28/04/2024

GX.ĐMHCG.SG – Cha Bề Trên Chánh Xứ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Phêrô Đinh Ngọc Lâm CSsR vốn là Cha giáo dạy các Nữ tu thuộc Học Viện Liên Dòng Mến Thánh Giá. Thứ Bảy ngày 23/11/2019, ngài đã cùng với Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hoa, Giáo Sư Học Viện, tổ chức cho khoảng 100 Nữ tu học viên viếng thăm, giao lưu với hai Thiền Viện và một Trường Trung Cấp Phật Học, Cơ sở Ni tại Huyện Long Thành – Tỉnh Đồng Nai. Học viên khóa học “Người Kitô hữu loan báo Tin Mừng” do ngài hướng dẫn cũng góp mặt trong chuyến đi 11 người, trong đó có Ông Cố Phán, Thủ quỹ Ban Thường Vụ Giáo Xứ, Bà Phương, Trưởng Lòng Thương Xót Giáo Xứ.

Đoàn đặt chân đến Thiền Viện Viên Chiếu thuộc Ấp 2 – Xã Phước Bình – Huyện Long Thành – Tỉnh Đồng Nai lúc 8 giờ 15. Thiền Viện này nằm trên một khu đất rộng hơn ba mẫu và hiện có 185 Sư Cô tu tập tại đây dưới sự hướng dẫn của Ni Trưởng Thích Nữ Như Đức.

Đoàn điểm tâm tại Thiền Viện với những món ăn chay khá ngon miệng và được hướng dẫn tham quan cảnh trí nơi đây với không khí thoáng đãng, nhiều màu xanh cây lá, xa tiếng ồn ào phố chợ, một khung cảnh rất phù hợp cho việc Tu Thiền.

Đoàn có mặt trên Thiền Đường lúc 9 giờ 15, mọi người ngồi ngay ngắn có hàng có lớp để được nghe Ni Trưởng thuyết giảng về Tu Thiền. Nói một cách ngắn gọn, Tu Thiền chính là Tu Tâm.

Theo Ni Trưởng thì ai ai cũng có Phật tánh. Phật tánh gồm Thân và Tâm phối hợp. Đất, Nước, Gió, Lửa là 4 đặc tính tạo nên Thân, thuộc vật chất. Người ta thường đồng hóa Thân là mình, nhưng Đức Phật thì không cho Thân là mình.

Mình cần tất cả những vũ trụ bên ngoài để tạo nên hơi thở là sự sống. Hít vào là của mình. Thở ra là của người. Mỗi người đều có thân riêng của mình không ai giống ai.

Như đã nói trên, Thân phải có Tâm phối hợp. Tâm thay đổi nhanh hơn Thân. Không có tư tưởng thì không có vui buồn, sướng khổ. Con người là tư duy. Thiền Tông học về cái Tâm.

Nhắc lại, Tu Thiền chính là Tu Tâm. Tâm có 8 công dụng còn gọi là 8 thức. Năm thức đầu gọi là Tiền Ngũ Thức nghĩa là 5 giác quan gồm mắt, mũi, tai, lưỡi và thân. Thức thứ 6 là ý thức, nó tác động vào ngũ thức để giúp phân biệt, nhận biết. Chấp ngã theo đó mà có, còn gọi là thức ái ngã. Ngũ dục thế gian gồm tài, sắc, danh, thực thùy. Ngồi là tư thế thiền vững vàng nhất. Thức thứ 7 là truyền tống thức có nghĩa là đưa vào đẩy ra, phân biệt mình với người khác. Thức thứ 8 là tàng thức nghĩa là chứa vào. Tám thức trên làm cho mình không nhìn ra đúng sự thật. Tâm, khẩu, ý là 3 nghiệp làm cho mình hạnh phúc hay đau khổ. Tu là trở về với cái tâm của mình.

Nhắc lại, mọi người đều có tính Phật nhưng bị che lấp nên không biết. Ý tưởng của chúng ta là rác che lấp cái tâm trong sáng, cái tâm thiện của chúng ta. Tu Thiền chính là trở về với cái tâm thiện của mình. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Tất cả mọi vật trên đời đều trôi qua. Mọi sự cứ đến rồi lại đi.

Về thuyết nhân quả, nếu làm ác thì quả ác sẽ tới, nếu làm thiện thì quả thiện sẽ tới. Chỉ có 1 Tâm nhưng có 8 công việc gọi là 8 thức là như thế. Ý thức là nguồn gốc của tội. Tu là chuyển thức thành trí (3 thức sau), đổi cái tâm phân biệt thành cái tâm trí tuệ bát nhã. Sau 5 phút giải lao, mọi người trở lại Thiền Đường để nghe giải đáp thắc mắc, sau đó học ngồi thiền.

