Trước sự gia tăng bạo lực và các tội phạm liên quan đến bị cáo buộc là phù thủy, ngày 18/8, một cuộc hội thảo trực tuyến về ma thuật đã được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Có 60 người tham dự buổi gặp gỡ, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực.
Mở đầu cuộc hội thảo, cha Ambrose Pereira, Thư ký ban Truyền thông Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục nói về mục đích cuộc gặp gỡ là nhằm “suy tư và nâng cao nhận thức về chủ đề ma thuật, cũng như hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực liên quan đến việc bị tố cáo là phù thủy”.
Tiếp theo, Đức cha Anton Bal, Tổng Giám mục Madang, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Papua New Guinea và Quần đảo Solomon giải thích thuật ngữ “Sanguma” có nghĩa là ma thuật, được tập quán văn hóa hiểu và áp dụng cho các hoàn cảnh không có lời giải thích hợp lý. Đức cha nói: “Từ này được sử dụng nhằm đưa ra câu trả lời trước một căn bệnh, tai họa và những cái chết không rõ nguyên nhân”. Thực tế, khi có người đột ngột qua đời, mọi người thường cho rằng cái chết là do ma thuật gây ra và người nghèo thường bị đổ lỗi gây ra cái chết này. Nhưng người nghèo lại không có khả năng tự vệ, và họ thường bị tra tấn và giết chết.
Cha Philip Gibbs, Phó hiệu trưởng Đại học Divine Word nhấn mạnh, phù thủy là một cách để đối phó với kinh nghiệm của một bất hạnh hoặc mất mát. Thực tế, khoa học có thể cho chúng ta biết nguyên nhân của cái chết, nhưng không thể trả lời “tại sao nó lại xảy ra”. Và đây “là một khó khăn mà không chỉ ở Papua New Guinea nhưng toàn nhân loại vẫn phải đối diện với thực tế này”.
Đức cha Donald Lippert, Giám mục Mendi, cảnh báo những hành động tàn bạo khủng khiếp của việc bị tố cáo là phủ thủy tiếp tục là một trở ngại cho hòa bình và sự tôn trọng trong xã hội, và những thực hành này nếu không được kiểm soát, có thể gây ra những hậu quả tàn phá cho các cộng đoàn.
Theo ông Michelle Taumpson, một đại diện chính phủ, trong hoàn cảnh này, các Giáo hội có thể đóng một vai trò quan trọng. Ông Michelle nói: “Trước hết, chúng ta phải thay đổi hành vi của mọi người để tạo ra sự thay đổi trong niềm tin của họ”.
Vì vậy, ông đề nghị các Giáo hội áp dụng “chiến lược quốc gia” để giải quyết bạo lực liên quan đến phù thủy, thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Để có thể giải phóng người dân khỏi nạn phù thủy, một niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, cần phải có sự dấn thân giáo dục cộng đồng lâu dài và hành động của các tổ chức có thẩm quyền. (CSR_6073_2020)
Ngọc Yến – Vatican News