Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lặp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc giảm nợ cho các nước nghèo trong lúc khủng hoảng virus corona.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (AFP or licensors)
Trong một bài diễn văn được truyền hình trực tiếp ngày 13 tháng 4, ông Macron đã kêu gọi xóa nợ trên quy mô lớn. Ông nói: “Chúng ta cũng phải có khả năng giúp các nước láng giềng châu Phi chống lại virus hiệu quả hơn, giúp họ về mặt kinh tế bằng cách xóa bỏ các khoản nợ của họ trên quy mô lớn. Chúng ta sẽ không bao giờ chiến thắng một mình. Vì ngày nay, tại Bergamo, Madrid, Brussels, London, Bắc Kinh, New York, Algiers và Dakar, chúng ta đang để tang cho những cái chết gây ra bởi cùng một loại virus. Vì vậy, trong khi thế giới đang bị phân mảnh, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có trách nhiệm xây dựng tình liên đới mới và hợp tác ngay hôm nay”.
Ông Macron không đề cập đến Đức Thánh Cha, nhưng theo Hãng tin CNA đây như một cách tổng thống Pháp ủng hộ lời mời gọi của Đức Thánh Cha. Bởi vì vào Chúa nhật Phục sinh, một ngày trước đó, Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi xóa các khoản nợ cho các nước nghèo hiện đang đối mặt với mối đe dọa của Covid-19.
Theo Radio France Internationale các nước nghèo hiện đang nợ hàng tỷ đôla đối với các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia giàu có. Nợ công của châu Phi đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua lên 365 tỷ đô la, trong đó có 145 tỷ đôla nợ Trung Quốc.
Tin tức của Reuters vào 13/4 cho biết các quan chức tài chính từ Nhóm 20 quốc gia giàu có và phát triển hàng đầu, và Nhóm Bảy quốc gia công nghiệp lớn sẽ thảo luận về việc giảm nợ trong tuần này.
Ngày 13 tháng 4 Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố chấp thuận cứu trợ nợ cho 25 quốc gia để đối phó với đại dịch. Các quốc gia nhận được cứu trợ ngay lập tức của IMF bao gồm một số người nghèo nhất thế giới, như Cộng hòa Trung Phi, Nigeria và Mozambique.
Vào đầu thiên niên kỷ, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ủng hộ chiến dịch Năm Thánh 2000, thúc đẩy việc xóa các khoản nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. (CNA 14/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican