23/11/2024

Đây là những suy tư rất thâm trầm, rút ra từ những trải nghiệm nội tâm trong thời gian giãn cách xã hội vì con vi khuẩn Covid-19.

Cuộc sống rồi sẽ ra sao sau cơn đại dịch? Đó là câu hỏi nghiêm túc đặt ra cho mọi người, mọi dân tộc, quốc gia, thể chế chính trị. Và câu trả lời là: “Con người phải thiết lập lại những tương quan cơ bản đối với Thiên Chúa, đối với thiên nhiên, đối với đồng loại,…”

 

 

Rồi sau này sẽ ra sao?

Và mọi thứ dừng lại…

Thế giới này được quảng cáo như một chiếc xe đua trong cuộc đua điên cuồng của nó; thế giới này đang chạy thục mạng mà không ai tìm được cái nút dừng khẩn cấp. Rồi đột nhiên cỗ máy khổng lồ ấy dừng hẳn chỉ vì một con thú tí hon, nó nhỏ đến nỗi mắt thường không thể thấy, một loại siêu vi nhỏ đến độ như không là gì cả… Thật là mỉa mai! Và đây, chúng ta buộc phải ở yên và không làm gì cả. Nhưng sau này, điều gì sẽ xảy ra khi thế giới này tiếp tục những bước đi của nó, sau khi cái con thú tí hon xấu xí kia bị đánh bại? Rồi sau này, cuộc sống chúng ta sẽ ra sao?

Rồi sau này sẽ ra sao?
Hồi ức lại những trải nghiệm trong suốt thời gian này, hẳn là chúng ta sẽ quyết định dành ra một ngày nghỉ trong tuần bởi lẽ nhận ra rằng tốt đẹp dường bao khi biết dừng lại; có cả một ngày dài để thưởng nếm thời gian dần trôi và những thứ khác nữa chung quanh ta. Và ta sẽ gọi đó là Chúa nhật.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Những người chung sống dưới cùng một mái nhà sẽ dành ra vài ba buổi tối trong tuần để cùng vui đùa, chuyện trò, chăm sóc nhau, rồi gọi điện thoại hỏi thăm ông hay bà mình đang sống lẻ loi ở ngoại ô thành phố hay những người họ hàng bấy lâu xa vắng. Và ta sẽ gọi đó là gia đình.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ ghi vào bản hiến pháp rằng người ta không thể mua bán mọi thứ được mà phải phân biệt giữa nhu cầu với sự ham thích bốc đồng, giữa sở thích và sự thèm muốn; rằng cây cỏ cũng cần có thời gian để lớn lên và đúng thời đúng buổi quả là điều hay; rằng con người chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là toàn năng, rằng sự hữu hạn và giòn mỏng nằm sâu trong hiện hữu của con người lại là một phúc lành, vì đó là điều kiện cho một khả thể trọn cả thương yêu. Và ta sẽ gọi đó là khôn ngoan.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ vỗ tay tán thưởng mỗi ngày, không chỉ các nhân viên y tế lúc 8 giờ tối mà cả những lao công dọn rác lúc 6 giờ sáng, nhân viên bưu điện lúc 7 giờ, thợ làm bánh mì lúc 8 giờ, tài xế xe buýt lúc 9 giờ, các viên chức lúc 10 giờ, v.v… Vâng, bởi lẽ trong cuộc hành trình dài qua sa mạc này, chúng ta sẽ lại tìm ra ý nghĩa của việc phụng sự tổ quốc, của sự tận tâm vì công ích. Chúng ta sẽ hoan hô tất cả những ai, cách này hay cách khác, đang phục vụ tha nhân. Và ta sẽ gọi đó là lòng biết ơn.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ nhất quyết không nổi nóng khi phải xếp hàng và sẽ tận dụng thời gian ấy để chuyện trò với những người đang đứng đó với chúng ta. Bởi lẽ chúng ta sẽ lại nhận ra rằng thời gian không thuộc về mình; rằng Đấng ban thời gian cho ta đã không đòi ta phải trả thứ gì cả, và rằng nhất định là không, thời gian không phải là tiền bạc! Thời gian là quà tặng và mỗi phút giây là một món quà để thưởng nếm. Và ta sẽ gọi đó là nhẫn nại.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ chuyển các nhóm bạn trên ứng dụng WhatsApp giữa những người hàng xóm trong thời gian thử thách này trở thành các nhóm bằng hữu ngoài đời thực: cùng ăn tối, trao đổi tin tức, giúp nhau đi mua sắm hoặc đưa trẻ đến trường. Và ta sẽ gọi đó là tình huynh đệ.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ cười khẩy khi nghĩ về lúc trước khi chúng ta rơi vào cảnh nô lệ cho cỗ máy tài chính do chính mình tạo ra, sự kìm kẹp chuyên chế ấy từng nghiền nát những cuộc đời và tàn phá hành tinh này. Rồi chúng ta sẽ đặt con người trở lại vị trí trung tâm của nó bởi lẽ không một sự sống nào đáng bị hy sinh nhân danh bất kỳ một thể chế nào. Và ta sẽ gọi đó là công lý.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Chúng ta sẽ nhớ lại rằng con virus này đã lan truyền giữa chúng ta không phân biệt màu da, văn hóa, mức sống hay tôn giáo. Đơn giản vì lẽ tất cả chúng ta là nhân loại. Đơn giản vì chúng ta là con người. Và từ điều này, chúng ta sẽ học được rằng nếu ta đã lan truyền cho nhau điều tồi tệ nhất thì ta cũng có thể chuyển trao cho nhau điều tốt đẹp nhất. Đơn giản vì chúng ta là con người. Và ta sẽ gọi đó là nhân đạo.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Trong những ngôi nhà và trong các gia đình của chúng ta sẽ có nhiều chiếc ghế bỏ trống, chúng ta sẽ thương tiếc những người sẽ không bao giờ nhìn thấy thời sau này. Những gì chúng ta sẽ phải trải nghiệm là rất đau đớn và dữ dội, nhưng đồng thời ta sẽ khám phá ra mối tương giao và hiệp thông giữa chúng ta còn mạnh hơn sự cách biệt thể lý. Và chúng ta sẽ biết rằng mối tương giao này thách thức cả không gian lẫn thời gian; chớ chi mối tương giao này vượt qua cả cái chết. Và mối tương giao ấy sẽ nối kết chúng ta, bên này với bên kia con đường, bên đây với bên kia cái chết, nơi này với bên kia cuộc sống. Và ta sẽ gọi là Thiên Chúa.

Rồi sau này sẽ ra sao?
Sau này sẽ khác với trước kia, nhưng để sống cái sau này, chúng ta phải vượt qua cái hiện tại. Chúng ta phải bằng lòng với một cái chết khác đang thách thức chúng ta, cái chết này đau đớn hơn nhiều so với cái chết thể lý. Bởi vì không có phục sinh nếu không có cuộc thương khó, không có sự sống mà không trải qua cái chết, không có bình an đích thực mà không vượt thắng hận thù, không có niềm vui mà không nếm trải u buồn. Và để nói về điều này, để nói về sự biến đổi chậm chạp này của chúng ta, đang diễn ra ngay giữa cơn thử thách này, một cuộc thai nghén dằng dai của chính chúng ta, mà để nói lên điều đó, thì chẳng có ngôn từ nào là khả dĩ.

 

Tác giả: Lm. Pierre Alain Lejeune.
Chuyển ngữ: Vinh Hưng, OP. – Nguồn: gpbanmethuot.com 
Theo: A quoi ressemblera notre vie après? (La Croix)

hdgmvietnam.com