Hôm 25/02, anh Saleem Masih, 22 tuổi, đã tắm ở một giếng nước tại làng Baguyana của Pakistan và đã bị người dân địa phương tra tấn và giết chết vì cho rằng anh đã làm “ô nhiễm” giếng nước.
Cha Qaisar Feroz, Thư ký điều hành của Ủy ban Truyền thông Giám mục Pakistan nói: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ giết hại dã man anh Saleem Masih: hành động phân biệt đối xử và thành kiến này cho thấy sự thiếu hiểu biết và sự cố chấp đã lên đến đỉnh điểm của những người giết hại Kitô hữu”.
Anh Saleem đã bị đánh đập và tra tấn bằng một thanh sắt nóng đỏ. Sau đó, anh được chuyển đến bệnh viện ở Lahore, và đã qua đời vào ngày 28 tháng 02, ba ngày sau vụ tấn công xảy ra tại làng Baguyana, thuộc quận Kasur của bang Punjab.
Cha Qaisar nói: “Thật đáng buồn! một người bị giết chỉ vì dùng nước ở một cái giếng để vệ sinh sau giờ làm việc ở đồng áng. Phải thay đổi não trạng này ngay lập tức. Chúng ta phải cư xử tất cả mọi người như nhau”.
Ông Sabir Michael, nhà hoạt động nổi tiếng cho nhân quyền và quyền của người thiểu số bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vụ việc này. Vụ giết người này cho thấy chính phủ và chính quyền bang không thể kiểm soát sự phân biệt đối xử và bách hại đức tin. Ông cũng nói: “Chúng tôi, với tư cách là một cộng đoàn Kitô giáo, đang yêu cầu công lý cho Saleem Masih và kêu gọi bắt giữ tội phạm ngay lập tức. Vụ án phải được tiến hành trong một tòa án chống khủng bố: đây là một hành động khủng bố, mọi người không thể bị giết vì những vấn đề đơn giản như thế”.
Ông Nasir Saeed, giám đốc một tổ chức phi chính phủ “Trung tâm trợ giúp pháp lý” cho biết: “Chúng tôi muốn gia đình của Saleem có được công lý và những kẻ giết người phải lãnh trách nhiệm. Nhưng do người gây ra tội ác lại là những người có thế lực, cho nên thực tế không dễ dàng. Ở đây, trong các vụ án có liên quan đến người Hồi giáo và người không theo Hồi giáo, cảnh sát Pakistan thường thiên vị người Hồi giáo.”
Nasir Saeed lưu ý rằng đây không phải là một trường hợp duy nhất, nhưng những trường hợp như vậy xảy ra hàng ngày trên khắp Pakistan và thường các phương tiện truyền thông không nói đến. Cần phải có các biện pháp và khôi phục công lý, ngừng tra tấn và đối xử phân biệt đối xử tôn giáo. (Fides 2/3/2020)
Ngọc Yến – Vatican