Sáng Chúa nhật 05/4/2020 tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ Lá, tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá: cuộc sống không có ích gì nếu không phục vụ người khác. Và với các bạn trẻ, Đức Cha mời gọi: Đừng sợ tiêu hao cuộc sống vì Chúa và cho người khác
Do đại dịch virus corona, Thánh lễ được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, bên trong đền thờ, nghĩa là bàn thờ phía sau bàn thờ tuyên xưng đức tin và không có sự tham dự của giáo dân. Chúa nhật Lễ Lá 05/04 cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 35 được cử hành ở cấp giáo phận về chủ đề: “Này bạn trẻ, Ta bảo con: hãy chỗi dậy” (x. Lc 7,14).
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha
Chúa phục vụ chúng ta
“Đức Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Chúng ta hãy để cho những lời này của Thánh Phaolô dẫn chúng ta vào những ngày thánh thiêng này. Trong những ngày này, Lời Chúa như một điệp khúc cho thấy Chúa Giêsu như một tôi tớ: Thứ Năm Thánh, Chúa là một đầy tớ rửa chân cho các môn đệ; Thứ Sáu Thánh Chúa được giới thiệu như một tôi tớ đau khổ và chiến thắng (Is 52, 13); và ngày mai, lời ngôn sứ Isaia nói về Chúa: “Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ” (Is 42,1). Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng cách phục vụ chúng ta. Chúng ta thường nghĩ chúng ta là những người phục vụ Chúa. Không, chính Chúa phục vụ chúng ta cách nhưng không, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta trước. Thật khó khi yêu mà không được yêu thương. Và còn khó phục vụ hơn nếu chúng ta không để cho Thiên Chúa phục vụ.
Nhưng Chúa đã phục vụ chúng ta như thế nào? Ngài trao ban sự sống vì chúng ta. Đối với Thiên Chúa, chúng ta rất quý giá và Ngài đã phải trả giá đắt vì chúng ta. Thánh Angela thành Foligno đã làm chứng là đã nghe được những lời này của Chúa Giêsu: “Ta không yêu con như một trò đùa”. Vì yêu thương Chúa đã hy sinh cho chúng ta, Ngài nhận lấy tất cả sự xấu xa của chúng ta. Điều làm chúng ta kinh ngạc: Thiên Chúa đã cứu độ chúng ta bằng cách gánh lấy mọi án phạt tội lỗi chúng ta. Ngài không phản ứng, nhưng với sự khiêm nhường, kiên nhẫn và vâng lời của một người tôi tớ cùng với sức mạnh của tình yêu. Và Chúa Cha đã nâng đỡ sự phục vụ của Chúa Giêsu: Chúa Cha không đánh bại cái ác đã nghiền nát Chúa, nhưng đã nâng đỡ Chúa trong đau khổ, để cái ác của chúng ta chỉ có thể chiến thắng bằng điều tốt, bằng một tình yêu cho đến cùng.
Thiên Chúa đã phục vụ chúng ta cho đến mức phải trải qua những tình huống đau đớn nhất của người yêu: sự phản bội và bị ruồng bỏ.
Phản bội
Chúa Giêsu đã chịu sự phản bội của người môn đệ bán Chúa và của người môn đệ chối Chúa. Chúa bị phản bội từ những người trước đó ca ngợi Chúa và sau đó đã kêu lên: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,2). Chúa bị phản bội từ thể chế tôn giáo đã kết án Chúa bất công và từ thể chế chính trị đã rửa tay chối bỏ trách nhiệm. Chúng ta hãy nghĩ đến những phản bội lớn nhỏ chúng ta đã phải chịu đựng trong cuộc sống. Thật là khủng khiếp khi chúng ta phát hiện ra niềm tin của chúng ta bị lừa dối. Tận thẳm sâu tâm hồn nảy sinh một sự thất vọng chán nản, cuộc sống dường như không còn ý nghĩa. Điều này xảy ra bởi vì chúng ta được sinh ra là để được yêu thương và để yêu thương, và điều đau khổ hơn đó là khi bị người đã hứa trung thành và gần gũi lại phản bội. Chúng ta cũng không thể tưởng tượng Thiên Chúa, Đấng là tình yêu đau khổ thế nào khi bị phản bội.
Chúa đã chữa lành chúng ta
Chúng ta hãy nhìn trong thâm tâm chúng ta. Nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thấy sự thất tín của chúng ta. Biết bao lần giả dối, đạo đức giả và sai lầm! Biết bao ý hướng phản bội! Biết bao lần thất hứa! Biết bao quyết tâm chưa hoàn thành! Chúa biết tâm hồn chúng ta rõ hơn chúng ta, Ngài biết chúng ta yếu đuối và hay thay đổi như thế nào, Ngài biết chúng ta phải vất vả như thế nào khi đứng lên và biết bao khó khăn trong việc chữa lành những vết thương. Và Chúa đã làm gì để đến gặp gỡ chúng ta, để phục vụ chúng ta? Đó là điều Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình” (Hs 14, 5). Thiên Chúa đã chữa lành chúng ta bằng cách nhận lấy cho Ngài sự bất tín của chúng ta, xóa bỏ sự phản bội chúng ta. Như vậy, thay vì chán nản do sợ thất bại, chúng ta có thể ngước nhìn lên Cây Thánh Giá, đón nhận vòng tay của Thiên Chúa và thưa: “Lạy Chúa, đây, sự bất tín của con, Chúa đã nhận lấy, Lạy Chúa Giêsu. Chúa mở đôi tay cho con, Chúa phục vụ con bằng tình yêu Chúa, xin tiếp tục nâng đỡ con … Rồi con tiếp tục tiến bước! “.
