Thứ trưởng đặc trách vấn đề Trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại của Hungari, ông Tristan Azbej, đã kêu gọi thế giới lên tiếng và bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại.
Trong Buổi Điểm tâm Cầu nguyện toàn quốc diễn ra tại Washington hôm 06/02, ông Azbej, một trong 8 diễn giả tại sự kiện, đã kêu gọi: “Toàn thể nhân loại hãy đứng lên và trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại.”
Việc Kitô hữu bị bách hại không được thế giới nhắc đến
Ông Azbej nói rằng đời sống Kitô hữu có cùng phẩm giá như những người theo các tôn giáo khác, nhưng tại sao những câu chuyện về cuộc đàn áp Kitô giáo, chẳng hạn như vụ giết một chủng sinh người Nigeria gần đây, không được loan tin, nhưng khi những người thuộc các tôn giáo khác bị phân biệt đối xử, thì những câu chuyện này lại được phát sóng trên toàn thế giới.
Ông Azbej hỏi: “Tại sao việc bách hại Kitô hữu không nằm trong lịch làm việc của Liên Hiệp quốc, của Liên hiệp châu Âu, vv.?” Ông nói tiếp rằng gần 300 triệu Kitô hữu trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin của họ. Họ chiếm 80% tổng số những người bị bách hại vì tôn giáo, nghĩa là các Kitô hữu là nhóm “bị bách hại nhiều nhất trên thế giới… Nhưng nó không hề được đề cập đến tại diễn đàn nhân quyền.”
“Là tiếng nói của những người không được lắng nghe. Là tiếng nói của những người đang đau khổ.”
Thứ trưởng Hungary cho biết ông có một sứ vụ kép. Ưu tiên đầu tiên của ông là “cứu các sự sống” và ông thực hiện việc này thông qua tổ chức phi chính phủ “Hungary Helps”. Sứ vụ thứ hai là “là tiếng nói của những người không được lắng nghe. Là tiếng nói của những người đang đau khổ.”
Khủng hoảng căn tính Kitô giáo
Ông Azbej kêu gọi các nước có lịch sử Kitô giáo hành động để bảo vệ các Kitô hữu của họ và ông lên án các nước đang muốn xóa bỏ căn tính Kitô giáo của họ.
Một phần công việc trợ giúp của tổ chức của ông Azbej là xây dựng lại các nhà thờ và các cộng đoàn bị Nhà nước Hồi giáo phá hủy. Một tỉnh ở miền bắc Iraq đặt tên lại là “Con gái của Hungary” để cảm ơn chính quyền Hungary trao tặng 2 triệu euro để xây dựng lại thị trấn. Ông Azbej hy vọng điều tương tự có thể tiếp tục trên khắp thế giới. (CNA 07/02/2020)
Hồng Thủy – Vatican