23/11/2024

Thủ tướng Armenia đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn và dứt khoát lời ĐTC Phanxicô kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trên toàn cầu và kêu gọi hiệp nhất trong khi thế giới đang đối mặt với một mối đe dọa chưa từng có.

 

Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia

 

Trên tài khoản Twitter, Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia cho biết hôm thứ Sáu 08/05, ông đã có cuộc trò chuyện với Đức Thánh Cha qua điện thoại.

Các chủ đề trong cuộc điện đàm

Trong cuộc nói chuyện ông đã bày tỏ sự ủng hộ với lời Đức Thánh Cha kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu. Các phương tiện truyền thông của Armenia, như Armenpress, cho biết thêm là Thủ tướng Pashinyan cũng đã cảm ơn Đức Thánh Cha về những nỗ lực của Giáo hội Công giáo để giảm thiểu hậu quả kinh tế do đại dịch virus corona, đặc biệt là vì lợi ích của các bộ phận những người dễ bị tổn thương nhất trong dân chúng.

 Theo các nguồn tin này, Thủ tướng Pashinyan đã khẳng định sự dấn thân của Armenia đối với một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorno Karabakh (khu vực có đa số người Armenia đang do Azerbaijan cai trị); trong khi đó, Đức Thánh Cha “đã tái khẳng định quan điểm của mình về vấn đề diệt chủng Armenia”.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno Karabakh

 Cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno Karabakh là một trong nhiều “xung đột ở cường độ thấp” nằm rải rác trên khắp thế giới. Vấn đề căng thẳng chính trị – sắc tộc quanh khu vực đó bùng nổ khi Liên Xô tan rã. Tại Nagorno Karabakh, với đa số người Armenia, vào tháng 09/1991, chính quyền Liên Xô ở địa phương đã áp dụng luật pháp của Liên Xô thời đó và tuyên bố sự ra đời của một Cộng hòa mới sau khi Azerbaijan tách khỏi Liên bang Xô Viết. Một cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử đã diễn ra sau đó, nhưng vào tháng 1 năm sau đó, phản ứng quân sự của Azerbaijan đã châm ngòi cho cuộc xung đột khiến 30.000 người chết và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1993; kể từ đó thỏa thuận này liên tục bị vi phạm bởi các cuộc tấn công và các cuộc giao tranh ở biên giới.

Vào đầu tháng 4 năm 2016, các cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất trong khu vực kể từ giữa những năm 1990 đã xảy ra giữa các lực lượng của Azerbaijan và những người của chính quyền ly khai Armenia. Những cuộc đụng độ đó đã dẫn đến cái chết của hàng chục người, cho đến khi một thỏa thuận ngừng bắn được ký vào ngày 05/04/2016. Về mặt kỹ thuật, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn trong khu vực. Các khu vực biên giới giữa Nagorno-Karabakh và Azerbaijan vẫn bị quân sự hóa theo chế độ “ngừng bắn” thường bị cả hai bên vi phạm. (Agenzia Fides 9/5/2020)

Hồng Thủy – Vatican News