Bị bỏ rơi
Trong Tin mừng hôm nay, từ trên Thánh giá, Chúa Giêsu chỉ nói một câu: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Đó là những lời mạnh mẽ. Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, các môn đệ bỏ Chúa chạy trốn. Nhưng Chúa Cha vẫn ở đó với Chúa Giêsu. Giờ đây, trong vực thẳm của cô đơn, lần đầu tiên Chúa Giêsu gọi Cha bằng chính tên Ngài “Thiên Chúa”. Và kêu “lớn tiếng” “tại sao?” tiếng kêu thảm thiết hơn: “Tại sao Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?”. Đây thực sự là những lời của Thánh vịnh (Tv 22, 2): nói với chúng ta rằng khi cầu nguyện Chúa Giêsu cũng có nỗi u sầu tột cùng. Chúa đã trải qua bị bỏ rơi tột cùng, điều các Tin mừng đã làm chứng bằng cách trích dẫn những lời của chính Chúa: Elì, Elì, lemà sabactàni?
Niềm an ủi
Tại sao lại là tất cả điều này? Một lần nữa vì chúng ta, để phục vụ chúng ta. Bởi vì khi chúng ta cảm thấy bị dồn vào chân tường, khi chúng ta bị ở trong một ngõ cụt, không có ánh sáng và không có lối thoát, khi dường như ngay cả Chúa cũng không đáp lại, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta không cô đơn. Chúa Giêsu đã trải qua bị ruồng bỏ hoàn toàn, trong một tình cảnh mà trước đây Ngài chưa bao giờ trải qua để liên đới với chúng ta trong mọi sự. Chúa đã làm điều đó cho tôi, cho anh chị em, để nói với anh chị em: “Đừng sợ, các con không cô đơn. Ta đã trải qua mọi nỗi u sầu của các con để mãi mãi ở bên các con. Đây là mức độ Chúa Giêsu phục vụ chúng ta: Ngài đã đi xuống tận vực thẳm những đau khổ khủng khiếp nhất của chúng ta, đỉnh điểm là sự phản bội và bị ruồng bỏ. Hôm nay, trong thảm kịch của đại dịch, trước rất nhiều điều chắc chắn đang vỡ vụn, trước rất nhiều kỳ vọng bị phản bội, trong cảm giác bị ruồng bỏ đè nặng trên con tim chúng ta, Chúa Giêsu nói với mỗi người: “Hãy can đảm, hãy mở lòng cho tình yêu của Ta. Con sẽ cảm nhận được niềm an ủi của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ con”.
Anh chị em thân mến, trước việc Chúa đã phục vụ chúng ta, phục vụ cho đến mức bị phản bội và bị ruồng bỏ, chúng ta có thể làm gì cho Chúa? Chúng ta có thể từ chối không phản bội Đấng mà vì Ngài chúng ta được tạo dựng, và chúng ta không từ bỏ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta ở trong thế giới để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại điều này. Thảm kịch chúng ta đang trải qua thôi thúc chúng ta thực hiện nghiêm túc những gì là nghiêm túc, không để mình bị hư mất trong những điều tầm thường. Thảm kịch này cũng thôi thúc chúng ta tái khám phá: cuộc sống không có ích gì nếu nó không được sử dụng để phục vụ người khác.
Sống để phục vụ
Vì cuộc sống được đo bằng tình yêu. Vì vậy, trong những ngày thánh thiêng này, tại nhà, trước Đấng Bị Đóng Đinh, thước đo tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Trước khi Thiên Chúa phục vụ chúng ta đến mức hiến mạng sống, chúng ta xin ân sủng sống để phục vụ. Chúng ta cố gắng đến với những ai đau khổ, những người cô đơn và thiếu thốn. Chúng ta không chỉ nghĩ về những gì chúng ta đang thiếu, mà là những điều tốt đẹp chúng ta có thể làm.
Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ. Chúa Cha, Đấng đã nâng đỡ Chúa Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn, cũng khuyến khích chúng ta phục vụ. Tất nhiên, yêu thương, cầu nguyện, tha thứ, quan tâm đến người khác, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có thể phải trả giá. Điều này giống như đường Thánh giá. Nhưng đó là con đường phục vụ là đường chiến thắng, cứu chúng ta và cuộc sống chúng ta.
Nói có với tình yêu,
Tôi muốn nói điều này đặc biệt với các bạn trẻ, trong Ngày, từ 35 năm qua đã dành riêng cho các con. Các con thân mến, các con hãy nhìn vào những anh hùng thực sự xuất hiện trong những ngày này: họ không phải là những người nổi tiếng, nhiều tiền của và thành đạt; nhưng đúng hơn họ là những người dấn thân để phục vụ người khác. Cảm nhận được kêu gọi để đặt cuộc sống của các bạn vào cuộc đời. Đừng sợ tiêu hao cuộc sống vì Chúa và cho người khác, các con sẽ có được nó! Bởi vì sự sống là một hồng ân được nhận lãnh để trao ban. Và bởi vì niềm vui sâu xa nhất là nói có với tình yêu, không nói “nếu” và không nói “nhưng”. Như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta.
Ngọc Yến – Vatican