23/11/2024

Trong lễ kỷ niệm 11 năm ngày được bầu chọn làm Thượng phụ Mátxcơva và Thượng phụ Giáo chủ Chính Thống Nga, Đức Thượng phụ Kirill đã đề nghị Tổng thống Putina của Nga đề cập đến Thiên Chúa trong hiến pháp nước này.

 

Audio

Đức tin có khả năng hình thành đạo đức cá nhân, xã hội và chính trị

Trong lễ kỷ niệm, Đức Thượng phụ Kirill nói: “Chúng ta cầu nguyện và cố gắng để Thiên Chúa sẽ được nhắc đến trong luật cơ bản của chúng ta, vì phần lớn công dân Nga tin vào Thiên Chúa”. Do đó, “nếu trong quốc ca có thể có những từ mà quê hương được Chúa bảo vệ, tại sao không thể nói như thế trong Hiến pháp?”. Theo Đức Thượng phụ, đức tin vào Thiên Chúa là một lý tưởng vượt trội, có khả năng hình thành đạo đức cá nhân, xã hội và chính trị.

Sau buổi lễ, Đức Thượng phụ đã cảm ơn Tổng thống Putin vì đã đặt ưu tiên cho các mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội ở Nga trong thập kỷ qua. Tổng thống Putin cũng cảm ơn Đức Thượng phụ: “Mười một năm trôi qua rất nhanh, ngài có thể không nhận thấy, nhưng chúng tôi đã nhận thấy hoạt động không mệt mỏi của ngài, toàn bộ xã hội Nga đã được hưởng lợi từ đó”.

Các thành viên của Ủy ban sửa đổi hiến pháp đã ngay lập tức xem xét đề xuất của Đức Thượng phụ, phát triển ý tưởng đưa “Lời nói đầu” có đề cập đến niềm tin Chính thống giáo vào điều lệ cơ bản, hoặc viết lại các điều khoản trong phần giới thiệu, bên cạnh niềm tin vào Thiên Chúa, sẽ thêm vào “những công trạng anh hùng về sự hy sinh của dân tộc Nga trong Thế chiến thứ hai”.

Tôn giáo hỗ trợ Nhà nước về mặt đạo đức và vật chất

Đại diện Hồi giáo, Mufti Talgat Tadzhuddin đã ủng hộ đề xuất của Đức Thượng phụ Kirill và bên cạnh những tham chiếu đến Thiên Chúa, ông cũng thêm vào một thực tế là “các tôn giáo truyền thống hỗ trợ Nhà nước về mặt đạo đức và vật chất”.

Sự chống đối của Đảng Cộng sản Nga

Đảng Cộng sản Nga đã tuyên bố chống lại việc đưa những tham chiếu về Thiên Chúa và tôn giáo vào trong Hiến pháp. Chủ tịch đảng Maksim Surajkin giải thích: “Chúng tôi rất tôn trọng tâm tình của các tín đồ của tất cả các hệ phái tôn giáo, nhưng chúng ta không thể chấp nhận các biểu tượng tôn giáo trong luật cơ bản của nhà nước thế tục của chúng ta, như điều khoản số 14 thiết lập sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, đặc biệt là vì ý kiến của công dân rất đa dạng”. (Asia News 04/02/2020)

Hồng Thủy – Vatican