin không chỉ là một sự kiện kỷ niệm về quá khứ, nhưng nó còn chứa đựng một chiều kích tiên tri. Nó dạy chúng ta rằng xây các bức tường giữa các dân tộc không bao giờ là giải pháp, và đây là một lời mời gọi dấn thân vì một châu Âu tốt hơn và thống nhất hơn.”
Dấn thân vì một châu Âu thống nhất
Các giám mục cho biết: “quá trình chữa lành và hòa giải hết sức tế nhị và khó khăn”. Ngay cả ngày nay, “đối với một số nạn nhân của các chế độ áp bức trong quá khứ, quá trình này vẫn chưa kết thúc; quyết tâm của họ, dấn thân và đau khổ của họ có tính chất quyết định cho tự do mà châu Âu được hưởng ngày nay.”
Các giám mục mời gọi các Kitô hữu châu Âu cùng hợp tác vì một châu Âu tự do và thống nhất qua một quá trình canh tân đối thoại, tôn trọng những kinh nghiệm lịch sử khác nhau và chia sẻ những hy vọng và kỳ vọng về một tương lai hòa bình chung.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đóng một vai trò quan trọng biến cố này, ngài nói: “Châu Âu cần thở bằng hai lá phổi!” – một phía Đông và một phía Tây.
Văn Yên, SJ – Vatican News