23/11/2024

Trong lịch Phụng vụ của Giáo hội Công giáo, Đức Maria Mẹ chúng ta được mừng kính vào nhiều ngày suốt năm với những mầu nhiệm và tước hiệu khác nhau của Mẹ. Lễ Truyền Tin 25 tháng 3 được mừng từ thế kỷ thứ VII, kính nhớ ngày Mẹ đại diện cho dân tộc Israel và cho toàn thể nhân loại đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể, nơi đó Thiên Chúa thực hiện lời hứa Cứu độ từ ngày nguyên tổ sa ngã phạm tội.

 

 

Mừng Lễ Truyền Tin, Hội Thánh mừng kính Đức Maria với tư cách một thiếu nữ vừa lớn, kiên trung và can đảm nói lời “Fiat, Xin Vâng”, để lời hứa Cứu độ được thành toàn.

Trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống), Đức Thánh Cha Phanxicô dành hẳn một mục “Mẹ Maria, thiếu nữ ở Nadarét”, từ số 43 đến 48 để ca ngợi Mẹ như một người trẻ mẫu mực, là tấm gương chói ngời cho người trẻ mọi nơi và mọi thời.

Tại sao Đức Maria là mẫu mực, là tấm gương chói ngời? Đức Thánh Cha giải thích: “Đức Maria ngời sáng ở trung tâm của Hội Thánh. Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Hội Thánh trẻ trung muốn quảng đại và ngoan hiền bước theo Đức Kitô. Khi còn rất trẻ, được sứ thần báo tin, Đức Maria đã không ngại nêu ra những thắc mắc (x. Lc 1,34). Nhưng với tâm hồn luôn sẵn sàng, Mẹ đã thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38)” (số 43).

Người trẻ với tâm thức khát khao tìm hiểu, sẵn sàng thắc mắc khi không hiểu và cũng sẵn sàng nổi loạn khi trái ý. Đức Maria cũng khát khao tìm hiểu và cũng thắc mắc như mọi người trẻ, nhưng Mẹ là tấm gương bởi vì Mẹ khiêm tốn đón nhận Thánh Ý Chúa, không tìm theo ý mình.

Đức Thánh Cha giải thích tiếng Xin Vâng của Mẹ không hề thụ động, không theo kiểu “để xem điều gì sẽ xảy ra”. Không, Mẹ muốn đáp lại một cách tích cực và tận tình “xin hãy làm cho tôi như thế!”.

Ngài viết tiếp với những lời đầy xúc động: “Đó là lời ‘Xin Vâng’ của một người muốn dấn thân và chấp nhận rủi ro, đánh cuộc mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài niềm xác tín rằng Mẹ là người đang mang một lời hứa”. Mẹ sẵn sàng mạo hiểm: “Đức Maria đã không mua bảo hiểm nhân thọ! Mẹ đã mạo hiểm và vì thế Mẹ trở nên mạnh mẽ” (số 44).

Ngày hôm nay, người trẻ chúng ta có cảm tưởng mình mạnh mẽ khi mình có trong tay mảnh bằng cấp, những tài năng, các kỹ năng mềm và thêm kinh nghiệm đạt được đó đây. Người trẻ kiêu hãnh với những tài năng đó. Nhưng có điều là người trẻ không dám mạo hiểm, không dám đặt cược đời mình trong tay Đấng Tạo Thành.

Tại sao thế? Câu trả lời đơn giản lắm: khi con người kiêu căng lập tức họ ngã quỵ. Con người đầu tiên kiêu căng và đã sa ngã. Nhiều người trong dòng lịch sử muốn tỏ ra mình có uy quyền, có tài lực đều đã phải cay đắng xuôi tay. Đức Maria bằng cảm nghiệm của mình và bằng việc học biết Kinh Thánh đã ca lên trong lời kinh Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,51-52).

Mừng Lễ Truyền Tin, mừng ngày Mẹ còn rất trẻ đã khôn ngoan và khiêm hạ thưa Xin Vâng, chúng ta là con của Mẹ, chúng ta học nơi Mẹ điều gì?

Đức Thánh Cha viết: “Ngày nay, Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta, những người con của Mẹ” (số 48). Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ cuộc đời và tất cả những gì thuộc về chúng ta để Mẹ chăm sóc, để Mẹ chỉ dạy và để Mẹ hướng chúng ta đi.

Trước hết, noi gương Mẹ là “một thiếu nữ có tâm hồn thanh cao tràn ngập niềm vui” (x. Lc 1,47), chúng ta vui vẻ đón nhận cuộc sống ở mọi chiều kích. Chúng ta học biết xin vâng trong niềm hân hoan, biết “lưu giữ mọi sự trong lòng” như Mẹ với lòng biết ơn Đấng đã mời gọi mình.

Khi đã có niềm vui của Chúa trong lòng mình, chúng ta bắt chước Mẹ “ân cần, mau mắn lên đường (…) chẳng bận tâm về các kế hoạch của mình” (số 46). Mẹ lên đường ra đi lên đến miền núi khi biết người chị họ cần đến mình, thì chúng ta cũng noi gương Mẹ, sẵn sàng cho đi, cho đi không chỉ là những món quà mà nhất là cho đi chính con người mình như của lễ hy tế.

Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha vẽ lại một hình ảnh đẹp vô cùng: “Mẹ lại cùng với các môn đệ quy tụ để cầu nguyện đang khi chờ đợi Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Như thế, trước sự hiện diện của Mẹ, một Hội Thánh trẻ trung được khai sinh, rồi các Tông đồ lên đường để sinh hạ một thế giới mới (x. Cv 2,4-11)”. Lúc này, Mẹ chúng ta không còn trẻ về tuổi đời, nhưng hình ảnh quy tụ cầu nguyện để rồi Hội Thánh trẻ trung được khai sinh quả thật là hình ảnh của sự trẻ trung muôn đời của những ai dấn bước theo Chúa Kitô.

Lời cầu nguyện và thái độ dấn thân cho Tin Mừng là hình ảnh đẹp của người trẻ. Tại sao thế? Bởi vì qua lời cầu nguyện và việc làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh, người trẻ thể hiện mình khiêm tốn và hăng say trước lý tưởng cao quý. Không có lý tưởng, người trẻ tự đánh mất chính tuổi trẻ của mình.

Một đặc tính khác của người trẻ là tự lập, là sẵn sàng “đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình” mà không kêu ca, đổ lỗi hay trách móc. Đức Thánh Cha nói trực tiếp với bạn trẻ: “Con phải có thói quen tự mình bước đi. Đức Maria đã làm như thế, bằng cách đối mặt với những vấn đề và những khó khăn của chính mình khi Mẹ còn rất trẻ”. (số 298)

Nếu đau khổ và thất bại thì sao? Bạn hãy đọc câu này trong Tông huấn: “Thánh Đaminh Saviô thì dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria” (số 56). Bạn và tôi cũng như mọi người chung quanh, ai cũng có những nỗi buồn và đau khổ, chúng ta hãy nghe lời Cha chung và noi gương Thánh trẻ Đaminh Saviô mà “dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria”.

Khi chúng ta cố gắng noi gương Mẹ chúng ta và sống trọn vẹn tuổi trẻ cho Chúa, thì những ngày Lễ của Mẹ mới thật sự có hiệu quả ân sủng trên cuộc sống của chúng ta.

Cùng với Mẹ, chúng ta vui mừng khiêm tốn thưa với Chúa Giêsu đang ngự trong lòng mình: “Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17).

 

Gioan Lê Quang Vinh

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN