Vào ngày 28/02 tới đây, tại cuộc gặp gỡ có tên gọi “Phục hưng. Vì một trí tuệ nhân tạo nhân văn”, do Hàn lâm viện Tòa Thánh tổ chức tại Roma, các lãnh đạo của hai công ty tin học khổng lồ Microsoft và IBM sẽ ký “Lời kêu gọi Đạo đức” về trí tuệ nhân tạo.
Tham dự sự kiện này có chủ tịch công ty Microsoft, ông Brad Smith; phó giám đốc điều hành của công ty IBM, ông John Kelly III; chủ tịch Quốc hội châu Âu, ông David Sassoli; và tổng giám đốc Cơ quan Lương nông quốc tế, ông Khuất Đông Ngọc.
Tài liệu “Lời kêu gọi Đạo đức”
Trong một cuộc họp vào tháng 9 năm ngoái, Tòa Thánh đã bắt đầu nghĩ đến một tài liệu về chủ đề đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Một tài liệu đã được soạn thảo một cách kỹ lưỡng về với các vấn đề “gai góc” của tiến bộ công nghệ vốn không ngừng phát triển. Tài liệu này, đã được công bố với tên gọi “Lời kêu gọi Đạo đức”, hứa hẹn sẽ có tác động toàn cầu, và sẽ được Microsoft và IBM ký kết trong sự kiện sắp tới.
Microsoft và IBM giúp các công ty khác trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo
Vào sáng ngày 28/02, hai lãnh đạo của Microsoft và IBM sẽ ký “Lời Kêu gọi Đạo đức”, nhắm giúp các công ty trong quá trình đánh giá tác động của các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, về những rủi ro mà họ gặp phải, về các con đường pháp lý có thể, và cả ở cấp độ giáo dục. Trước đó, vào hai ngày 26 và 27/02 sẽ có hội thảo chuyên đề về trí tuệ nhân tạo, đạo đức, luật pháp và sức khỏe.
Đức cha Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm việc Tòa Thánh, giải thích: Chúng ta đang tham gia vào lĩnh vực này bởi vì “với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, có rủi ro là việc tiếp cận và xử lý sẽ trở thành điều dành riêng cho các công ty nắm giữ kinh tế lớn, cho các hệ thống an ninh công cộng và các chủ thể quản trị chính trị. Nói cách khác, tính công bằng trong việc tìm kiếm thông tin hoặc duy trì liên lạc với người khác bị đe dọa khi những người không thuộc nhóm đặc quyền hoặc không có kỹ năng đặc biệt không được sử dụng sự tinh vi của các dịch vụ”. (SIR 18/01/2020)
Hồng Thủy – Vatican