Phần giải đáp thắc đa diện, phong phú. Nơi đây chỉ ghi lại lời của Ni Trưởng về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Tứ Diệu Đế gồm có Khổ – Tập – Diệt – Đạo. Bát Chánh Đạo là 8 con đường chân chánh giúp con người thoát khỏi đau khổ. Ngồi Thiền theo 2 kiểu: Kiết già, bắt tréo hai chân và Bán già, bắt tréo một chân. Hít một hơi dài, đẩy xuống đan điền. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng sao cho bụng hóp vào. Sau đó hít vào thở ra và đếm 1, cứ như thế đếm đến 10, đừng nghĩ gì khác. Mọi người thực hành 5 phút. Có thể nhắm mắt để không bị chi phối bởi ngoại cảnh. Ngồi thiền xong phải xả thiền: Ấn tay, chân cho máu huyết lưu thông, cúi gập đầu xuống, ngước đầu lên, nhúc nhích hai vai, xoa hai cánh tay, xoa 2 tay, hai hông, chà thắt lưng, thận. Không nên đứng lên đi liền. Từ từ bỏ chân xuống, xoa bóp chân từ trên xuống, xoa bàn chân, xoay cổ chân.

Sau đó mọi người đến nhà ăn dùng bữa trưa chay lúc 11 giờ rồi nghỉ ngơi tự do đến 12 giờ 30 trở lại khu nhà ăn để giao lưu văn nghệ.

Văn nghệ sống động vui nhộn khiến mọi người tỉnh ngủ. Khóa “Người Kitô hữu loan báo Tin Mừng” tham gia 2 tiết mục đơn ca. Bác Tải tự biên tự diễn với bài “Tình yêu cho đi” và Bác Lượng solo bài “Chúa là Chân Thiện Mỹ” của nhạc sĩ Nguyên Kha. Kết thúc mọi người hợp ca bài “Kinh Hòa Bình” của nhạc sĩ Kim Long do Bác Lượng là Ca Trưởng điều khiển.

Cuối cùng là lời cám ơn chân tình, biết ơn của Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Hoa dành cho Ni Trưởng Thiền Viện Viên Chiếu đã dành cho đoàn có cơ hội giao lưu đối thoại liên giúp cho mọi người hiểu thêm về Tu Thiền.

13 giờ 20, xe tiếp tục lăn bánh đến Thiền Viện Thường Chiếu thuộc Ấp 1C – Xã Phước Thái – Huyện Long Thành – Tỉnh Đồng Nai.

Đoàn có mặt tại đây lúc 14 giờ kém 10, mọi người vào Nhà Khách. Sau những nghi thức hân hoan chào mừng, tặng lẵng hoa tươi v.v…, Đoàn chia làm 4 nhóm được các Thầy dẫn đi tham quan Thiền Viện. Được biết, Thầy Thích Nhật Quang là Thầy Trụ Trì nơi đây.

15 giờ 00, Đoàn tiếp tục lên xe đi tiếp đến Trường Trung Cấp Phật Học Đồng Nai – Phân Hiệu Ni do Ni Sư Thích Nữ Tánh Tuệ, thành viên Ban Điều Hành, Thư Ký của Bổn Trường cùng với các Ni cô học viên tiếp Đoàn tại Phòng học.

Sau phần chào mừng, tặng hoa theo nghi thức, mọi người cầu nguyện theo cách Công giáo với bài “Cầu xin Chúa Thánh Thần” và Phật giáo (có hình bài hát đính kèm).

Mọi người nghe Ni Sư Thích Nữ Tánh Tuệ giới thiệu chương trình học, lịch sinh hoạt hằng ngày của học viên. Hai bên cũng có thời gian giao lưu trao đổi về nhiều lãnh vực học tập, tôn giáo. Điều này giúp học viên hai bên mở rộng thêm kiến thức về tôn giáo bạn.

Xin ghi lại đây những chữ ghi trên bảng:

Khơi nguồn hiểu biết.

Mở lối yêu thương.

Xứ sở của giây phút hiện tại đón mừng bạn.

Lắng nghe để hiểu. Nhìn lại để thương.

Đoàn đã hát giao lưu nhiều bài hát với học viên tại đây trong đó có bài “Gặp gỡ Đức Kitô”.

16 giờ 10 mọi người được tiếp đãi bằng những món chay, đặc biệt là món Flan nhiều người thích lắm. Sau đó mọi người đi thăm trai đường, ngắm phong cảnh nơi đây.

17 giờ, Đoàn lên xe về Tu Viện Sài gòn đúng 18 giờ 35 phút. Một chuyến đi quả thật hữu ích! Mọi người tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Maria, cám ơn Cha Bề Trên Chánh Xứ, cám ơn bác tài, cám ơn nhau, ra về bình an trong khi trời mưa nhẹ hạt.

 

Một Nắng Hai Sương

Những hình ảnh tại Thiền Viện Thường Chiếu

  

Những hình ảnh tại Thiền Viện Viên Chiếu