“Tôi nhận được một lá thư của một nhóm nghệ sĩ cám ơn vì chúng ta đã cầu nguyện cho họ. Xin Chúa chúc lành cho các nghệ sĩ vì họ làm cho chúng ta hiểu vẻ đẹp là gì. Không có cái đẹp Tin Mừng không thể hiểu được. Một lần nữa chúng ta cầu nguyện cho các nghệ sĩ”. Sáng thứ Năm 7/5, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha đã bắt đầu Thánh lễ với lời mời gọi trên.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào Bài đọc I, trích từ Sách Công vụ Tông đồ (Cv 13,13-25): Thánh Phaolô đến Pécghê miền Pamphylia, vào hội đường và giải thích về lịch sử dân Israel và loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ muôn dân mong đợi. Đức Thánh Cha khẳng định: “Đằng sau Chúa Giêsu có một lịch sử của ân sủng, của việc tuyển chọn, của lời hứa. Thiên Chúa đã chọn Apraham và đi cùng với dân Ngài. Có một lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài. Thánh Phaolô không bắt đầu từ Chúa Giêsu nhưng bắt đầu từ lịch sử”.
Kitô giáo không chỉ là: giáo lý, đạo đức
Tới đây, Đức Thánh Cha dẫn vào Kitô giáo: “Kitô giáo không chỉ là một giáo lý, nhưng Kitô giáo là một lịch sử đưa đến giáo lý này. Kitô giáo không chỉ là việc thực hành một số việc đạo đức luân lý, Kitô giáo có các nguyên lý phổ quát, nhưng Kitô hữu không chỉ giới hạn trong cái nhìn đạo đức”.
Là Kitô hữu là thuộc về một dân
Đức Thánh Cha nói thêm: “Hơn thế nữa, Kitô hữu không phải chỉ là những người ưu tú của một dân được tuyển chọn cho chân lý. Trở thành Kitô hữu đó là việc thuộc về một dân được Thiên Chúa tuyển chọn cách nhưng không. Nếu chúng ta không có ý thức thuộc về một dân, chúng ta sẽ là những Kitô hữu của những ý thức hệ; và với một ít giáo lý, một chút đạo đức, các Kitô hữu tự cho mình là thành phần ưu tuyển, tin rằng những người khác bị loại bỏ và sẽ xuống hỏa ngục. Với tư tưởng này chúng ta không phải là những Kitô hữu thực sự”.
Ký ức của một dân tộc
Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Nhiều lần chúng ta bị rơi vào tính thiên vị này: chiều kích tinh hoa, tư tưởng là thành phần được ưu tuyển. Những điều này làm cho chúng ta bị tổn thương rất nhiều, làm cho chúng ta đánh mất ý nghĩa thuộc về dân thánh trung thành của Chúa”.
“Chúng ta cần phải loan truyền lịch sử cứu độ của Thiên Chúa thực hiện trên chúng ta, ký ức của một dân tộc. Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhở chúng ta nhớ về tổ tiên. Sự sai lệch nguy hiểm hơn cả của các Kitô hữu đó là thiếu ký ức thuộc về một dân. Đây chính là nơi các chủ nghĩa giáo điều, luân lý đạo đức, các phong trào tự nhận tinh hoa xuất hiện”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Nói chung, dân chúng không bị lầm lẫn, dân bước đi theo một lời hứa và đã thực hiện giao ước, một giao ước có thể dân chưa hoàn thành nhưng biết giao ước này”.
Ngọc Yến – Vatican News