Sáng 19/3, lễ Thánh Giuse, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ với ý chỉ cầu nguyện cho các tù nhân. Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu tầm quan trọng của việc tôn thờ và mời gọi rước lễ thiêng liêng.
Bắt đầu Thánh lễ Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho các anh chị em đang ở trong tù: họ đau khổ rất nhiều, vì lo lắng những bất an sẽ xảy đến trong nhà tù; họ nghĩ về gia đình, không biết gia đình thế nào? Nếu có ai đó bị bệnh, nếu gia đình bị thiếu một cái gì đó. Hôm nay, chúng ta hãy gần gũi với các tù nhân, những người phải đau khổ rất nhiều trong thời điểm không chắc chắn và đau đớn này.”
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói về Thánh Giuse là một người công chính, nghĩa là một người có đức tin, khả năng đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha giải thích về mối liên hệ giữa đức tin và sự công chính của Thánh Giuse: “Thánh Giuse là một người có đức tin, vì thế ngài là người công chính, nhưng Thánh Giuse được gọi là người công chính không chỉ vì ngài đã tin nhưng bởi vì ngài đã sống đức tin này. Thánh nhân đã được chọn để giáo dục một con người, một người thực sự, nhưng cũng là Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha lưu ý: “Cần phải có một người thuộc về Thiên Chúa như thế để giáo dục một người mà trước đó không thuộc về thế giới loài người. Vì thế, Thiên Chúa đã chọn một người công chính, một người của đức tin, một người mang thân phận con người như mọi người và là người có khả năng nói chuyện với Thiên Chúa, có khả năng đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa và đây là cuộc sống của Thánh Giuse”.
Thánh Giuse không phải là một người mơ mộng. Thánh nhân bước vào mầu nhiệm, với chính bản tính tự nhiên như khi ngài thi hành công việc. Đức Thánh Cha khẳng định: “Thánh Giuse có khả năng điều chỉnh từng milimet ở những góc cạnh của thanh gỗ, rất chính xác! Nhưng ngài cũng có khả năng đi vào mầu nhiệm mà chính Thánh nhân không thể kiểm soát được. Đây đích thực là sự thánh thiện của Thánh Giuse”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta có thể hiểu được điều này từ những giấc mơ của Thánh Giuse được mô tả trong Tin Mừng.
Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện để Giáo hội luôn có ân sủng sống đích thực cuộc sống hàng ngày và sống cụ thể mầu nhiệm. Nếu Giáo hội không thể làm điều này, Giáo hội sẽ trở nên nửa vời, Giáo hội chỉ là một hiệp hội đạo đức, đưa ra các quy định, nhưng không mang lại ý nghĩa thờ phượng.
Đức Thánh Cha kết luận: “Bước vào mầu nhiệm không phải là sống trong một giấc mơ. Bước vào mầu nhiệm một cách đúng đắn đó là: thờ phượng. Bước vào mầu nhiệm nghĩa là điều chúng ta thực hiện hôm nay, cũng là điều chúng ta cũng sẽ làm ở đời sau, khi chúng ta đến trước mặt Chúa, diện đối diện, chúng ta thờ lạy, tôn thờ Thiên Chúa”.
Ngọc Yến – Vatican