24/11/2024

“Khi gặp những gia đình thương tổn, trước hết Giáo hội khóc và đau với họ, đến gần an ủi, xoa dịu và chăm sóc; Giáo hội muốn mang lấy đau khổ của họ. Tiếp đến, Giáo hội nỗ lực tìm sự thật của cuộc hôn nhân tan vỡ. Giáo hội không lạnh lùng đau khổ trước những cảnh đời buồn thảm và bất hạnh.”

 

Sáng 30/11, Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên khóa đào tạo về bảo vệ hôn nhân và chăm sóc mục vụ cho các cặp vợ chồng bị thương tổn do Tòa Thượng thẩm Roma, quen gọi là tòa Rota, tổ chức.

Sau lời chào các tham dự viên và cám ơn Đức ông Pio Vito Pinto, niên trưởng Tòa Thượng thẩm Roma, và các thuyết trình viên đã trình bày các nội dung thần học và tiến trình giáo luật quan trọng đối với các đôi vợ chồng và đối với đời sống Giáo hội.

Tiếp đến Đức Thánh Cha lưu ý rằng khía cạnh thứ hai của khóa học, chăm sóc mục vụ cho các cặp vợ chồng bị thương tổn, thường thu hút hơn, bởi vì nó thể hiện sự quan tâm hiền mẫu của Giáo hội trước những hoàn cảnh đau thương mà đôi vợ chồng có thể gặp phải suốt hành trình hôn nhân của họ. Giáo hội không thể giúp đỡ những trường hợp này chỉ bằng cách tiếp cận đơn thuần, gần như máy móc.

Nguyên nhân các vết thương của hôn nhân có thể là tâm lý, thể lý, môi trường, văn hóa, đôi khi là sự đóng kín của con tim trước tình yêu, hay cả từ tội lỗi. Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh rằng “những nguyên nhân này đào sâu những vết thương sâu sắc và cay đắng trong lòng những người liên quan, những vết thương rỉ máu. Giáo hội sẽ không bao giờ có thể vượt qua những điều này khi quay đi.” Khi gặp những gia đình thương tổn, trước hết Giáo hội khóc và đau với họ, đến gần an ủi, xoa dịu và chăm sóc; Giáo hội muốn mang lấy đau khổ của họ. Tiếp đến, Giáo hội nỗ lực tìm sự thật của cuộc hôn nhân tan vỡ. Giáo hội không lạnh lùng đau khổ trước những cảnh đời buồn thảm và bất hạnh.

Theo Đức Thánh Cha, đó là lý do mà trong các thủ tục giáo luật và và luật học của mình, “Giáo hội luôn chỉ tìm kiếm điều tốt cho những người bị thương tổn, tìm kiếm sự thật về tình yêu của họ; Giáo hội không muốn gì khác hơn là ủng hộ hạnh phúc chính đáng và mong muốn của họ.”

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đối với mỗi vụ hôn nhân tan vỡ, các thẩm phán, những người liên quan, các nhân chứng, trước hết phải tín thác vào Chúa Thánh Linh để Người hướng dẫn họ lắng nghe với tiêu chí đúng đắn, biết kiểm tra, phân định và phán xét. Một điểm nữa được Đức Thánh Cha lưu ý, đó là sự chăm sóc quan tâm và cảnh giác của Giáo hội để hôn nhân Kitô giáo là hôn nhân được Chúa Giêsu mong muốn, như thánh Phaolô so sánh: là sự kết hợp của Chúa Kitô và Giáo hội, hiền thê mà Chúa yêu thương như người vợ với tình yêu không khiếm khuyết.

Các đôi vợ chồng Công giáo cũng được mời gọi, như từng cá nhân và như vợ chồng, luôn bước đi trong đức tin, trong Giáo hội và với Giáo hội, cùng nhau tiến bước trên con đường thánh thiện. Từ điều này phát sinh sứ vụ của đôi vợ chồng: loan báo Chúa Kitô sống động, sứ vụ quảng đại với các sự sống của các con cái mới của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha không quên nhắc đến việc chuẩn bị hôn nhân ngay từ khi đính hôn. “Các cặp vợ chồng Kitô giáo chuẩn bị kết hôn chỉ để đạt được sự hòa nhập tốt về tâm lý, tình cảm, quan hệ và kế hoạch thôi thì chưa đủ. Họ cũng phải nuôi dưỡng và phát triển ơn gọi làm gương mẫu cho các vợ chồng Kitô giáo. Đó là ơn gọi đặc biệt trở thành môn đệ truyền giáo với tư cách là vợ chồng, nhân chứng của Tin mừng trong gia đình, công việc và đời sống xã hội, nơi Chúa gọi họ.”

Đức Thánh Cha đề cao mẫu gương của đôi vợ chồng Aquila và Priscilla, cộng tác viên của thánh Phaolô và mời những người chuẩn bị cho các đôi đính hôn, phải giúp họ trở thành các tế bào sống động và tông đồ của cộng đoàn giáo xứ. (REI 30/11/2019)

Hồng Thủy – Vatican